| Hotline: 0983.970.780

Bão lụt miền Trung và những ký ức không thể nào quên

Thứ Tư 21/10/2020 , 08:22 (GMT+7)

Thiên tai liên tục giáng xuống dải đất miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đều bị bão lụt tàn phá nặng nề

Thiên tai đang nhấn chìm miền Trung trong biển nước.

Thiên tai đang nhấn chìm miền Trung trong biển nước.

Miền Trung từ bao đời nay đã quá quen với bão lụt. Những cơn mưa trắng trời, những trận gió xoáy lốc đã làm nên vóc dáng người miền Trung, cốt cách người miền Trung, bản lĩnh người miền Trung. Thế nhưng, mỗi năm khi tin tức bão lụt Miền Trung tràn về, thì những đứa con ly hương không thể không thoáng rùng mình vì thiên tai phập phồng phía quê nhà.

Tôi cũng vậy, tôi mang cái lặng lẽ của đồi cát miền Trung lẫn cái mặn chát của muối trắng miền Trung vào sinh sống ở phương Nam nhiều năm rồi, vẫn cứ thấy nhoi nhói trong tim mỗi lần nghe tin tức bão lụt miền Trung. Thật lòng tôi không muốn nhắc lại nỗi thiệt thòi xót xa của người miền Trung gánh chịu giông tố nữa, nhưng có điều gì khắc khoải thương nhớ dâng lên cồn cào ký ức tôi như những đợt sóng ầm ì vỗ vào bờ cát. Ôi, bão lụt miền Trung!

Hết cơn bão này lại đến đợt lụt khác, và những trận áp thấp nhiệt đới đã làm thức dậy trong tôi những ký ức nôn nao. Những hình ảnh bão lụt khốc liệt của một miền Trung gần gũi và can trườn, cứ lần lượt hiện ra như ba đoạn phim quay chậm, thật buồn và thật đẹp.  

Xóm làng chìm sâu trong lũ lụt.

Xóm làng chìm sâu trong lũ lụt.

1.

Tôi từng có một tuổi thơ nhiều biến cố trôi qua ở một xóm nghèo nằm bên cửa biển. Mỗi khi tôi đi đâu xa trở về, thì cái xóm nhỏ thân thuộc được đánh dấu bằng cái quán nhỏ của cô Ba. Tôi không biết cô Ba tên thật là gì và gốc gác ở đâu, chỉ gọi theo cách của mẹ tôi dạy bảo.

Câu chuyện của cô Ba mà tôi được nghe nhiều người rỉ tai nhau, rằng ngày xưa cô Ba vốn cùng chồng con làm nghề đánh cá. Họ lấy thuyền làm nhà, lấy biển làm bạn. Rồi một hôm bão ập đến, phương tiện thông tin thiếu thốn thời ấy cũng không có cách gì cứu giúp được họ. Chiếc thuyền đánh cá chấp chới giữa trùng khơi và bị sóng lớn nhấn chìm. Cô Ba may mắn thoát chết khi trôi dạt vào xóm tôi, còn chồng con của cô Ba mãi mãi nằm lại trong sự giận dữ của đại dương.

Nỗi đau của cô Ba được xoa dịu dần bởi vòng tay đùm bọc của láng giềng. Tuy nhiên, có một điều cứ ám ảnh tôi, đó là những ngày mùa đông nổi lên những cơn bão đầu tiên thì cô Ba bỏ cái quán nhỏ và chạy ra ngồi một mình trên bãi biển. Khoảnh khắc ấy, đôi mắt của cô Ba thăm thẳm lắm. Cô Ba không khóc nhưng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi nhìn đôi mắt cô Ba thấy xốn xang nỗi mất mát vẫn in nguyên.

Lũ trẻ chúng tôi ngày thường hay đùa nghịch lấy thứ này thứ kia ở quán cô Ba, vậy mà mỗi lúc cô Ba ngồi im lìm trước biển thì chẳng đứa nào bảo đứa nào cũng đều ngoan ngoãn trông quán dùm cô Ba. Chỉ đến khi chập tối, mẹ tôi và những người đàn bà trong xóm ra tận bãi biển khuyên nhủ, cô Ba mới chịu quay về.

Lâu dần, tôi cũng nhận biết được sự chuyển biến tâm lý của cô Ba. Hễ chiều nào cô Ba ra ngồi trên bãi biển, thì đêm khuya lại nghe tiếng khóc vọng âm u từ cái quán nhỏ. Và sự trắc ẩn của mẹ tôi không nén được, dâng thành tiếng thở dài: “Tội nghiệp!”. 

