Sự thật, chưa cần nói đến những lời tố cáo khác, thì ông Lê Hoàng Anh T. hoàn toàn vô danh trong giới truyền thông.
Cái danh “Tổng Biên tập” của cái tạp chí “Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế” như nhằm trợ lực cho “nhà báo quốc tế” cũng chẳng có giá trị gì.
Ở nhiều nước trên thế giới, ai muốn ra báo hay muốn thành lập đài truyền hình, đều được chấp nhận dễ dàng, miễn là có tiền.
Quan trọng nằm ở vị thế của nhà báo và tờ báo, chứ không phải gắn chữ “quốc tế” thì có đẳng cấp liên quốc gia.
Tranh của LEO |
Ông Lê Hoàng Anh T. tự xưng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” nhằm mục đích gì, ở đây chưa cần bàn đến. Chỉ rõ ràng nhất, đó là biểu hiện của thói háo danh. Khi mở cửa ra thế giới, thì người Việt càng thấu hiểu thêm nhiều sự bon chen và chụp giật.
Không ít tổ chức rất hào phóng phong tặng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” để mưu sinh. Cái thẻ “nhà báo quốc tế” khoảng 400 USD còn cái bằng “tiến sĩ danh dự” thì vài ngàn USD.
Mua nhanh chóng, mua dễ dàng như mua rau muống ở siêu thị! Thế nhưng, dùng “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự” để lòe bịp ở nước ta thì cũng khối người… hãi hùng, vì thiếu thông tin.
Ông Lê Hoàng Anh T. có thời gian làm ăn ở nước ngoài nên rành rọt phương thức sở hữu “nhà báo quốc tế” hoặc “tiến sĩ danh dự”, cũng thật bình thường. Ngay cả những người sống trong nước cũng cực kỳ sốt ruột với các loại chứng nhận vớ vẩn khoác áo “quôc tế”.
Ví dụ, ông Lê Văn T. tự in sách giới thiệu bản thân bằng một loạt danh hiệu “nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc” và oách hơn cả là… “nhà khoa học thế giới”. Lý do gì ông Lê Văn T. ngạo nghễ như vậy?
Ông khoe thành tích “với những tác phẩm bất hủ được lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc”.
Hình dáng “tác phẩm bất hủ” của ông Lê Văn T. thì không ai biết, còn khái niệm “kho tàng di sản văn hóa dân tộc” thì càng mù mờ hơn.
Háo danh như ông Lê Văn T. thì đúng nghĩa “vẽ bùa tự đeo” để huyễn hoặc chính mình.
Sống ở đời, không có danh thì cũng buồn. Tuy nhiên, thèm khát cái danh đến mức điên loạn thì càng đáng buồn hơn.
Những người thực sự có danh thì không cần chú thích cái danh. Ở tầm quốc gia hay tầm quốc tế đều có cách định danh giống nhau.
Chỉ cần nhắc Pele hoặc Maradona thì thiên hạ biết kỳ tài bóng đá. Chỉ cần nhắc Mozart hoặc Beethoven thì thiên hạ biết kỳ tài âm nhạc.
Cho nên, cái thói háo danh chỉ nhằm đánh bóng sự kém cỏi, đồng thời che đậy sự mặc cảm thấp hèn mà thôi.
Thời hội nhập, các loại “nhà báo quốc tế” hoặc “nhà khoa học thế giới” giống hệt mảng miếng sân khấu của một vở tấu hài danh phận trớ trêu.