| Hotline: 0983.970.780

Thu ngân sách gấp hơn 100 lần năm 1997, Bí thư Thanh Hóa còn lo gì?

Thứ Hai 16/01/2023 , 15:26 (GMT+7)

Dù quy mô nền kinh tế thứ 8, thu ngân sách thứ 9, tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước nhưng GDP bình quân đầu người dân Thanh Hóa chưa đạt bình quân cả nước.

Thu ngân sách gấp 100 lần năm 1997

Với phương châm “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả” của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. Điều này được thể hiện ở những con số định lượng. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, có nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch và so với cùng kỳ.

Đó là, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%. Thu ngân sách nhà nước đạt 51.000 tỷ đồng, vượt 69% dự toán và tăng 22,8% so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp được tập trung chỉ đạo; đã thành lập mới 3.761 doanh nghiệp, đứng thứ 6 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá cao. Dịch vụ - du lịch, nhất là du lịch phát triển đột phá.

Cùng với đó Thanh Hóa đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội được nâng lên; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông và sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực.

Những điều này được ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại cuộc gặp gỡ giới trí thức, văn nghệ sỹ, báo chí, xuất bản trước thềm xuân Quý Mão vừa diễn ra cách đây ít ngày.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đinh Tùng

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đinh Tùng

Đề cập đến số thu ngân sách đạt trên 51.000 tỷ đồng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho biết, đây là số thu ngân sách lớn nhất từ trước đến nay và gấp hơn 100 lần so với 25 năm trước. Ông nhấn mạnh, năm 1997, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách trong câu lạc bộ 500 tỷ đồng. Đến năm 2015 thu ngân sách đạt 10.000 tỷ; năm 2020 nguồn thu đạt 29.000 tỷ đồng. Cuối năm 2021 dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid19 nhưng thu ngân sách toàn tỉnh vẫn đạt trên 40.000 tỷ đồng và đến 31/12/2022, thu ngân sách tỉnh cán mốc 51.000 tỷ đồng.

Nhìn rộng ra, Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 7 cả nước về tốc độ tăng trưởng. Trong 6 tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn Thanh Hóa đều là những tỉnh có quy mô nền kinh tế nhỏ hơn Thanh Hóa. Điều đó để thấy rằng, với tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn (như Thanh Hóa) để có mức tăng trưởng cao là rất khó.

Tại cuộc gặp mặt, một số ý kiến cho rằng, nguồn thu chủ yếu của Thanh Hóa phụ thuộc vào Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đấu giá đất, đồng thời đặt ra vấn đề về tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh.

Giải đáp băn khoăn này, ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng, trong tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2022, cơ cấu nguồn thu từ đấu giá đất 12.000 tỷ đồng (chiếm 23% tổng thu); thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 20.000 tỷ đồng, còn lại là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (đạt 19.000 tỷ đồng). Tính riêng tổng thu nội địa đạt 32.000 tỷ đồng. So với một số địa phương khác như Thái Bình, Nghệ An, nguồn thu từ đấu giá đất của Thanh Hóa trong tổng thu không phải là lớn.

Bên cạnh đó, Lọc hóa dầu Nghi Sơn nói riêng, Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung không chỉ của Thanh Hóa mà là của cả nước.

“Việc thu ngân sách nhiều hay ít của Lọc hóa dầu Nghi Sơn là điều mang tính quy luật. Nếu Lọc hóa dầu Nghi Sơn có đầu tư lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách ít thì mới là đáng phải suy nghĩ. Do vậy, việc thu ngân sách từ Lọc hóa dầu Nghi Sơn không có gì đáng lo ngại”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng làm rõ chỗ này để dư luận hiểu hơn về cơ cấu nguồn thu và dư địa thu ngân sách. 

Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa do các ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đến kiểm tra hoạt động đầu tư kinh doanh tại KKT Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hiếu

Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa do các ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đến kiểm tra hoạt động đầu tư kinh doanh tại KKT Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hiếu

Cũng theo ông Hưng, năm 2022, nhiều doanh nghiệp dự kiến có mức đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh nhưng do nhiều nguyên nhân khiến mức thu không được như kỳ vọng.

Đó là nhà máy thép Nghi Sơn năm 2021 đóng góp ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2022, nhà máy gần như không hoạt động được vì thị trường truyền thống thu hẹp. Xi-măng đạt những thắng lợi trong năm 2021, nhưng 3 quý gần đây gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Các nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi-măng Đại Dương, Thủy điện Hồi Xuân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vận hành. Vì thế thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, không tạo áp lực phải thu bằng mọi giá.

Nhưng không phải không có những lo lắng. Ông Hưng nêu vấn đề, mỗi năm ngân sách tỉnh thu tịnh tiến 10.000 tỷ đồng là hơi khó và ông lý giải tỉnh đã tính toán đến những sản phẩm mới để cải thiện cơ cấu nguồn thu. Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu năm 2023, tăng thu ít nhất là 5% so với thực thu đạt được của năm 2022.

Bên cạnh một số ý kiến đánh giá cao những thành quả trong phát triển kinh tế, xã hội từ những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì Thanh Hóa vẫn còn tồn tại các yếu tố có tính đặc thù vùng miền, Điều này theo đại diện các cơ quan báo chí cho rằng, Thanh Hóa vẫn còn không ít thách thức.

Thanh Hóa đang hiện diện của 3 vùng đất. Có một Quảng Trị ở Thanh Hóa từng trải qua chiến tranh, bom đạn, hy sinh nhiều của, nhiều người. Số người hưởng chính sách người có công đang chiếm tỷ lệ cao, đó vừa là trọng trách, vinh dự nhưng cũng là việc phải lo toan. Một Hà Giang ở Thanh Hóa với những vùng quê nghèo nên vấn đề an sinh xã hội, đời sống cho đồng bào 11 huyện miền núi đang là gánh nặng. Một Quảng Ninh giữa lòng Thanh Hóa phát triển năng động.

“Điều đó dẫn đến những thuận lợi và khó khăn đan xen trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Để rồi các chỉ số kinh tế xã hội rất khó bứt phá dù quy mô nền kinh tế thứ 8, thu ngân sách thứ 9, tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước, nhưng GDP bình quân đầu người chưa đạt bình quân cả nước. Đây là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh Thanh Hóa đang phấn đấu trở thành cực tăng trưởng”, nhà báo Quang Duy, phóng viên tờ Gia đình Việt Nam nhận định.

Phối cảnh dự án Quảng trường biển Sầm Sơn

Phối cảnh dự án Quảng trường biển Sầm Sơn

Nông nghiệp sẽ có hướng đi mới từ những “quả đấm thép”

Năm 2022, Thanh Hóa được ví von như “đại công trường” ở Khu vực Bắc Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung với hàng loạt dự án lớn đổ bộ vào địa phương này.

Trong dòng chảy thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa không thể không kể đến những “ông lớn” như Sun Group với dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn trị giá hơn một tỷ USD; Dự án Bến En Thanh Hóa là quần thể khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp với khu bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En; Dự án Flamingo Hải Tiến, Dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, những dự án này sau khi hoàn thành sẽ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Các dự án nghỉ dưỡng, du lịch hoàn thành sẽ tạo ra chuỗi kết nối hoạt động sản xuất nông nghiệp, do nhu cầu dùng hàng VietGAP tăng cao. Các mô hình trồng rau củ, quả, thực phẩm sạch có cơ hội phát triển, cung ứng cho du khách và hoạt động du lịch địa phương. Trong năm qua, chỉ tính riêng việc bán cây cảnh ở Sầm Sơn đã cho người dân doanh thu hơn 400 tỷ đồng.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Ảnh: Minh Hiếu

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Ảnh: Minh Hiếu

Ông Đỗ Trọng Hưng cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ kết nối, phát triển kinh tế - xã hội.

Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến về việc thực hiện cầu vượt Đại lộ Đông – Tây; tiếp tục thực hiện tuyến đường Voi - Sầm Sơn; Hoàn thiện giải phóng mặt bằng tại 3 Khu công nghiệp số 6, số 20, số 21. Đây là các Khu công nghiệp có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hiện nay vị trí của 3 Khu công nghiệp có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra lực đẩy để Thanh Hóa phát triển.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, huyện Thọ Xuân, sẽ đem lại nguồn lực, dư địa quan trọng cho các địa phương này phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Thành thật với nhau

Trước những chi sẻ của giới trí thức, văn nghệ sỹ, báo chí trong cuộc gặp mặt này Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa không ngại ngần để chỉ ra rằng một số địa phương trong tỉnh đang chạy theo thành tích giảm nghèo, gây nhiều hệ lụy trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào.

Các huyện nghèo phấn đấu mỗi năm giảm 5-7% hộ nghèo. Nếu không giảm thì cuối năm bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Đến cuối năm, trong báo cáo lên tỉnh, các huyện đều nhận hoàn thành nhiệm vụ. Việc báo cáo không sát thực tế xảy ra hệ lụy là người dân và các em học sinh bán trú không còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong khi đời sống của họ chưa được nâng cao.

Đối với huyện nghèo thì nhà nước vẫn lo 100% Bảo hiểm y tế cho người dân. Đối với cận nghèo thì nhà nước chỉ hỗ trợ 70%, còn 30% thì bà con phải bỏ ra mua bảo hiểm. Nhưng ngay cả khi nhà nước bỏ ra 70% thì dân cũng không mua bảo hiểm vì họ không có tiền, buộc tỉnh phải tìm cách hỗ trợ bà con.

“Chúng ta nên nói thật với nhau, làm được đến đâu thì nói đến đó. Không nên làm vì thành tích. Cái gì làm được thì nói, không không làm được thì báo cáo là không làm được. Quan điểm của chúng tôi là không tô hồng, không bôi đen”, Bí thư Đỗ Trọng Hưng khẳng khái.

Như một hoạt động có tính thường niên, vào đúng dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, chủ chốt của 4 thường trực cơ quan là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa chủ trì buổi gặp mặt Liên hiệp hội KHKT, Hội nhà báo, văn nghệ sỹ, báo chí, xuất bản trên địa bàn.

Như một hoạt động có tính thường niên, vào đúng dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, chủ chốt của 4 thường trực cơ quan là Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa chủ trì buổi gặp mặt Liên hiệp hội KHKT, Hội nhà báo, văn nghệ sỹ, báo chí, xuất bản trên địa bàn.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Ngộp thở' cảnh kẹt xe ở TP.HCM ngay ngày đầu tuần

'Ngộp thở' cảnh kẹt xe ở TP.HCM ngay ngày đầu tuần. Các tuyến đường hướng vào trung tâm TP.HCM đều trong tình trạng kẹt xe, các phương tiện di chuyển chậm.