Hỏi thì ông Đinh Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội mới trả lời rằng, đúng là xã đông dân và thuần nông thật nhưng thời gian gần đây khoảng 30% lao động trẻ, khỏe đã chuyển sang làm công nhân để lại ruộng đồng cho những lao động trung tuổi và già, không có cơ hội đổi nghề. Với tình thế ấy, nông nghiệp bắt buộc phải đổi mới theo hướng tuần hoàn, chuyển dịch cơ cấu để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi mới của thị trường. Bên cạnh trồng lúa nhàn nhưng cho thu nhập thấp, xã có 160 ha rau. Từ một nghề truyền thống chỉ biết làm theo thói quen nay bà con đã ứng dụng công nghệ cao như nhà lưới, nhà màng vào để gia tăng giá trị.
Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã Minh Tân đạt hơn 71 triệu đồng/năm trong đó lao động công nghiệp từ 8-15 triệu đồng/tháng, còn lao động nông nghiệp thu nhập 35-40 triệu đồng/người/năm, có nhiều hộ đạt thu nhập tới hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài trồng rau thương phẩm hay trồng rau giống, địa phương còn có khoảng 50ha nuôi trồng thủy sản tận dụng những phụ phẩm của trồng trọt để tuần hoàn làm thức ăn cho cá; khoảng 170ha đất quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo các mô hình vườn - ao, vườn - ao - chuồng, trồng cây ăn quả lâu năm. Một phần diện tích được dành sẵn để chuyển đổi theo hướng hữu cơ…
Nông nghiệp phát triển bền vững tạo nền tảng kinh tế, xã hội để cho Minh Tân xây dựng nông thôn mới (NTM), làm thay đổi diện mạo của các thôn xóm một cách rõ rệt. Xã hoàn thành nông thôn mới (NTM) năm 2017, đang trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Theo ông Đinh Văn Thủy hiện địa phương đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí đang phấn đấu là môi trường, trong khu vực dân cư đã làm tốt nhưng vẫn còn những khu vực chăn nuôi tập trung chưa xử lý được chất thải, nước thải; vẫn chưa tổ chức thu gom, xử lý được các phụ phẩm từ cây rau. Thứ hai là thu nhập phải phấn đấu lên 73-75 triệu đồng/người/năm. Thứ ba là hạ tầng giao thông nông thôn vẫn còn một số khu vực còn nhỏ hẹp do đường làm từ năm 1993, thiếu hệ thống chiếu sáng.
Là một địa phương dân số đông, diện tích rộng, từ đầu xã đến cuối xã tới 8 km, nếu áp dụng theo quy định phải dồn ghép các điểm trường lẻ thành một điểm chính trung tâm là điều bất cập. Tiểu học Minh Tân B có 2 điểm, đang bố trí được chỗ để dồn ghép lại. Tiểu học Minh Tân A có 2 điểm nhưng chưa bố trí được chỗ để dồn ghép lại. Đặc biệt là trường mầm non đang có 3 điểm nếu dồn ghép thành 1 điểm thì từ chỗ xa nhất đến phải 5 km, ngày ngày ông bà đưa cháu đến xa như vậy rất khó khăn, nguy hiểm, nhất là trong những lúc mưa, nắng.
Việc huy động sức dân vào xây dựng NTM còn hạn chế về kinh tế tuy nhiên xã lại có cách làm sáng tạo là phát động phong trào hiến đất và nó đang chiếm khoảng 20-25% tổng giá trị các dự án công trình ở đây. Như dự án đường giao thông nông thôn trị giá 36 tỷ đồng sắp thực hiện, thì người dân đóng góp bằng việc hiến đất đã trị giá cỡ hơn 10 tỷ. Thôn Thần Quy khó khăn nhất về giao thông, từ năm 1993 đến nay mới bắt tay vào cải tạo, đang vận động hơn 200 hộ dân có đất nằm trong phần đường mở rộng để họ ký cam kết hiến đất, phá dỡ công trình, tự xây dựng lại, đầu tháng 10 sẽ thi công. Thôn Kim Quy đã mở rộng xong đường vào năm 2023 với hàng trăm hộ hiến đất, có nhà đã hiến 20 m2 trị giá trên 400 triệu đồng. Nhờ đó, trước đây, hệ thống đường giao thông chỉ rộng 2,5 m giờ đã mở rộng thành 6,5m thuận lợi cho 2 ô tô tránh nhau.