| Hotline: 0983.970.780

Thiếu container tiếp tục nghiêm trọng

Thứ Hai 22/02/2021 , 10:40 (GMT+7)

Theo các nguồn tin quốc tế, tình trạng kẹt cảng biển, thiếu container rỗng vẫn đang ở mức nghiêm trọng, khiến cho giá cước dự báo vẫn cao đến hết quý 1.

Tắc nghẽ cảng biển vẩn đang nghiêm trọng tại châu Âu, Bắc Mỹ. Ảnh: TL.

Tắc nghẽ cảng biển vẩn đang nghiêm trọng tại châu Âu, Bắc Mỹ. Ảnh: TL.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ  Công Thương), báo cáo của các hãng vận tải biển cho thấy, cước vận tải hàng hải tại châu Âu vẫn cao cho đến cuối quý I/2021 do nhu cầu chưa có dấu hiệu chậm lại.

Trong khi nhu cầu cao về vận tải hàng hóa từ Trung Quốc hiện đang tạo áp lực về thiết bị tại các cảng ở châu Âu. Cước vận tải biển cũng được dự báo sẽ tăng trong tháng 2/2021. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng khuyến cáo các khách hàng chủ hàng của mình đặt hàng dịch vụ càng sớm càng tốt để đảm bảo hàng hóa của họ được vận chuyển đúng tiến độ.

Nguồn cung dịch vụ cũng khá hạn chế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lại diễn biến phức tạp tại các thị trường lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng tại châu Âu đã báo cáo tình trạng thiếu container lạnh và container khô 40 feet, đặc biệt tại Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng như thiếu các thiết bị kho bãi, cảng bến tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoạt động trên tuyến thương mại châu Á - Bắc Âu trong giai đoạn tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch hàng năm (thường trùng với dịp Tết Nguyên Đán tại châu Á), nhìn chung thường thấp. Tuy nhiên, lượng hàng bị dồn trước đó để phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho dịp lễ hội cuối năm cộng với tình trạng thiếu thiết bị ngày càng căng thẳng đang dẫn đến tắc nghẽn ở một số cảng trung tâm ở châu Âu và Vương quốc Anh.

Các cảng biển của Vương quốc Anh hiện vẫn chưa giải quyết được tình trạng ách tắc. Tỷ lệ trễ chuyến tăng lên do tình trạng cắt giảm công suất tại một số cảng quan trọng tại Bắc Âu. Tháng 1/2021 chưa ghi nhận dấu hiệu giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng ở bờ Tây nước Mỹ, khiến vận chuyển tuyến EU - Bắc Mỹ tiếp tục gặp khó khăn.

Trong một thông cáo báo chí mới đây, Hội đồng Vận tải biển Thế giới (WSC), cho biết, vào ngày 18/1/2021, có đến trên 30 tàu container đang nằm chờ tại vịnh San Pedro (Mỹ) do kẹt cầu bến. Việc đình trệ trong hoạt động tiếp nhận và làm hàng cho các tàu này sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong hoạt động xuất khẩu tại Mỹ cũng như chuyển container rỗng về châu Á.

Tình trạng kẹt cảng kinh khủng đến mức một số hãng tàu đã quyết định tạm thời không ghé các cảng Los Angeles và Long Beach cho một số tuyến dịch vụ, như hãng Hapag-Lloyd đã bỏ cảng Long Beach ra khỏi tuyến dịch vụ kết nối khu vực Địa Trung Hải với Bắc Mỹ.

Với lý do tắc nghẽn cảng, 2 trong số 3 liên minh hãng tàu tuyến đông tây đang tạm ngừng các chuyến đi giữa châu Á và châu Âu.

Cụ thể, các đối tác của Liên minh 2M Maersk và Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải thông báo hủy 4 chuyến tàu tuyến Á - Âu trong dịp Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2/2021. Hapag-Lloyd và THE Alliance sẽ bỏ trống một tàu mỗi chuyến trên ba tuyến nối giữa châu Á - Địa Trung Hải vào cuối tháng 3/2021 và đầu tháng 4/2021 do sự gián đoạn tại một số cảng biển trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Các quyết định phản ánh một động thái tương tự của Hapag-Lloyd và THE Alliance về thương mại xuyên Thái Bình Dương. Hapag-Lloyd cho biết sự chậm trễ và gián đoạn đã trở nên nghiêm trọng đến mức họ sẽ bỏ trống 21 chuyến đi giữa châu Á và Bắc Mỹ vào tháng 2/2021 để khôi phục tính toàn vẹn của lịch trình.

Hapag-Lloyd cho biết họ sẽ bỏ qua các chuyến đi trên các tuyến MD1, MD2 và MD3 của THE Alliance trong khoảng thời gian từ ngày 26/2-1/3/2021 như một phần của chương trình khôi phục lịch trình để đối phó với tình hình tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng và sự chậm trễ của tàu biển trên toàn cầu.

Hapag-Lloyd đã liệt kê các tùy chọn đặt chỗ thay thế cho mỗi chuyến đi còn trống và Maersk cho biết họ sẽ đảm bảo các tuyến thay thế để giảm thiểu tác động đến khách hàng. Maersk cho biết, việc bỏ bớt các điểm không hiệu quả sẽ góp phần khôi phục sự liên tục của lịch trình nhằm ứng phó với tình trạng tắc nghẽn cảng nghiêm trọng và hạn chế về thiết bị trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng do tình trạng ách tắc tại các cảng biển châu Âu, Bắc Mỹ, dữ liệu từ Sea-Intelligence Maritime, cho thấy, tỷ lệ đúng giờ của các hãng vận tải trên các tuyến châu Á - Bắc Âu đã giảm xuống còn 40,6% trong tháng 12/2020 so với 83% trong tháng 12/2019. Thời gian tàu chậm trễ trung bình trong tháng 12/2020 là 6,4 ngày, tăng 3,24 ngày so với tháng 12 năm 2019.

Kho hàng container tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyên Huân.

Kho hàng container tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Nguyên Huân.

Mức độ đúng giờ của các chuyến tàu tuyến châu Á - Địa Trung Hải là 40,5% trong tháng 12/2020, giảm so với mức 81,5% của cùng tháng một năm trước và thời gian trễ tàu là 3,99 ngày, dài hơn so với 3,61 ngày được ghi nhận trong tháng 12/2019.

Cũng theo WSC, tại Việt Nam, tình trạng thiếu chỗ trên tàu và thiếu container rỗng dẫn đến cước xuất khẩu hàng đóng trong container tăng cao, đồng thời, trong giai đoạn hàng xuất khẩu tăng mạnh vào cuối năm đã khiến nhiều tàu bị trễ lịch và phải chờ cầu bến tại một số cảng trong nước.

May mắn là do Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt nên tình trạng kẹt cảng ở Việt Nam chưa diễn ra nghiêm trọng như nhiều nước khác và các chủ hàng Việt Nam chưa bị thu phụ phí kẹt cảng (PCS), trong khi chủ hàng tại nhiều cảng ở Trung Quốc, Anh, Nam Phi, Úc, New Zealand ... đã phải nộp khoản phụ phí này. Bên cạnh đó, các hãng tàu vẫn đều đặn chuyển vỏ container rỗng về Việt Nam để phục vụ đóng hàng xuất khẩu.

Theo thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, sản lượng hàng container xuất khẩu thông qua các cảng miền Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh), cảng TP HCM và cảng Cái Mép - Thị Vải trong tháng 12/2020 tăng tương ứng 19,8%, 21,9% và 5,4% so với cùng kỳ là tin vui và tín hiệu tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hòa đầu năm 2021 tại Việt Nam.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.