| Hotline: 0983.970.780

Thiên tai làm thiệt hại kinh tế khoảng 1-1,5% GDP mỗi năm

Thứ Tư 13/10/2021 , 10:42 (GMT+7)

Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu

Thiên tai làm thiệt hại khoảng 1-1,5% GDP mỗi năm

Ngày 13/10/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng các tổ chức Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai.

Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhận định, với chủ đề “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức”, sự kiện khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên hiệp quốc và ASEAN, các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Thông qua sự kiện này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức và các đối tác phát triển đã luôn sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, đặc biệt là những hỗ trợ quý báu, kịp thời, hiệu quả trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10/2020”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức và các đối tác phát triển đã cùng Việt Nam phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gửi lời cảm ơn tới cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức và các đối tác phát triển đã cùng Việt Nam phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch Covid-19 cùng xảy ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân.

Trong đó, tập trung nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai từ cấp Trung ương đến cơ sở; từng bước hiện đại hoá lực lượng phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung, chương trình phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, các địa phương; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, củng cố các công trình, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội trong giảm nhẹ, khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau thiên tai...

9 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương; 238 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.286 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ảnh minh họa: ITN.

9 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương; 238 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.286 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ảnh minh họa: ITN.

Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện những nội dung trên, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức, bạn bè quốc tế tiếp tục đồng hành, đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo và người dân Việt Nam sớm tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hỗ trợ nguồn lực để kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai.

“Ngoài ra, chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời đảm bảo mọi sự hỗ trợ sẽ đều công khai, minh bạch, đúng địa điểm và đối tượng”, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chia sẻ.

Ra mắt Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương

Trong đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 10/2020, chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung đã lên đến hơn 25 triệu USD.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ghi nhận sự những hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đáng quý đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao tặng Bằng khen Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Catholic Relief Services (CRS), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và Huân chương Lao động hạng Nhất cho cá nhân ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Nhân dịp này, Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (được thành lập theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP) chính thức ra mắt với những đóng góp, ủng hộ đầu tiên của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (giữa) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức quốc tế đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (giữa) trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức quốc tế đã có thành tích xuất sắc trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hoạt động trên nguyên tắc “Không vì lợi nhuận, đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch”, Quỹ đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kịp thời hỗ trợ những người dân ở vùng thiên tai đang đứng trước hiểm nguy, khắc phục vấn đề thiếu minh bạch của những hoạt động thiện nguyện tự phát thời gian vừa qua.

Nguồn ngân sách huy động sẽ tập trung cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp, cứu trợ, khắc phục hậu quả sau thiên tai, ưu tiên vùng khó khăn và thường xuyên chịu thiệt hại lớn do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.