| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/09/2010 , 09:59 (GMT+7)

09:59 - 23/09/2010

Thông lệ làm ăn

Một báo cáo điều tra DN vừa và nhỏ, thực hiện bởi các chuyên gia Đại học Copenhahen (Đan Mạch) và Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), tiến hành trên hơn 2 nghìn DN chẳng khỏi làm người ta giật mình: Chi phí lót tay của DN cho cơ quan Nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong vòng 3 năm qua.

Vì sao phải lót tay? Vì sao những khoản chi "phi chính thức" ngày càng tăng? Mỗi người có thể có những phương án trả lời khác nhau nhưng tựu chung, trước hết có thể khẳng định là những phiền hà trong hoạt động kinh doanh đang ngày một lớn.  Điều đáng lo ngại, như Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành  nói với báo chí: "Doanh nghiệp Việt Nam coi hối lộ như một thông lệ làm ăn". Có đưa thì có nhận. Rất đáng tiếc, việc làm rõ những "thương vụ" sặc mùi này không hề đơn giản.

Dư luận chắc vẫn chưa thôi ồn ào sau vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên PGĐ Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh bị kết án đã nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật Bản hàng trăm nghìn USD để PCI thắng thầu trong các dự án mà cơ quan của ông này quản lý tại TP. HCM, điển hình là dự án đại lộ Đông - Tây.

Cũng tại TP. HCM, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe đã “ăn” hơn 730 triệu đồng và 10.000 USD, để cho DN lập dự án xây dựng chung cư, phân lô bán nền trên địa bàn huyện.

Mới hơn nhất là việc ba người gốc Việt là Nam Nguyễn, 54 tuổi, chủ tịch của Công ty Nexus Technologies Inc., em trai của ông ta là An Nguyễn và người em khác - Kim Nguyễn - bị buộc tội hối lộ quan chức Việt Nam để đổi lấy các hợp đồng cung cấp thiết bị và công nghệ cho một số công ty Việt Nam. Liệu vụ việc này có được làm minh bạch hay không cũng đang là câu hỏi của dư luận.

 “Chi phí quan hệ trong kinh doanh tại Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất thế giới, và điều đó đã làm chùn chân không ít nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định kinh doanh tại nước ta. Đây là điều cần sửa nhưng lại rất khó sửa”, một chuyên gia kinh tế phân tích. Chi phí cho hối lộ, tham nhũng không chỉ gây tổn thất cho DN mà còn làm méo mó nguồn lực, làm hỏng văn hóa xã hội, văn hóa kinh doanh.

Ai cũng biết cần phải loại bỏ, nhưng loại bỏ bằng cách nào. Điều này lại càng khó hơn, nếu một khi chủ thể của quan hệ này là doanh nghiệp - đã nhìn nhận và coi hối lộ như một thông lệ để làm ăn!

Bình luận mới nhất