| Hotline: 0983.970.780

Cần thêm nhiều bản ghi nhớ cho ngành hàng lúa gạo

Thứ Tư 13/12/2023 , 07:30 (GMT+7)

Tại Hội thảo quốc tế ‘Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới’ do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức ngày 13/12, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng các bản ghi nhớ với quốc gia nhập khẩu sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh, giúp ích trực tiếp cho người nông dân.

 

Hội thảo là một trong các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11 đến 15/12 tại TP Vị Thanh.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm trao đổi về tình hình thị trường lúa gạo toàn cầu, xu hướng biến động trong thời gian tới và khuyến nghị các giải pháp phù hợp đưa ngành hàng gạo phát triển bền vững.

Tham dự và chủ trì hội thảo là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên. Ngoài ra còn sự tham gia của các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức quốc tế.

Thời gian qua, thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Để đánh giá tình hình thị trường lúa gạo từ nhiều góc nhìn khác nhau, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ đánh giá, phân tích của các chuyên gia, diễn giả hàng đầu thế giới.

Thông qua đó sẽ giúp các nhà quản lý, người dân và các doanh nghiệp có định hướng giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Tất cảTổng thuật

Cần thêm nhiều bản ghi nhớ cho ngành hàng lúa gạo

z4969768755616_0b3b25101f4248ca639662108870a556

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Tùng Đinh

Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu đã đưa ra trong sáng 13/12, giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cũng như giúp người nông dân có thêm doanh thu khi giá gạo thế giới liên tục tăng.

Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt, khi Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giúp các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn đúng đắn hơn, nhận thức rõ hơn về canh tác lúa trong thời điểm hiện tại.

“Vấn đề liên kết là quan trọng nhất. Bộ NN-PTNT sẽ điều tiết để các bên tạo lập những chuỗi cung ứng, không chỉ trong nước mà còn là các quốc gia trong khu vực”, Thứ trưởng nói.

Thời gian qua, nhân loại phải gánh chịu nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, xung đột chính trị. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh thêm 2 khía cạnh nữa ảnh hưởng tới nguy cơ mất an ninh lương thực. Đó là di dân, và sự điều chỉnh cục bộ của một số quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.

Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NN-PTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

“Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân”, Thứ trưởng nói thêm.

Qua các chuyến công tác nước ngoài, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trăn trở vấn đề là thương hiệu Việt Nam nói chung chưa được biết nhiều trên thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là khối doanh nghiệp, phải xác định và có chương trình, kế hoạch để nâng cao thương hiệu của ngành hàng.

Trực tiếp phụ trách hệ thống khuyến nông toàn quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam coi các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị lúa gạo, đồng thời phổ biến kiến thức cho bà con nông dân sản xuất trực tiếp.

“Khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cùng chung tay xây dựng ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, Thứ trưởng kết luận.

GS Võ Tòng Xuân: Nếu cần, Việt Nam có thể canh tác 4 vụ 1 năm

z4969731692067_57119a4576b0e6b84ea60757c565a5e0

Chia sẻ tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh vào vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024, cùng với đó động thái của Ấn Độ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn. Nhưng hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi mà chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp người nông dân được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Ví dụ như, các diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có thể canh tác tôm xen lúa, đem lại lợi ích gấp 4 lần so với trồng lúa đơn thuần. Điều này, cùng với những công trình thủy lợi đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, sống chung với biến đổi khí hậu.

Do đó, nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Italy có nhu cầu gạo đang tăng đều đặn

z4969676726762_10c00df5bdcf713a55333a5cd38e19d7

Ông Renzo Moro. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Renzo Moro từ Đại sứ quán Italy tại Việt Nam cho biết, quy mô thị trường gạo Italy dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Hiện quốc gia này trồng lúa chủ yếu tại miền Bắc, vùng Piemonte, Lombardia và Veneto.

“Sự gia tăng nhu cầu gạo của các nước nhập khẩu gạo Italy và tiêu thụ gạo trong nước dẫn đến nhu cầu mua gạo trong nước. Do đó, giá gạo tăng đáng kể thời gian qua”, ông Monro chia sẻ.

