| Hotline: 0983.970.780

Thiếu cán bộ thú y, nghỉ hưu vẫn phải đi tiêm phòng dại

Chủ Nhật 07/04/2024 , 16:31 (GMT+7)

QUẢNG NINH Thành phố Hạ Long có 33 xã, phường nhưng chỉ có 28 thú y viên, việc tuyển dụng cán bộ thú y hiện rất khó khăn do phụ cấp thấp.

Lực lượng thú y thành phố Hạ Long tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn. Ảnh: Cường Vũ

Lực lượng thú y thành phố Hạ Long tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn. Ảnh: Cường Vũ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, đến nay toàn tỉnh đã tiêm vacxin phòng dại cho trên 95.000 con chó, mèo, chiếm trên 81% tổng đàn, đảm bảo tỷ lệ bao phủ theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Một số địa phương có tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại chó, mèo đạt mức cao là thị xã Quảng Yên (95%), huyện Tiên Yên (95%), thành phố Cẩm Phả (91%), thành phố Móng Cái (90%), huyện Đầm Hà và thành phố Hạ Long đều trên 90%.

Toàn tỉnh cũng đã thành lập 145 tổ công tác xử lý chó, mèo thả rông chưa tiêm phòng. Để đảm bảo phòng chống dịch dại, Quảng Ninh phấn đấu đến ngày 10/4 đạt trên 90% số chó, mèo được tiêm phòng vacxin. Đối với các địa phương thời gian qua xuất hiện dịch dại như huyện Đầm Hà, thành phố Hạ Long đã tiêm đạt trên 90%.

Được biết, do cán bộ cơ sở thú y còn thiếu nên các địa phương phải điều phối nhân lực để hỗ trợ những địa bàn tiêm phòng cho chó, mèo. Theo thống kê, toàn tỉnh mới có 169/177 đơn vị cấp xã có cán bộ thú y, do đó lực lượng này phải căng mình để hoàn thành khối lượng công việc. Điển hình như thành phố Hạ Long có 33 xã, phường nhưng chỉ có 28 thú y viên. Tuy vậy, việc tuyển dụng cán bộ thú y rất khó khăn.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Đình Anh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố Hạ Long cho biết: "Lực lượng thú y hiện nay tại các phường xã rất khó tuyển dụng do phụ cấp thấp, chỉ bằng 1,0 mức lương cơ sở. Một số khác lại hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh khác tại xã, phường, tùy thuộc vào tình hình ngân sách địa phương có thể được chi trả thêm từ 35 - 50% mức phụ cấp của công việc chính.

Thú y viên ít nhất phải có trình độ trung cấp trở lên, chính quyền địa phương cũng đã bàn đến giải pháp tạo nguồn bằng việc mở lớp đào tạo tại chỗ nhưng không có người tham gia. Với mức giá công tiêm cho chó, mèo hiện nay là 5.900 đồng/con không đảm bảo ngày công lao động, rất khó thu hút để người trẻ theo nghề thú y".

Ông Đào Bá Liệu, 64 tuổi, thú y viên phường Việt Hưng cùng người dân tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó. Ảnh: Cường Vũ

Ông Đào Bá Liệu, 64 tuổi, thú y viên phường Việt Hưng cùng người dân tiêm vacxin phòng dại cho đàn chó. Ảnh: Cường Vũ

Chính vì vậy, những thú y viên ở thành phố Hạ Long hiện nay đa số trên 55 tuổi, có trường hợp 70 tuổi vẫn làm việc. Những địa bàn chưa có thú y viên, thú y viên ốm, Trung tâm tăng cường bổ sung nhân lực. Mặc dù tuổi cao nhưng lực lượng thú y viên tại các xã phường rất nhiệt tình, gọi là lên đường không quản nắng mưa, ngày đêm, sớm tối.

Như ông Đào Bá Liệu, 64 tuổi, thú y viên phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng hơn 2 năm nay vẫn miệt mài với công tác thú y trên địa bàn.

Ngày 9/3, tại xã Tân Dân xuất hiện ổ dịch chó dại, thành phố Hạ Long đã triển khai ra quân đồng loạt tiêm phòng dại, ông Liệu lại bận rộn đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động và tiêm phòng cho chó, mèo.

Ông Liệu chia sẻ: "Từ khi thực hiện chiến dịch đến nay, chỉ có 7 ngày nắng, còn lại là mưa lâm thâm, rất khó khăn trong việc đi lại triển khai tiêm phòng. Những ngày đầu triển khai chiến dịch, người dân gọi điện thúc giục, việc nhà nào cũng quan trọng, chúng tôi đều cố gắng tiêm nhanh nhất có thể. Có ngày làm từ sáng thông trưa, tới tối mịt mới về nhà".

Tính đến hết ngày 31/3, lực lượng thú y đã hoàn thành tiêm phòng dại cho chó mèo trên địa bàn thành phố Hạ Long là hơn 12.000 con, phát 4.000 tờ rơi, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở góp phần bảo vệ cuộc sống bình an cho mọi nhà.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.