| Hotline: 0983.970.780

Thiên tai mỗi năm 'cướp đi' của Việt Nam gần 20 tỷ USD

Thứ Tư 28/10/2020 , 10:38 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hoàn thiện báo cáo giải pháp chống thiên tai cho vùng duyên hải Việt Nam giữa lúc xảy ra hàng loạt các trận bão lớn ở miền Trung.

Tác động lớn, rủi ro cao

Đây là nỗ lực hợp tác nghiên cứu thiên tai giữa chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thiên tai nhằm đưa ra các tính toán chi tiết về mức độ rủi ro mà người dân, các đô thị ven biển, ngành kinh tế then chốt, hệ thống cơ sở hạ tầng và khu vực dịch vụ công ở khu vực ven biển đang phải đối mặt.

Người dân các tỉnh, thành miền Trung của Việt Nam bàng hoàng trước quy mô và sức tàn phá của các trận bão lũ năm nay. Ảnh: AFP

Người dân các tỉnh, thành miền Trung của Việt Nam bàng hoàng trước quy mô và sức tàn phá của các trận bão lũ năm nay. Ảnh: AFP

Cụ thể, báo cáo cho biết có khoảng 11,8 triệu người dân khu vực ven biển đang gặp rủi ro cao do bão lũ và hơn 35% khu vực dân cư trong khu vực thuộc diện có nguy cơ sạt lở.

Ước tính mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp trong khu vực phải hứng chịu thiệt hại khoảng 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển.

Ngoài ra, 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập úng, làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu như giao thông vận tải và năng lượng do bão lũ gây ra.

Tính trên bình diện cả nước, thiên tai gây thiệt hại tài sản trung bình hàng năm theo sức mua tương đương lên đến 8,1 tỷ USD và thiệt hại đối với đời sống người dân ước tính vào khoảng 11 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, với kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm vào năm 2050 và 70cm vào năm 2100 thì mức độ rủi ro do bão lũ của khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng lên 7%, ảnh hưởng đến thêm 4,5 triệu người ở khu vực ven biển.

Nghiên cứu cảnh cáo nếu không có hành động kịp thời, áp lực từ các hoạt động của con người lên hệ sinh thái, ví dụ như khai thác nước ngầm hay khai thác cát, sẽ làm nghiêm trọng thêm các loại hình rủi ro thiên tai. Đặc biệt khi khu vực ven biển hiện là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Việt Nam, và các tỉnh thành ven biển đang được coi là động lực chính cho sự phát triển kinh tế.

Đe dọa tăng trưởng bền vững

Hãng tin BBC dẫn báo cho hay, bão lũ, nước biển dâng, hạn hán, sạt lở bờ biển và xâm nhập mặn đang đe dọa sự phát triển của Việt Nam. Hiện gần một phần ba đường bờ biển ở khu vực là các khu đô thị hoặc khu dân cư, với khoảng 46,6 triệu dân, đóng góp 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn quốc tính đến thời điểm năm 2016.

Đã có hàng trăm người thiệt mạng và mất tích trong các đợt bão lũ trong tháng 10/2020 ở miền Trung Việt Nam. Ảnh: DW

Đã có hàng trăm người thiệt mạng và mất tích trong các đợt bão lũ trong tháng 10/2020 ở miền Trung Việt Nam. Ảnh: DW

Theo WB, các thành phố thứ cấp ở khu vực ven biển Vệt Nam đang có tốc độ đô thị hóa cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Khảo sát tại Tân An (Thừa Thiên - Huế) và Khe Tân (Quảng Ngãi)- hai khu đô thị được hình thành từ các cồn cát cho thấy nguy cơ rất dễ bị sạt lở. Tại một số nơi, biển đã xâm thực tới 300 mét, khiến hàng trăm hộ dân phải di dời, ảnh hưởng đến sinh kế.

Các phân tích trong báo cáo cho thấy chỉ 19% khu dân cư ven biển là đang ở trong khu vực ổn định, hơn một phần ba đã bị ảnh hưởng do sạt lở ven biển và gần một nửa bị bồi tụ. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, 38% khu vực dân cư ven biển đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.

Các nghiên cứu cho thấy, sạt lở chủ yếu là do các hoạt động của con người như khai thác quá mức, cơ sở hạ tầng quy hoạch kém, và xây dựng trên các vùng sinh thái nhạy cảm.