Italy là nhà sản xuất gạo hàng đầu ở châu Âu, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo của khối. Khoảng 40% gạo được trồng ở nước này dùng để chế biến.

Tiêu thụ gạo của Italy đã tăng đều đặn trong vài năm qua. Thông qua Hiệp định EVFTA, Italy tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo ông Monro, bất cứ sự gián đoạn hoặc thay đổi nào đối với mối quan hệ thương mại này đều ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thực phẩm của Italy.

Tại quốc gia Nam Âu, chi phí lao động và đất đai khá cao, gây khó khăn cho việc cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu từ các nước châu Á. Do đó, với những sản phẩm đạt đầy đủ chất lượng và có giấy chứng nhận, Italy luôn chào đón.

VFA: ĐBSCL nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm

z4969619412935_29f616a66373457ab1ece6a04fc4b5d1

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Báo cáo về sản xuất, chế biến gạo Việt Nam gắn với thị trường tiêu thụ thế giới, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định rằng tình hình thế giới biến động mạnh mẽ từ Covid-19, biến động địa - chính trị ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường lúa gạo khi chuỗi cung ứng đứt gãy, giá vật tư nông nghiệp bị đẩy lên cao, nguồn cung thu hẹp...

10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,05 triệu tấn (tăng 10,91% so cùng kỳ 2022), 3,95 tỷ USD về giá trị (tăng 19,4% so cùng kỳ 2022). Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng/2023 đã vượt qua trị giá xuất khẩu của cả năm 2022 (Năm 2022: Số lượng 7,1 triệu tấn, trị giá 3,46 tỉ USD).

Đối với định hướng sản xuất lúa gạo trong nước gắn liền với xu thế tiêu thụ của thế giới, hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn về phân khúc sản phẩm dựa trên hai yếu tố gồm định hướng của chính phủ và xu thế tiêu thụ của thế giới. Đặc biệt, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn tại hai khu vực chính là Đông Nam Á và châu Phi. Đồng thời, có ưu thế cạnh tranh với những nguồn cung khác trong khu vực nhờ giá cả phù hợp với năng lực tài chính của các nhà nhập khẩu.

Theo ông Nam, khu vực ĐBSCL nhìn chung nên tiếp tục ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm chủ lực như các bộ giống OM (5451, 18), Đài Thơm 8, Jasmine 85, nếp và các loại giống đặc sản như VD20, ST 24, ST25, RVT, Nàng Hoa… để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường.

Công tác nghiên cứu và phân phối giống lúa thuần chủng đến nông dân cần được chú trọng đầu tư để đạt được mục tiêu “ổn định” về cả sản lượng lẫn chất lượng trong dài hạn.

Là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các cơ quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với các cơ quan, Bộ ngành tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác chuyên môn của ngành hàng lúa gạo như đẩy mạnh xuất khẩu gạo thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa trong khu vực nông dân, nhất là vào các thời điểm thu hoạch rộ, giúp bình ổn giá gạo nội địa và góp phần đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia.

z4969529700002_b0f41c430076993b5582337d33e591cd

Ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, hai quốc gia Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung và là bạn hàng quan trọng của nhau về mặt hàng lúa gạo.

Là quốc gia đông dân, Indonesia nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của an ninh lương thực, trong đó có lúa gạo. Tuy nhiên, khi mà tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu diễn biến tương đối nhanh, diện tích canh tác lúa lại chưa tăng tương xứng. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2021, diện tích lúa chỉ tăng khoảng 1,5%.

“Khi tăng trưởng kinh tế tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa càng là một thách thức với nhân loại”, ông Abdi nói.

Theo Đại sứ Indonesia, khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo. 5 quốc gia sản xuất lúa hàng đầu, gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar giữ nguồn cung quan trọng trong thị trường lúa gạo toàn cầu.