Nước mưa hòa nước mắt sau mỗi cơn bão lũ.

Nước mưa hòa nước mắt sau mỗi cơn bão lũ.

2.

Miền Trung những ngày bão lụt, giúp tôi hiểu sự bé bỏng của con người trước sự thịnh nộ của thiên nhiên. Ngày thường giữa hàng xóm có thể có mâu thuẫn, nhưng khi đối mặt với bão lụt thì mọi người bỗng dưng học được cách dựa lưng vào nhau để vượt qua nguy khốn. Bao giờ bão tan thì lụt đến.

Nước lũ tràn về nhanh lắm, có khi vừa quay lưng che chắn đã thấy nước mấp mé bậc thềm, có khi vừa lúi húi dọn dẹp đã thấy nước xồng xộc vào nhà. Có năm lũ mạnh đã gây lụt nặng, gia đình tôi run rẩy ngồi trên cái giường kê cao nhìn nước chảy ngược xuôi ào ạt bốn phía. Thật may, ngay giây phút hoảng hốt nhất, tôi nghe giọng nói quen thuộc của cô Ba: “Bọn trẻ có sao không? Nhà còn gì ăn không?”.

Cô Ba đang bơi đến gần bằng một chiếc thúng, hai tay cô Ba khua nước như hai mái chèo. Nghề đi biển ngày xưa trang bị cho cô khả năng bình tĩnh hơn chúng tôi. Ngay cả ngọn đèn bão mà cô Ba để trên cái thúng, cũng là kỷ vật thời cô Ba cùng chồng con lênh đênh chài lưới.

Cô Ba nhoài người vào cửa sổ: “Có khó khăn cần giúp, thì ới tui một tiếng nghen!”. Mẹ tôi cảm ơn sự quan tâm của cô Ba trong niềm áy náy: “Cô ấy một thân một mình, lẽ ra chúng ta phải lo cho cô ấy, không ngờ cô ấy lại lo cho chúng ta!”. Cô Ba lại bơi đi, đôi vai và ngọn đèn bão nhấp nhô giữa dòng nước đen ngòm.

Cô Ba lại bơi đến cửa nhà khác, lại hỏi: “Bọn trẻ có sao không? Nhà còn gì ăn không?” và khi hai cánh tay cô khua nhẹ như hai mái chèo, lại nhắn gửi: “Có khó khăn cần giúp thì ới tui một tiếng nghen!”. Không thể nói khác hơn, chính chiếc thúng và giọng nói của cô Ba di chuyển liên tục trong xóm, đã khiến cái đêm lũ lụt vẫn còn chút bình yên cho những giấc ngủ bộn bề!  

Tình người trở thành lá chắn trước thiên tai.

Tình người trở thành lá chắn trước thiên tai.

3.

Bão lụt rút đi, bùn đất và đau thương ở lại ngổn ngang. Sau những ngày đêm kinh hoàng, mọi người được gặp nhau trong mỗi niềm riêng mừng mừng tủi tủi. Người lớn không ai biết nói với ai điều gì, ngoài những cái vỗ vai động viên với ngụ ý “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Bọn trẻ chúng tôi lại cắp xách đến trường.

Tôi vẫn nhớ rất rõ buổi học đầu tiên sau trận bão lụt khủng khiếp năm tôi học lớp 5. Vừa bước chân vào lớp, cô giáo đã phát hiện ngay một bạn nữ không mặc đồng phục. Cô giáo hỏi: “Sao em lại ăn bận không đúng kỷ luật như vậy?”. Bạn nữ mím môi và cúi đầu nín thinh. Cô giáo hỏi lại đến lần thứ ba, thì bạn nữ lí nhí đáp: “Thưa cô, nhà em bị bão lụt cuốn hết mọi đồ đạc rồi. Em chỉ còn bộ quần áo này thôi!”.

Cô giáo thoáng sững sờ, rồi xô đến ôm chầm đứa học trò đáng thương của mình, và òa lên khóc. Cả lớp không ai cầm được nước mắt.

Đối với tôi, mãi đến tận hôm nay, đó vẫn là bài học sâu sắc nhất về lòng nhân ái giữa con người với con người khi thiên nhiên thịnh nộ!

Xem thêm
Chuyện ly hôn: Hành trình vượt qua đau thương

Ly hôn - hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao đau thương và mất mát.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?