"Chỉ vì hành động một số ít những người có thói quen xấu về việc ăn và sử dụng động vật hoang dã, dẫn đến gia tăng hoạt động buôn bán, nuôi nhốt và là nguyên nhân dẫn đến các đại dịch như SARS, HIV, cúm H5N1, Covid-19", ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife), cho biết trong kiến nghị gửi báo Nông nghiệp Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hơn 180.000 người nhiễm bệnh, gần 7.200 người tử vong (17/3/2020), hầu hết các trường học phải đóng cửa, đi lại trên thế giới đình trệ, nền kinh tế toàn cầu thiệt hại đến hàng ngàn tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm kể từ lúc bùng phát dịch bệnh.
Lần đầu tiên, toàn bộ các trường học tại Việt Nam tạm thời đóng cửa, nền kinh tế, đời sống xã hội của gần một trăm triệu người dân Việt bị ảnh hưởng nặng nề.
"Chính phủ và nhân dân ra sức nỗ lực, chiến đấu ngăn chặn dịch nhằm kịp thời cứu chữa, hỗ trợ tất cả các bệnh nhân, cũng như những người nghi ngờ nhiễm bệnh trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ý thức rằng một đại dịch tương tự như Covid19 hoàn toàn có thể bùng phát bất kỳ khi nào ngay trên chính nước ta", ông Thái cho biết.
Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho rằng các đại dịch truyền nhiễm bệnh tật liên quan đến con người như virus SARS, HIV, cúm H5N1, hay giờ đây là COVID-19 đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
"Nguyên nhân không phải từ động vật hoang dã, truyền dịch bệnh trực tiếp đến con người mà là do thói quen xấu về ăn và sử dụng động vật hoang dã một cách quá mức".
Việc ăn và sử dụng động vật hoang dã bắt đầu từ việc săn bắt động vật, đem chúng ra khỏi môi trường sống tự nhiên, rồi vận chuyển chúng đến nơi phục vụ nhu cầu của con người như nhà hàng, các chợ, hiệu thuốc, v.v.
Trong quá trình vận chuyển, nuôi nhốt, các động vật này có thể đã bị nhiễm các loại bệnh, virus, sau đó biến thể rồi lây truyền sang con người và trở thành các đại dịch. Những đại dịch này đã và đang trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng động vật hoang dã vẫn đang diễn ra phức tạp và phổ biến ở Việt Nam. Trong khi chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào ban hành lệnh cấm sử dụng động vật hoang dã và có các chế tài xử lý khi vi phạm liên quan.
"Chúng ta không thể chỉ vì phục vụ nhu cầu ích kỷ, thói quen khoe khoang, thể hiện đẳng cấp của một bộ phận ít người mà gây ảnh hưởng đến sinh mạng, kinh tế của cả một dân tộc, một đất nước", ông Thái nói.
Ngày 24/2/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Nghị quyết Nghiêm cấm mọi hoạt động sử dụng, buôn bán, săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, đồng thời quản lý chắc việc khai thác sử dụng cho các mục đích khác.
Nghị quyết này đã được gửi tới 183 quốc gia thành viên của Công ước CITES và cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong việc ngăn chặn các bệnh dịch từ động vật hoang dã.