Để các quốc gia trong khu vực duy trì, nâng cao hơn nữa vị thế, ông Abdi đề xuất các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

“Cùng nhau, chúng ta cần tiếp tục cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc”, ông bày tỏ.

z4969485894762_de5fcb3d990e498251081f2344b132fc

Ông Subramanian đến từ Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore) cho biết ông rất ngạc nghiên khi sau 14 năm, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về lúa gạo. Về tổng quát, ông Subramanian cho rằng thị trường lúa gạo là sự tổng hợp từ tình hình chính trị và khí hậu. Về nguồn cung, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì năm 2024 thị trường có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, để cập nhật được thông tin về thị trường, Việt Nam có thể thai khác từ nhiều nguồn mở trên Internet, qua đó có thể hiểu được quan hệ cung - cầu trong thời gian tới, hiểu được về xu hướng giá của lúa gạo.

Chi tiết hơn, ông Subramanian nêu ra những biến động về chính sách xuất khẩu của các quốc gia sản xuất lúa gạo, các xung đột trên thế giới và diễn biến của khí hậu trong năm 2024, từ đó đưa ra nhận định về thị trường.

Ví dụ, ngay bây giờ, trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp, thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan sẽ thúc đẩy nhu cầu, nhu cầu của châu Á chủ yếu từ Indonesia, Philippines và Malaysia.

Chuyên gia FAO: Hợp tác Nam - Nam, Ba Bên thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo

Nhập chú thích ảnh

Ông Aziz Arya. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ tổng quan về thị trường gạo thế giới và xu hướng trong thời gian tới, ông Aziz Arya, chuyên viên Phụ trách Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác tam giác, Văn phòng FAO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, trong trong khuôn khổ Hợp tác Nam - Nam, Hợp tác tam giác có đề cập nhiều đến lĩnh vực lúa gạo.

Gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người/ một nửa dân số thế và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu. Tại khu vực châu Á, tiêu thụ gạo có thể chiếm đến 70% lượng hấp thụ calo mỗi ngày. Trong khi đó, việc trồng lúa chiếm 40% nước tưới tiêu; 15% đất ngập nước và 10% lượng khí thải metan toàn cầu.

Ông Arya cho biết, trong chuỗi giá trị lúa gạo đang gặp những thách thức nhất định như gánh nặng kép về thay đổi nhân khẩu học dẫn đến nhu cầu về thực phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn, chất lượng cao hơn. Ngoài ra biến đổi Khí hậu cũng tác động đến số lượng và chất lượng nước, suy thoái đất, chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, sâu bệnh tăng lên.

Khoảng cách công nghệ ngày càng lớn giữa các nước và khu vực gây khó khăn trong việc sử dụng tối ưu và bền vững phân bổ tài nguyên, thiếu năng lực thích ứng với các thách thức hiện tại và mới nổi.

Bên cạnh đó còn tồn tại những thách thức như đầu tư vào nghiên cứu và khuyến nông còn hạn chế, biến động thị trường và chuỗi cung ứng kém hiệu quả...

Để giải quyết các thách thức này, đại diện FAO đề xuất một số phương án về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ. Theo đó, tại khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ về hiệu quả của Hợp tác Nam - Nam và Hợp tác ba bên trong chuỗi giá trị lúa gạo, ông Arya cho rằng chương trình này có hiệu quả trong tất cả các khâu trong chuỗi liên kết lúa gạo. Ví dụ, đối với khâu sản xuất, Hợp tác Nam - Nam có thể giúp cải thiện chuỗi cung ứng đầu vào, hệ thống hạt giống và kết nối các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nông dân. Ngoài ra, xúc tiến trao đổi giữa các cơ quan thuộc hệ thống nghiên cứu và khuyến nông giữa các bên. Từ đó, thúc đẩy hệ thống ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững, thích ứng công nghệ và tài trợ nông nghiệp.

Đối với chế biến, chương trình này giúp thúc đẩy hợp tác công tư, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, thúc đẩy liên kết trước sau.

Ngoài ra chương trình cũng giúp chia sẻ kỹ thuật trong các khâu phân phối và tiêu thụ thông qua thúc đẩy tiếp cận nguồn vốn, tích hợp ngang - dọc hạ tầng thị trường từ nông trường đến thị trường, bán lẻ, bán buôn, xuất khẩu.

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ đồng hành với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Nhập chú thích ảnh

PGS.TS Bùi Bá Bổng. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cho rằng, xuất phát từ thực tiễn và các tồn tại của ngành hàng lúa gạo, hiệp hội đã ra đời để giữ được vị trí cao và sự bền vững cho toàn ngành hàng. Một trong những hạn chế là thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, còn đứt đoạn, gây khó khăn lẫn nhau.

Điều này đã được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, trong đó nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường. Điều đó đã thúc đẩy hiệp hội ra đời để tạo ra sự liên kết, để tất cả cùng nhau phát triển và đưa ra một cách tiếp cận mới, hệ sinh thái mới cho ngành hàng lúa gạo.

Nhiệm vụ của hiệp hội, trước hết là tạo ra sự liên kết của các tác nhân với phương châm “thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa”. Đầu tiên là sự liên kết giữa nông dân với nhau, rồi liên kết với thị trường thông qua các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để có sự hoạt động hiệu quả và đảm bảo môi trường, giảm phát thải.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ liên kết với Bộ NN-PTNT để thực hiện hiệu quả, đóng góp vào sự thành công của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL.

Doanh nghiệp lúa gạo cần đầu tư mạnh vào chất lượng

z4969262360810_c3ff50d8641ce3feb6b4a884c82f329a

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, diện tích gieo cấy năm 2023 ước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất ước đạt 60,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng 420 nghìn tấn so với năm 2022.

Một trong những điểm nổi bật là tỷ trọng các giống thơm, đặc sản hiện chiếm phần lớn.

Cụ thể, giống Đài Thơm 8/OM18 hiện chiếm 41%, giống OM5451 chiếm khoảng 19%, giống ST (21/24/25) chiếm khoảng 9%. Điều này được giữ xuyên suốt qua các vụ gieo trồng, từ vụ đông xuân, hè thu.

Về vấn đề thị trường, thị trường số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Ông Hòa dự báo, trong năm 2023, Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam - nhập khẩu gạo hơn 2,8 triệu tấn, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam, 4,5% từ Thái Lan đạt 126.560 tấn, 4,3% từ Myanmar đạt 120.538 tấn, còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Nhận định rõ xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh của thị trường lúa gạo, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.

“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh khâu giống, đại diện Bộ NN-PTNT đề xuất nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động.

Hậu Giang đăng ký năm 2025 có 28.000ha, năm 2030 có 46.000ha lúa chất lượng cao

z4969263303027_423872ec8db131e26e4b81054e867a75

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tich HĐND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tich HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, với sản xuất nông nghiệp, Hậu Giang khá thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ngọt dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, tổng chiều dài hơn 2.300km, trong đó có tuyến kênh xáng Xà No có bề dày lịch sử hơn 120 năm, nối sông Hậu và biển Tây, đây là tuyến vận tải lúa gạo đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

Tỉnh Hậu Giang có diện tích đất trồng lúa là 78.890ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm sản xuất cho ra gần 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt và là nguồn kinh tế chính của trên 100.000 hộ nông dân.

Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay càng cho thấy vị thế và vai trò quan trọng của ngành hàng lúa gạo đối với nông dân Hậu Giang nói riêng và nông dân cả nước nói chung và có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Góp phần vào những thành tựu chung của ngành hàng lúa gạo những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa sang các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, RVT… phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT triển khai Đề án “Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia đến năm 2025 là 28.000ha; đến năm 2030 là 46.000ha.

Theo ông Huyến, việc tổ chức Hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” là hết sức cần thiết. Đây là dịp để trao đổi, đánh giá, phân tích chuyên sâu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, công khai, minh bạch nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng… để cùng tìm ra giải pháp cho ngành hàng lúa gạo phát triển xanh, sạch hơn, bền vững hơn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Hội thảo cung cấp góc nhìn toàn diện hơn về thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới

z4969262820685_0a74a2c536e5dfd5acbb0387dfb32fa2

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội", ông nói.

Thứ trưởng nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và Châu Phi.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước.

Trước mắt, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” và “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". Do đó, Hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng tin tưởng, những thông tin từ hội thảo sẽ giúp hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo.

z4969163225020_bdd7e660b5c945ecd0b462791f7c8317

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường trao đổi với đại biểu quốc tế dự Hội thảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam. 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất