| Hotline: 0983.970.780

Vắng cán bộ thú y cơ sở, người chăn nuôi lo lắng

Thứ Sáu 17/11/2023 , 10:58 (GMT+7)

Do vắng cán bộ thú y cơ sở nên nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình tăng cường hỗ trợ huyện Quảng Trạch trong phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu. bò. Ảnh: Tâm Phùng.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình tăng cường hỗ trợ huyện Quảng Trạch trong phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu. bò. Ảnh: Tâm Phùng.

Từ huyện đến xã thiếu vắng …cán bộ thú y

Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho hay, thực hiện chủ trương về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, huyện Quảng Trạch đã tiến hành tinh giảm biên chế đối với cán bộ thú y cấp xã.

Sau mấy năm không còn duy trì hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch phát triển và tăng trưởng ổn định. Công tác thú y đã hỗ trợ hiệu quả cho việc ổn định đàn vật nuôi, đẩy lùi được dịch bệnh giúp người chăn nuôi an tâm hơn khi phát triển đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi không có lực lượng thú y cấp huyện, xã… đã tác động không nhỏ đến công tác tiêm phòng vacxin và bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hải (xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch), là hộ chăn nuôi bò và lợn trên địa bàn. Ông Hải cho biết, trước đây mỗi khi địa bàn có dịch bệnh xảy ra, các cán bộ làm công tác thú y đều có mặt rất sớm tại các hộ gia đình có gia súc, gia cầm chết để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho số vật nuôi còn lại.

“Nhưng sau khi cán bộ thú y cấp cơ sở không còn trong biên chế nhà nước, việc phòng, chống dịch tại các hộ gia đình khó khăn hơn nhiều. Gia đình tôi khi thấy lợn bỏ ăn cũng không biết kiếm ai để báo và nhờ đến kiểm tra. Vậy là bà con phải tự chạy chữa cho vật nuôi thôi. Có khi lợn trúng phải bệnh lây lan cao, cũng không biết làm thế nào để xử lý. Đến khi cán bộ thú y trên tỉnh về lợn chết đã lan ra cả làng”, ông Hải nói trong thở dài.

Chúng tôi về xã Quảng Hợp, địa phương có đàn vật nuôi khá lớn trong huyện Quảng Trạch. Đây là vùng bán sơn địa nên có tiềm năng về phát triển chăn nuôi trâu, bò. Theo ông Phan Hải Lưu, Chủ tịch UBND xã, hiện tổng đàn gia súc của địa phương gần 1.700 con. Lãnh đạo địa phương đã chủ trương  phát triển kinh tế phải đưa chăn nuôi lên ngành mũi nhọn để tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Thiếu vắng cán bộ thú y cơ sở là nỗi lo của người chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Thiếu vắng cán bộ thú y cơ sở là nỗi lo của người chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Với chủ trương này, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng và phát triển đàn vật nuôi. Gia đình ông Nguyễn Văn Nghị (xã Quảng Hợp) cho biết, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào chăn nuôi lợn và trâu, bò. Hàng năm, từ chăn nuôi cũng cho gia đình có nguồn thu trên trăm triệu đồng. Gần đây, trên địa bàn xảy ra dịch bệnh đàn trâu, bò và lợn đã khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ khó khăn, gia đình ông không còn mạnh dạn mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế.

“Chăn nuôi đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Tuy nhiên, với việc ở xã không còn cán bộ thú y nên tôi chỉ biết phòng tránh theo kinh nghiệm bằng cách rắc vôi bột, phun khử trùng chuồng trại, nhưng không biết hiệu quả đến đâu nên rất lo lắng. Vì đầu tư vào chăn nuôi mà bị dịch bệnh làm chết, hoặc buộc tiêu huỷ cả đàn lợn, đàn trâu bò coi như kiệt quệ kinh tế luôn”, ông Nghị chia sẻ nỗi lo.

Huyện Quảng Trạch có 17 xã cơ bản làm nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương đều chú trọng việc phát triển chăn nuôi để phát triển mạnh kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được đưa lên trước. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ thú y cơ sở thiếu vắng như hiện nay làm cho nhiệm vụ này như bị hụt hơi giữa chừng.

Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Trạch, sau khi thực hiện việc tinh giảm biên chế, toàn huyện chỉ còn xã Quảng Lưu còn biên chế bán chuyên trách một  cán bộ thú y, 3 xã là Quảng Thanh, Quảng Châu và Quảng Tùng có 3 hợp đồng thời vụ với cán bộ thú y địa phương. Trong khi đó, tại Trung tâm DVNN huyện cũng chỉ có 2 cán bộ làm công tác thú y.

“Cứ đến thời điểm tiêm phòng hoặc các xã có phát sinh dịch bệnh Trung tâm rất vất vả trong việc cử cán bộ thú y hỗ trợ các xã tiêm vacxin và phòn,  chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Mặt khác, khi nhận được thông tin tại cơ sở có dịch bệnh cũng rất muộn và số lượng vật nuôi mắc bệnh khá nhiều nên việc bao vây, dập dịch lại càng khó khăn hơn”, ông Thành nói thêm.

Cán bộ thú y cơ sở luôn đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tâm Phùng.

Cán bộ thú y cơ sở luôn đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tâm Phùng.

Giải pháp nào cho công tác thú y?

Từ thực tế trên cho thấy, hệ thống thú y viên cấp xã là lực lượng quan trọng trong phát triển chăn nuôi, là lực lượng đi đầu trong giám sát, tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh ở các địa phương. Việc thiếu cán bộ thú y cấp xã đã ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch và phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện Quảng Trạch diễn biến khá phức tạp. Trong năm 2023, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 2 xã Quảng Hưng và Quảng Đông làm gần 250 con lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra ở 6 xã, làm 60 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó 11 con bị chết buộc tiêu hủy.

Nói về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại huyện Quảng Trạch, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, đây là địa bàn nhạy cảm vì sát với tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, việc khống chế, dập dịch cũng gặp nhiều khó khăn.

“Do thiếu vắng cán bộ thú y cơ sở nên việc cập nhật thông tin dịch bệnh rất chậm trễ. Khi tăng cường cán bộ thú y từ Chi cục về để hỗ trợ cho bà con dịch đã lan rộng nên càng gặp khó hơn trong việc ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi”, ông Tám nói.

Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch, việc khắc phục hệ thống thú y viên cấp xã là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nan giải. Phần lớn cán bộ thú y trước đây đều đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ được đào tạo chuyên môn sâu không có cơ hội tuyển dụng hoặc không mấy mặn mà với công việc ở cơ sở.

Trao đổi với chúng tôi về công tác thú y cơ sở, ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cũng nhìn nhận, việc không có cán bộ làm công tác thú y tại cấp cơ sở đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

“Rất mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đánh giá lại để đưa lực lượng này trở lại biên chế làm công tác phòng chống dịch bệnh ngay tại cơ sở. Có như vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ gia súc, gia cầm mới được kiểm soát”, ông Phan Văn Thanh đề xuất.

Tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân huyện Quảng Trạch mới đây, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng khó khăn về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn dẫn đến khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế cho hộ dân. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị huyện cần có giải pháp để sớm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thú y cơ sở như hiện nay.

"Để tháo gỡ những khó khăn, huyện Quảng Trạch chỉ đạo các phòng ban chức năng rà soát, tìm những giải pháp phù hợp với điều kiện hiện tại để tham mưu cho huyện, củng cố lại hệ thống cán bộ thú y cấp xã, nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm DVNN triển khai nhiệm vụ tiêm vacxin, phòng chống dịch, huyện cũng chỉ đạo các xã vận dụng chính sách để có hợp đồng cán bộ bán chuyên trách thú y để đưa công tác thú y trở lại ổn định”, ông Trần Văn Thanh cho hay.

Xem thêm
Chuỗi chăn nuôi gà '3 chung' Gò Công

TIỀN GIANG Các thành viên của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cùng nhau chăn nuôi gà theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.

Vinh danh 9 đặc sản chè nổi tiếng của 'Thủ đô gió ngàn'

9 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phía Bắc năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên đều là các thương hiệu chè nổi tiếng.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.