| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 13/01/2018 , 09:30 (GMT+7)

09:30 - 13/01/2018

Thiên lương

Cháu 11 tuổi, bà đem lên Sài Gòn học trường quốc tế. Bà cho tự lập, cắt một phòng riêng. Đêm dài, không gian mới, cháu chất quanh mình một đống gối.

Xa thị xã chôn nhau cắt rốn, xa ba mẹ, khi khóc, cháu giấu mình trong “công sự” gối, vắt tay qua mắt. Một cái cây vừa bứng sang cái chậu to hơn, cây đang héo, rồi sẽ tươi và sẽ mạnh mẽ vươn lên.

Xe đưa rước học sinh đến nhà bà sớm nhất, vì nhà bà xa nhất so với nhà những học sinh khác. Tiền phí cho cái đoạn xe ấy bằng 2 phần 3 tiền phí học. Vì sao phải tốn kém như vậy? Đơn giản là vì học quốc tế chỉ có 15 đến 19 em một lớp, ít hơn 3 lần so với trường công ở xứ ta, lại nữa - việc này quan trọng nhất - cháu được học tiếng Anh với thầy ngoại. Cháu có năng khiếu chữ nghĩa, cháu phải sớm là người thành thạo một ngoại ngữ.

Ông ngoại nhấn mãi vào đầu óc cha mẹ nó “Biết một ngoại ngữ là mở được một cánh cửa khác, hơn người. Thế hệ tụi con không được rù rờ ngoại ngữ, huống chi thế hệ cháu ngoại đây!” Vậy là cả họ nhịn ăn nhịn xài, đẩy cháu vô quốc tế.

Trên xe đưa rước, ngoài tài xế luôn có một bảo mẫu nữ để mắt đến từng học sinh. Năm giờ sáng bà đánh thức, mười lăm phút cháu đã chỉnh tề, bao giờ cũng hạ thấp đầu dưới vòi nước la-va-bô làm mát tóc, tỉnh ngay, vài giọt nước lăn xuống cái cổ trắng sáng. Mấy phút sau hai bà cháu đã đứng ở dưới chung cư, bên ánh đèn đường co ro trong sương sớm. Xe trờ tới, cháu đi thẳng vô ghế cuối cùng. Bà thấy cháu vật cái cặp xách xuống, nhoài ra chiếc ghế băng dài, đánh một giấc nữa. Xe đón lòng vòng, bảy giờ mới tới trường, ngủ thêm được 1 tiếng rưỡi mới ăn sáng và vô lớp. Bà chạnh lòng, học hành gì cực như đi cày!

Một buổi chiều, bà phát hiện cổ tay cháu mấy vết xướt rướm máu, nhìn kỹ, hình như có mấy dấu răng kiểu chó cạp. Tra gạn nó nói thiệt là bị bạn cào cắn trên xe. Môi trường quốc tế, chọn lựa tốn kém đủ thứ, vẫn bị nạn bạo lực học đường vậy sao, cô bảo mẫu đâu? Nó lắc đầu, kiểu kềm chế của dân tỉnh lẻ với người đô hội ưa thói ngang tàng ăn hiếp. Ngay chiều hôm sau, bà đứng dưới đường chờ xe trả học sinh. Phải chờ khi này mới nhìn thấy được “thủ phạm”, vì cháu của bà lên xe đầu tiên thì cũng sẽ là người xuống xe đầu tiên.

Cô bảo mẫu sững sờ. Thủ phạm bị chỉ mặt ngay: một cậu bé nhỏ như thỏi chì, cân nặng áng chừng bằng nửa cháu của bà, vẻ mặt lấc cấc. Bà đe: tái phạm, bà sẽ có cách! Bảo mẫu rối rít xin lỗi. Những hôm sau, hai đứa trẻ bị ngồi tách riêng. Nhưng chúng có học chung lớp không? Cháu bà bảo có, ngồi chung bàn, hai đứa một cặp. Thôi rồi, làm sao tránh được gây hấn? “Ngoại yên tâm, tụi con hòa rồi!”

Nó là đứa bé có thiên lương đặc biệt, bà hằng tin như vậy. Còn nhớ những lần qua phà Cần Thơ hồi nó bé tí, nó hay hỏi bà, sao người ta không gánh bắp luộc bán mà đội trên đầu, nặng vậy, cái đầu sao chịu nổi? Bà giải thích, bán rong, vừa bán vừa bị đuổi, gánh cồng kềnh làm sao chạy được? Nó chau mày, sao người ta cực khổ mà còn bị đuổi? Nhiều lần nó xin tiền lẻ của ba mẹ hay của bà để bước hẳn xuống phà bỏ tiền vào nón của những người ăn xin. Khi đã biết đánh vi tính những bài báo cũ của bà thời chỉ có máy chữ, nó xếp tiền bà thưởng vô một cái lon ở góc bàn và dùng chính tiền đó để cho người ăn xin.

Nhân chi sơ tính bản thiện. Có những con người sinh ra đã thấy không nhiều bản thiện. Do hoàn cảnh và do di truyền khắc nghiệt. Dẫu vậy nếu cái cây con ấy được cắm trên một mảnh đất hiền, nó sẽ lớn lên không dữ. Số đông vẫn nhiều bản thiện trong máu, trong gene và nếu được chăm bón mỗi ngày, đứa bé ấy sẽ dày dặn thiên lương, không dễ gì mất sạch được. Thiên lương là gì, là lòng nhân, là sự hướng thiện trong một con người mà khi người đó trưởng thành, ta gọi là trắc ẩn, là lương tâm và cao quý hơn, vẻ vang hơn, đó là lương tri cần có trong mỗi con người.

Không lần nào tay cháu bị cào cắn nữa. Chúng nó, đám trẻ trên chiếc xe mỗi ngày ấy ngồi nằm ra sao, bà không cần phải lo. Đứa bé quen dần với giường riêng, phòng tối và những chuyến thăm chớp nhoáng của ba mẹ từ nơi có chiếc cầu sắp hình thành thay cho những chuyến phà. Nó ít khi khóc lén, trừ lúc bị bà mắng sao thức khuya quá, trẻ con thiếu ngủ sẽ bị lùn đi, hiểu không? Bài tập về nhà nhiều quá, nó lại là ngôi sao, nhất lớp, nó không muốn tụt hạng. Trường quốc tế còn có nhiều đĩa các trào lưu âm nhạc Âu - Mỹ - Ấn để học sinh nhận diện và cất vào kho tri thức của mình. Cháu của bà đeo tai nghe mỗi khi làm bài, thật tuyệt!

Tổng kết cuối năm hoành tráng, trong đội hình được xướng tên và lên sân khấu lãnh thưởng, cạnh cháu trai của bà là cậu nhỏ từng cào cắn nó. Chúng nó đã dắt nhau lên bục, nhất và nhì lớp, một tình bạn diệu kỳ. Bà ứa nước mắt, đứa trai kia đã dễ thương ra, nhỏ, đen, xấu, nhưng không còn lấc cấc nữa.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm