Các em thân mến, nhân ngày khai trường năm học 2023-2024, tôi muốn có ít điều tâm sự với các em.
Tôi năm nay đã 85 tuổi và từ năm 18 tuổi tôi đã gắn bó với ngành giáo dục. Tôi tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, có lẽ đó cũng là một kỷ lục đấy nhỉ. Tôi không được đào tạo ở nước ngoài nhưng đã đi qua 30 nước và nhiều lần đi thực tập ở các Viện Vi sinh vật học thuộc nhiều nước. Tôi tự học ngoại ngữ và có thể sử dụng được tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa. Vì vậy cũng có nhiều kinh nghiệm để trao đổi với các em.
Tôi là một trong những người từ lâu gắn bó với nông nghiệp nước nhà. Luận án tiến sĩ của tôi là về cân bằng nitrogen trong nông nghiệp Việt Nam và trong nhiều năm tôi là Chủ nhiệm chương trình tự nguyện đưa tiến bộ khoa học và hộ nông dân. Tôi cũng gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam qua chuyên mục "Hỏi gì đáp nấy" và với VTV qua chuyên mục KCT.
Điều còn ít người biết, cha tôi - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân xuất thân từ nông thôn. Ngay từ khi đang học phổ thông cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết "Cậu bé nhà quê". Đó là một trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam (in năm 1925 cùng cuốn "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách).
Trong nhiều năm qua, tôi đã có dịp đến nói chuyện với nhiều trường học ở nông thôn. Tôi thường hỏi các em học sinh: Học hành vất vả thể để làm gì? Các em thường trả lời: Để có một nghề, để sau này bớt khổ, để cha mẹ vui lòng, để vào được đại học, để đi xuất khẩu lao động…
Không có gì sai. Tuy nhiên, khi đi thăm một số trường ở nước ngoài tôi cũng thường hỏi các em học sinh câu hỏi đó, nhưng rất ngạc nhiên khi phần lớn các em trả lời: Học để trở thành con người tự do!
Ngẫm nghĩ thấy câu trả lời đó mới là đúng. Không học hành thì làm sao có thể tự do tư tưởng, tự do chọn nghề, tự do kiến tạo nên cuộc đời mình, tự do thức tỉnh theo những điều mình hằng mơ ước.
Một em lưu học sinh ở Mỹ, em Trịnh Thị Huyền Vi cho biết: Sang Mỹ em mới bắt đầu tin rằng, kiến thức thật sự có thể kéo ta đi một con đường dài và vững chắc hơn. Em chỉ có một con đường là cố gắng hết sức vì tuổi trẻ có hạn và còn vì không ai đánh thuế mơ ước. Nhưng cái mà người ta đánh thuế là sự nỗ lực. Không thể cứ mãi sống một cách bất cẩn rồi mong mơ ước của mình thành sự thật. Chúng em luôn được dạy là phải đẩy giới hạn của mình lên cao hơn, phải bước ra ngoài vùng an toàn để mạnh mẽ hơn.
Hiện có tới 26.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại các bậc học tại Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp sang thăm nước ta và chắc chắn sẽ bàn tới việc mở rộng giao lưu khoa học, văn hóa với nước ta. Các em nếu cố gắng đều có thể xuất ngoại học tập, nhưng đâu phải đó là con dường duy nhất để phát triển năng lực. Các trường đại học và các trường dạy nghề luôn mở cửa đón chào các em.
Hơn thế nữa, không thiếu gì các bạn trẻ đã trở thành tỷ phú ngay tại quê hương mình. Tôi đã gặp "vua" bơ Trịnh Xuân Mười ở Đắk Lắk, vua sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung ở Đắk Nông, vua chim Trần Nhữ Giáp ở Hà Nội, vua cá chép giòn Nguyễn Thế Phước ở Hải Dương, vua gạo đặc sản Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng, vua yến sào Nguyễn Văn Bình ở Bình Định, vua chùm ngây, bụt giấm Hồ Việt Hoa ở Bắc Giang, vua nấm dược liệu Nguyễn Thế Giang ở Đắk Lắk... Còn nhiều vua lắm, toàn những thanh niên nông thôn trở thành tỷ phú mà tôi đã giới thiệu tỉ mỉ cả địa chỉ và điện thoại trong cuốn sách Hỏi đáp về nông nghiệp, NXB Dân trí, 2021.
Các em đừng tự ti. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn có thể nói là rất lớn mà vẫn vượt lên số phận một cách mạnh mẽ. Có thể nhắc đến cô giáo không tay Lê Thị Thắm ở Đông Sơn (Thanh Hóa), nhà văn đánh bản thảo bằng chiếc đũa ngậm tại miệng Trần Hồng Giang ở Nghĩa Hưng (Nam Định), Nguyễn Ngọc Khánh mới 12 tuổi, chỉ còn 1 tay mà đã in tự truyện bằng tiếng Anh…
Hãy nhớ rằng cuộc đời chỉ có khoảng 1.000 tháng thôi, đừng để cuộc sống trôi tuột qua kẽ tay vì mãi đắm mình trong quá khứ hoặc mơ mộng ảo về tương lai. Sống cuộc sống mình mong muốn chính là những ngày tháng tươi đẹp nhất, cách sống mà mình mong muốn mới chính là cách sống tốt nhất. Có mục tiêu khắc có cơ hội để đến. Mục tiêu càng rõ cơ hội càng đến nhanh. Hãy dám chấp nhận sự thay đổi và dũng cảm làm những gì mình có thể.
Cuộc sống là một khung vải rộng và các em nên vẽ vào đó tất cả những gam sắc màu mình có, trong khả năng của mình. Hãy hành động để mỗi phút giây trong đời đều trôi qua trong sự hữu ích. Cần xác định thật rõ đâu là mục tiêu lớn nhất của đời mình, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để hành động. Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến. Cuộc đời chỉ có một, vì thế hãy làm những gì khiến em hạnh phúc và ở bên những người khiến em luôn mỉm cười.
Mọi việc trước khi dễ đều khó, nếu cứ đứng trên bờ thì sẽ không bao giờ biết bơi. Không ai được dọn sẵn một con đường để dẫn đến thành công, phải tự tạo cho mình. Niềm tin là vô giá trị trừ khi nó được chuyển thành hành động…
Với tư cách một thầy giáo cao niên, tôi muốn gửi đến các em học sinh nông thôn những lời tâm sự chân thành nhất. Mong các em đọc lại bức thư rất hay của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa gửi cho ngành giáo dục và hãy có quyết tâm thật cao trong niên học mới. Tương lai của từng em do chính các em quyết định.