Bằng việc phân tích hình ảnh vệ tinh sử dụng đất có độ phân giải cao, các chuyên gia WB đánh giá, 10% sản lượng cây trồng quốc gia, chiếm 4% GDP nông nghiệp, và 1,5 triệu việc làm đang phải hứng chịu các tác động do bão lũ ven biển.

Khoảng 62% ao đìa nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đồng bằng ven biển của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng, gây thiệt hại 1,1 triệu tấn sản lượng nuôi trồng, tương đương 935 triệu USD xuất khẩu (chiếm 4% GDP nông nghiệp) và 1,5 triệu việc làm. Trong đó, 80% rủi ro này tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Về công nghiệp, phân tích cho thấy, khoảng một nửa trong số 127 khu công nghiệp ở các tỉnh ven biển phải đối mặt với rủi ro do lũ lụt. Đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, các rủi ro do lũ lụt, hạn hán, sạt lở và xâm nhập mặn sẽ còn trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sinh kế của khoảng 4,5 triệu người ở các tỉnh ven biển.

Ngoài ra, nguy cơ nước biển dâng và hạn hán cũng có thể làm nghiêm trọng thêm mức độ xâm nhập mặn gây khủng hoảng nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng như các ngành công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đồng thời đẩy chi phí thích ứng lên cao do phải đầu tư máy bơm và các thiết bị khác để duy trì lượng nước và độ mặn thích hợp trong các ao hồ...

Theo WB, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đã khiến nền đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún 1 - 3cm mỗi năm, thậm chí có thể lên tới 90cm vào năm 2035 ở một số nơi. Do đó những tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai có thể khiến 1,2 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo vào năm 2030.

Khuyến nghị của WB

Các chuyên gia WB đề xuất, chính phủ Việt Nam cần phải cập nhật và duy trì thường xuyên các dữ liệu về thiên tai và có công cụ phân tích đầy đủ để cung cấp cho tất cả các bên liên quan sẽ giúp theo dõi, đánh giá mức độ rủi ro của người dân trước thiên tai; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý đê điều tập trung giúp đánh giá mức độ an toàn cũng như nguy cơ rủi ro; hệ sinh thái ven biển được bản đồ hoá và giám sát một cách hệ thống, hướng đến phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn, rạn san hô, cồn cát, bãi biển…

Mặc dù, hệ thống đê điều của Việt Nam đang bảo vệ cư dân và tài sản khu vực ven biển, nhưng dọc theo bờ biển có rất nhiều điểm nóng đang đứng trước nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai. Do vậy cần tập trung nâng cấp hệ thống đê của các khu vực có rủi ro cao, bao gồm duy tu bảo dưỡng có hệ thống, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai, quy mô dân số.

Cần đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ứng phó với rủi ro thiên tai, đảm bảo có đủ năng lực dự phòng để hỗ trợ người sử dụng như đội ngũ cán bộ y tế có thể tiếp tục làm việc ngay cả khi cơ sở hạ tầng bị gián đoạn do thiên tai.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Nếu vẫn tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc".

Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục để có phương án ứng phó kịp thời, tiếp tục hoạt động và góp phần phục hồi nhanh khi thiên tai làm gián đoạn cơ sở hạ tầng.

Việt Nam cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn kỹ thuật cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, cần rà soát và cập nhật các tiêu chuẩn an toàn và quy chuẩn xây dựng áp dụng cho các công trình thiết yếu, tòa nhà, hệ thống đê điều để đảm bảo tính nhất quá giữa các ngành, có tính đến các yếu tố như kinh tế - xã hội, dân số, biến đổi khí hậu; đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

Hướng dẫn kỹ thuật cần bao gồm quy trình thiết kế và lập kế hoạch, các tiêu chuẩn an toàn có cân nhắc mức độ thiên tai, dân số, giá trị công trình đang gặp rủi ro; đồng thời, xem xét các hạn chế khi triển khai như kinh phí được phân bổ, vật liệu và năng lực bảo trì. Trong đó cần đặc biệt tận dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thường đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ sinh kế ven biển.

Nếu quản lý bền vững, chúng có thể đem lại giá trị kinh tế hữu hình, hỗ trợ du lịch hoặc ngành đánh bắt cá. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng nhân tạo trong những thập kỷ qua đã khiến hệ sinh thái bị suy kiệt. Do đó Việt Nam cần có một hệ thống khí tượng thủy văn đủ năng lực để cảnh báo sớm các thông tin có giá trị thực tiễn cho các đối tượng người dùng khác nhau.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm