| Hotline: 0983.970.780

Thị trường khốc liệt nên kinh tế nông hộ nhỏ lẻ đa phần đều thất bại

Thứ Ba 14/02/2017 , 13:45 (GMT+7)

Dù có ý chí làm nhà rất lớn nhưng sức cùng, lực kiệt nên phần đa dân Đồng Tân vẫn chấp nhận ở trong những ngôi nhà cấp bốn, xuống cấp, tồi tàn. Đứng trên một ngôi nhà tầng nhìn xuống xóm làng, mắt tôi như hoa lên bởi một màu ngói rêu phong, buồn bã. Chưa ở đâu tôi thấy nhiều nhà ngói tạm bợ (chứ không phải là nhà cổ) như ở đây.

“Cơn gió” ấy là cơ chế thị trường với giá cả biến động còn nhanh hơn cả nước sông Thương mùa mưa lũ, còn nông hộ nhỏ dập dờn chẳng khác gì phận củi rều…
 

Ăn thịt thay ăn… cơm

Đích thân Bí thư xã Đồng Tân (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) phóng xe máy dẫn tôi đi thực tế khắp các thôn trên con đường làng gồ ghề sống trâu. Mới non trưa mà mặt anh Nguyễn Văn Dân - Trưởng thôn Thắng Lợi đã tưng bừng đỏ. Anh thú thật là từ sáng tới giờ đã đi 3 đám lệ và xin hẹn làm việc với tôi vào ngày mai vì từ chiều đến tối còn phải đi ăn thêm 2 đám nữa.

Đồng Tân có 3 làng mở lệ vào 4, 6, 15 âm lịch để người dân mời người thân, bạn bè đến nhà ăn tết lại. Ngoài lệ còn có hội. Dịp đầu xuân cả huyện Hiệp Hòa có hàng trăm cái lệ, cái hội như vậy. Nông dân tưng bừng ăn, tưng bừng uống, nhất là trong bối cảnh giá thịt lợn rẻ như rau năm nay nhà đông thì mổ cả con, nhà thưa thì gọi nhau đụng. Thôn xóm rền vang tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc, tiếng người cụng li kêu một, hai, ba, mặt ai nấy đều đỏ gay như những cánh đào.

Khi tôi đến nhà ông Nguyễn Đức Tiền ở thôn Hòa Bình thì gia chủ đang giở tấm ni lông ra xem xét đám mạ dự phòng trên sân. Bốn người con ra ở riêng hết, để lại ông bà già đã trên dưới 60 tuổi lo 10 sào ruộng. Hiệu quả không có cộng thêm sức không kham nổi nên họ cấy 5 sào, bỏ 5 sào, cấy vụ mùa, bỏ vụ chiêm. Toàn những thửa ruộng đầu trâu, mõm bò nhưng là nông dân không cấy thì còn biết làm cái gì?

Đợt đói cuối cùng mà ông Tiền được trải nghiệm là năm 1988. Kể từ đó bồ thóc trong nhà chưa bao giờ bị cạn. Mươi, mười lăm năm trước ông từng tự hào biết mấy về cái bồ thóc chất cao gần tới mái của mình. Ai đến nhà cũng muốn vỗ vỗ vào đó để rồi lắng nghe tiếng vọng lại “thịch, thịch” no đủ và mê tơi.

Nhưng bồ thóc dù có to đến mấy giờ đây cũng chỉ trị giá có vài triệu đồng, chẳng nhà nào còn muốn khoe thóc nữa. Chuyện ruộng đồng đã thế còn chuyện chăn nuôi gần đây cũng không mấy gia đình chịu nuôi vài con lợn trong khuôn viên nhà vì nặng mùi mà mỏng lãi. Đã mấy năm rồi ông Tiền bỏ trống chuồng nhưng đầu vụ qua, thấy giá thịt bốc cao lên như diều gặp gió ông mới đem 30 triệu đồng ra đầu tư nuôi 9 con để giờ lỗ nặng.

14-19-33_dsc_7005
Tổng số tiền trong nhà của chị Tình

 

Đó là toàn bộ số tiền dưỡng già của cả hai. Đời làm nông, vắt cùng kiệt sức đến mức bà đau chân phải đi lết, ông đau lưng phải đi khom, trung bình mỗi năm họ để ra được 1 triệu. Ngay cả ngôi nhà tồi tàn làm từ 36 năm trước, dột và bụi đến nỗi phải che tạm bằng mảnh ni lông đen xỉn trên đỉnh màn họ cũng không có điều kiện cải tạo. Sức tàn, vốn cạn, ông bà như hai bại binh giơ cờ trắng đầu hàng cơ chế thị trường khắc nghiệt. Họ chẳng còn có gì để mà dự phòng tuổi già ngoài mấy sào ruộng mà giờ dù nài nỉ cũng chẳng ai thèm thuê.

14-19-33_dsc_7038
Cảnh thường thấy khi về già

 

Đổ tiền vào làm nhà chứ không vào sản xuất

Một hộ khác ở thôn Hòa Bình là anh Nguyễn Văn Duy có một căn nhà nát đến mức ban rà soát hộ nghèo búng búng tay vào cột thì chỉ nghe thấy tiếng bộp bộp, bấm móng tay vào thì ngập sâu… cả ngón. Ngôi nhà đó là chỗ trú chân của ba thế hệ già trẻ lớn bé nhưng giờ không còn an toàn nữa nên họ đành phải làm lại dù trong túi không có một xu.

Nhưng đã làm nhà thì phải làm thật to, người con trai bảo thế rồi vay mượn tứ tung được 300 triệu. Lúc đầu chỉ định xây 1 tầng với 100m2 mặt sàn thì thừa đủ cả nhà ở nhưng về sau nó lại chuyển ý xây luôn 2 tầng để giờ đây “thui chó nửa mùa hết rơm”.

Một cái khung trơ cả lõi thép bên trên, không trát, không cửa, đen xì như một cái lô cốt thời Pháp còn sót lại thi gan giữa trời đất. Bên trong chỉ có mấy cái sào để vắt quần áo, bên ngoài là đống rơm và thân ngô chất đầy che gió, che mưa thay cho cánh cửa sổ. Ba viên gạch kê ngoài sân rồi che tấm bạt rách bên trên làm bếp khiến hễ mưa xuống là lợn đành nhịn vì củi ướt, không có gì để mà nấu cám.


Ngôi nhà dở dang của anh Duy

 

Anh Duy nói mà như rên: “Phải vay mượn chừng 300 - 400 triệu nữa để hoàn thiện thì mới nhận được hỗ trợ mấy chục triệu tiền làm nhà cho hộ nghèo chứ để dở dang thế này chẳng được cái gì cả”. Bệnh gan nặng hành hạ khiến mặt anh cứ vàng bủng như một quả chanh héo. Toàn bộ hi vọng giờ gửi gắm cả vào người con trai và con dâu. Họ phải gửi các con nhỏ ở lại nhà, tha hương nai lưng ra mà làm để trả nợ đồng thời ngóng vay mượn tiếp để hoàn thiện nốt.

Quần quật cả năm chỉ được về nhà có đôi bận mà cũng chẳng mấy khi họ thấy mặt mũi đồng tiền nó tròn méo ra sao. Cuối năm vừa rồi, bí tiền quá, vợ anh Duy mới gọi người vào gạ bán hai bụi tre lấy tiền tiêu tết. Hai bụi tre xùm xòe trên 100 cây, là của hiếm của làng thời nay mà người ta đến chỉ trả có 300.000đ nên chị lại đành thôi. Thương cho hoàn cảnh éo le đó, xóm đã tạo điều kiện cho anh chị năm nay được tiếp tục trong danh sách hộ nghèo chứ cứ đằng thẳng ra, chấm tiêu chuẩn với 4 lao động cứng thì thừa chỉ tiêu thoát.

Thị trường khốc liệt như chiến trường mà người nông dân không “mũ giáp” gì lại liều lĩnh lao ra nên phần đa đều thất bại. Người nhẹ thì cạn vốn, người nặng thì phá sản càng khoét sâu thêm cái hố ngăn cách giàu giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị vốn trước đây đã toang hoác thì giờ rộng như cả một cái miệng núi lửa, chỉ thấy bờ mà không thấy được đáy.

Tết năm ngoái nhiều gia đình ở nông thôn không dám ăn lẩu vì rau còn đắt hơn cả thịt, còn tết năm nay thịt lại còn rẻ hơn cả rau. Âu cũng là cái vòng luẩn quẩn của kinh tế nông hộ cứ thấy cái gì đắt là lao vào sản xuất, bất biết đến đầu ra.

Đây cũng chính là nguyên nhân mà mỗi ngày lại có từng đoàn nông dân nhao ra thành phố để bán sức lao động, bán cả tuổi trẻ và sức khỏe, hi vọng. Những người ở lại như con chim sợ cành cong, luôn lo sợ rủi ro nên thêm củng cố tư duy "ăn chắc, mặc bền". Có đồng nào là bỏ hòm, bỏ lọ, khi nhiều một chút thì đổ vào xây nhà.

Nhà to vừa như một thứ chứng chỉ hữu hình cho sự thành đạt của mình vừa như một thứ hồi môn vững chắc cho con cháu dù xây xong có phải nợ đầm nợ đìa.

Dù có ý chí làm nhà rất lớn nhưng sức cùng, lực kiệt nên phần đa dân Đồng Tân vẫn chấp nhận ở trong những ngôi nhà cấp bốn, xuống cấp, tồi tàn. Đứng trên một ngôi nhà tầng nhìn xuống xóm làng, mắt tôi như hoa lên bởi một màu ngói rêu phong, buồn bã.

Chưa ở đâu tôi thấy nhiều nhà ngói tạm bợ (chứ không phải là nhà cổ) như ở đây. Như thôn Thắng Lợi với 118 hộ thì chỉ có 16 nhà tầng, 4 nhà ngói to chắc chắn còn lại là úi xùi cả. Trong những ngôi nhà to hiếm hoi ấy có cái chăng đầy mạng nhện bởi chủ đang phải tha hương biền biệt bán sức lao động.

14-19-33_dsc_7041
Nhà một người nông dân
 

Tối đó, tôi ngủ lại nhà anh Nguyễn Văn Toàn - cán bộ xã Đồng Tân. Tiếng là cán bộ thật nhưng anh vẫn phải trần mình ra làm nông như ai. Mấy sào ruộng từ hồi cưới vợ, sinh con thì hoàn toàn tự cung tự cấp không bán được một cân thóc nào. Đàn gà trong vườn thì nuôi cũng chỉ đủ để mà thỉnh thoảng cải thiện. Kinh tế chủ yếu trông mong vào con lợn nái và con bò mẹ. Thế mà con bê 6 tháng tuổi đẹp như mộng đang ngoe nguẩy đuôi trước sân kia năm ngoái còn được 10 triệu năm nay chỉ còn 6 triệu, gần như không có lãi.

Trong căn nhà cũ kĩ chẳng có của nả gì đáng kể nên đi ngủ mà cửa cổng, cửa chính vẫn không cần phải khóa. Làng trên xóm dưới nhiều nhà cũng như thế. Tảng sáng, tiếng vó guốc khua lốc cốc đánh thức tôi dậy. Ngó ra ngoài đường làng phân trâu, phân bò vung vãi, từng tốp người đang nườm nượp rủ nhau đi cày. Không khác gì cảnh hồi đầu khoán 10 cách đây 30 năm, chỉ khác duy nhất một thứ là hồi đó cày đẽo bằng gỗ còn giờ rèn bằng kim loại.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm