| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn nữ doanh nhân ôm nợ 40 tỷ!

Thứ Sáu 29/03/2013 , 09:31 (GMT+7)

Cách đây ít ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Hằng (sinh 1976, Giám đốc Cty TNHH Hải Anh, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) vì đối tượng này ôm nợ tới 40 tỷ đồng - có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cách đây ít ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thị Hằng (sinh 1976, Giám đốc Cty TNHH Hải Anh, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) vì đối tượng này ôm nợ tới 40 tỷ đồng - có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản – gây chấn động trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng.

Hậu quả thiệt hại nặng nề cho các đối tác từng ký hợp đồng kinh tế với Hằng xem ra khó có cơ hội khắc phục!

Hàng loạt bị hại dính đòn

Từ tháng 5/2012, đơn tố cáo của Đại tá Nguyễn Đình Lập, nguyên cán bộ điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, đã gửi đến nhiều cơ quan thẩm quyền và chức năng khẳng định đối tượng Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Cty Hải Anh (kinh doanh giống cây trồng) ở xã Hợp Hải, Lâm Thao, Phú Thọ lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người, cơ quan, đơn vị với số tiền, tài sản lên đến 40 tỷ đồng. Cơ quan điều tra lập tức vào cuộc, xác định Hằng dùng thủ đoạn gì để ký được hợp đồng kinh tế mua hàng trăm tấn lúa, ngô giống của các đối tác rồi chiếm đoạt tiền hàng.

Nỗi bức xúc của Đại tá Lập, cán bộ điều tra nổi tiếng trong chuyên án 853T bắt giữ trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy trong đường dây buôn bán, sản xuất vận chuyển 1 tấn heroin ngày nào, đã không thể kìm nén khi chỉ riêng Cty TNHH Tân Phong (Phù Ninh, Phú Thọ, do chị Đinh Thị Thức, vợ anh Lập, làm Giám đốc) bị Hằng ôm nợ hơn 16 tỷ đồng. Theo tài liệu và chứng cứ anh Lập cung cấp, từ tháng 8-10/2011, Cty Tân Phong ký hợp đồng bán cho Cty Hải Anh của bà Hằng 255 tấn ngô giống với tổng giá tiền 18,2 tỷ đồng. Bà Hằng sau đó mới thanh toán cho Tân Phong 3 tỷ đồng, số còn lại cho đến nay chưa trả. Mặc dù hàng nhận từ Cty Tân Phong đã được Hằng tiêu thụ hết veo nhưng đối tượng này luôn lấy lý do làm ăn kinh tế khó khăn, và tìm cách lánh mặt, né tránh trách nhiệm trả nợ.


Đối tượng Nguyễn Thị Hằng

Trong lúc Cty Tân Phong nén đau vì bị quỵt nợ số tiền quá lớn, cuối tháng 2/2012, bà Hằng còn tiếp tục trưng ra cho Cty Tân Phong hai bản hợp đồng mới (được xác định là giả) bán ngô giống cho một người ở Yên Bái và một người ở Thái Bình, kèm theo hai bản đối chiếu công nợ tạo lòng tin rằng vẫn có khả năng trả nợ. Cty Tân Phong bán tiếp cho Hằng 9,3 tấn ngô giống nữa. Lần này Tân Phong cử đại diện áp tải hàng cùng bà Hằng lên tận Yên Bái giao hàng và thu tiền. Ngày 29/2/2012, xe con chở người của Cty Tân Phong cùng bà Hằng lên Yên Bái chạy trước, xe chở 9,3 tấn ngô chạy sau. Nhưng đến Nghĩa Lộ lượng hàng chỉ còn 5 tấn, số còn lại (4,3 tấn) thì bị... biến mất dọc đường. Hóa ra bà Hằng đã đạo diễn cho xe tải chạy sau dỡ hàng bán cho một đối tượng ở Phú Thọ. Số tiền này (4,3 tấn) phía Tân Phong lại không nhận được.

Từ khoảng cuối năm 2011 đến tháng 3/2012, bà Hằng đã ký hàng loạt hợp đồng mua bán giống lương thực với nhiều công ty, đối tác, cá nhân, cơ quan với tổng số hàng có giá trị lên đến 39,6 tỷ đồng. Hầu hết số tiền hàng này bà Hằng không thanh toán lại cho bên bán hàng, mà cứ... ôm nợ, chiếm đoạt. Một loạt các “chủ nợ” như Viện Nghiên cứu Ngô TW (900 triệu đồng), Cty CP Giống cây trồng TW (6,1 tỷ đồng), Cty Giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Hà Nam (780 triệu đồng), Cty Tư vấn và phát triển ngô (3,1 tỷ đồng), Cty Tân Phong (16 tỷ đồng)... đến nay vẫn không nhận được tiền trả của “con nợ” Nguyễn Thị Hằng.

Thời gian này, anh Hoàng Văn Tích, Giám đốc Cty Hoàng Yến (Việt Trì, Phú Thọ) cũng có đơn tố cáo Hằng với số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt lên tới 9,6 tỷ đồng. Thủ đoạn của Hằng với Cty Hoàng Yến cũng giống như với Cty Tân Phong. Gia đình anh Tích đã phải bán nhà trả nợ cho những người cùng hùn vốn làm ăn, hiện đi ở thuê. Chị Đào Thị Dung, Giám đốc Cty Quế Linh (Yên Bái), cũng có đơn tố cáo Hằng còn nợ 510 triệu đồng. Chị Bùi Thị Thu Hồng, Giám đốc chi nhánh Cty Bảo vệ thực vật Sài Gòn ở Hà Nội, tố cáo Hằng nợ Cty này hơn 7,3 tỷ đồng. Tất cả bị Hằng diễn chung thủ đoạn: ký hợp đồng mua hàng, nhận đủ hàng, rồi... không trả tiền!

Vì sao Viện kiểm sát nhân dân chậm phê chuẩn vụ án!?

CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định Nguyễn Thị Hằng thể hiện năng lực kinh doanh bằng cách khuếch trương quan hệ làm ăn. Hằng đăng ký kinh doanh với vốn ảo (1,9 tỷ đồng) khi đang nợ hàng chục tỷ đồng (thời điểm này Hằng đang nợ Cty Đại Hoàng 10 tỷ đồng, Cty giống Ba Vì 5,5 tỷ đồng, Cty Hoàng Yến 10 tỷ đồng...). Những hợp đồng nhỏ ban đầu khi giao dịch với các cty, Hằng đều thanh toán rất sòng phẳng để tạo lòng tin, từ đó dẫn dụ khách hàng bước vào các hợp đồng lớn hơn, và chây ì trả nợ. Hiện Hằng không còn khả năng tài chính. Khi Cty Tân Phong đòi nợ ráo riết, Hằng chủ động gọi điện đến một số đại lý dặn rằng chính họ đang nợ Hằng tiền để phía Tân Phong an tâm về nguồn chậm trả.

Xác minh giao dịch qua ngân hàng, CQĐT thấy chỉ thể hiện vài tỷ đồng được giao dịch trước thời điểm ký hàng loạt hợp đồng với các đối tác trên. Như vậy Hằng đã có hành vi gian dối ngay từ khi giả khuếch trương lực tiền bạc. Một số hợp đồng mà Hằng trưng ra (đã nêu trong bài viết này), cán bộ điều tra xác định hoàn toàn giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại. Đặc biệt đối với Cty Tân Phong và Cty Hoàng Yến, Nguyễn Thị Hằng thể hiện hành vi gian dối ngay từ đầu để đặt ký hợp đồng khi mà Hằng giai đoạn này đang nợ nần chồng chất.

Nhưng không rõ vì sao, khi CQĐT chuyển hồ sơ vụ việc đến Viện KSND tỉnh Phú Thọ từ hơn nửa năm nay, và nhiều lần có văn bản liên quan gửi đến Viện KSND, song quý Viện không hề trả lời bằng bất kỳ văn bản nào (cho đến ngày phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, bị can, và bắt tạm giam chiều 25/3/2013). Thậm chí CQĐT đã phải hủy các văn bản khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm Nguyễn Thị Hằng vì không được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.

Với kinh nghiệm nghề phá án, Đại tá Lập bày tỏ lo lắng Hằng đã tẩu tán tài sản và gây khó cho CQĐT có điều kiện làm rõ hiện 40 tỷ đồng mà Hằng ôm nợ đã bị phân tán phức tạp. Ông khẳng định trách nhiệm trong hậu quả này thuộc về Viện KSND tỉnh Phú Thọ nếu trong thời gian tới CQĐT không còn cơ hội thu thập chứng cứ chứng minh Hằng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khổng lồ trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Minh Hương, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ, nói cơ quan này cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng vụ án trước khi phê chuẩn để tránh gây oan sai, đặc biệt thận trọng để không “hình sự hóa một quan hệ kinh tế dân sự”. Yếu tố “chiếm đoạt” không dễ làm rõ khi mà Hằng vẫn đang thừa nhận ôm nợ với các đối tác. Ông Hương cũng phủ nhận có một cuộc họp 3 ngành từ tháng 12/2012 thống nhất xử lý Hằng theo hướng đủ chứng cứ cột tội khi một loạt bị hại có đơn đến CQĐT.

Khi con nợ "nhỏ lệ"

Hai cán bộ của hai Cty đối tác bị mất chức, một giám đốc bị lãnh đạo tỉnh xem xét cách chức, hai người bán nhà trả nợ không xong, một người phải đưa cả nhà đi ở thuê, một chủ tịch HĐQT của cty đang ăn nên làm ra bị cổ đông mất lòng tin... Những hậu quả do Hằng gây ra hiện chưa lượng tính hết khi đối tượng này ôm của họ gần 40 tỷ đồng.


Nhà và đất mà gia đình Hằng ở đã bị “cắm” ở ngân hàng

Một cán bộ điều tra bày tỏ hồ nghi có thể Hằng đã liên quan một “cơn bão” hụi họ khá lớn, và đưa một lượng tiền vào bất động sản, khiến giờ trắng tay. Nếu không bắt Hằng tạm giam thì CQĐT e rằng khó có cơ hội làm rõ về số tài sản đã chiếm đoạt này. Đây được coi là vụ chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng.

Tiếp xúc với Nguyễn Thị Hằng tại nhà riêng, chị này tỏ ra lo lắng, khóc lóc trước phóng viên: “Tôi quá hư danh, sỹ diện, thấy ân hận vì đã gây hại cho nhiều người, và xứng đáng vào tù!”. Hằng không thể giải thích tiền hàng đã sử dụng vào việc gì, mà vẫn thừa nhận nợ đến khoảng 40 tỷ đồng. Hiện nhà đất của Hằng và chiếc Camry Hằng thường “diễn” khi đi giao dịch hồi trước đều đã “cắm” sạch ở ngân hàng, tài sản khác không còn gì đáng giá, và chính người chồng cũng đã mất lòng tin vì người vợ lừa hết người thân phía nhà chồng, hiện đã bỏ nhà đi đâu không rõ.

Cũng với chiêu “nhỏ lệ”, Hằng đã được lui gối nợ thời gian quá dài mà thực ra là chây ì trả nợ, cho đến hoàn cảnh... không còn khả năng thanh toán! Hiện được biết còn một số cty, đơn vị đang là chủ nợ của Hằng vẫn chưa có đơn tố cáo Hằng vì hy vọng bà này còn có thể khắc phục hậu quả. Chính Hằng cho nhà báo biết đã có một cty giống cây trồng ở Hà Nội (cũng là chủ nợ hàng trăm triệu đồng) sẽ giao giống cho Hằng để đưa về cho nông dân, từ đấy Hằng kiếm lãi trả nợ cho cty này.

Đại tá Lập khẳng định Hằng biết tin mình sẽ bị bắt chiều 25/3 nên đã chủ động đến Cty Tân Phong... khóc lóc xin được tạm trả nợ... 100 triệu đồng (trong tổng số nợ hơn 16 tỷ đồng đối với Cty Tân Phong) để tạm thoát “nhốt kho”. Nhưng đã quá muộn. Ông Lập nói nếu không xử lý răn đe Hằng, rất có thể bà này sẽ tiếp tục gây nên nhiều bị hại mới vẫn bằng thủ đoạn tương tự.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm