| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 28/05/2017 , 07:24 (GMT+7)

07:24 - 28/05/2017

Thu phí tác quyền qua tivi: Hành xử văn minh hay là tư duy ấu trĩ?

25.000 đồng mỗi năm, con số tưởng như quá cỏn con chẳng cần phải quan tâm, để ý, nhưng đằng sau đó chứa đựng quá nhiều vấn đề phải lật lại về cung cách quản lý và ứng xử của các cơ quan chức năng.

Ngày 26/5, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói trên Dân trí rằng, đã quyết định tạm dừng thu phí âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ông Phương cũng nói thêm, việc tạm dừng thu tiền chỉ áp dụng ở phòng ngủ của các khách sạn, còn ở những khu vực khác như sảnh, bar khách sạn vẫn thu bình thường.

Thông tin này đưa ra không lâu sau khi các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Đà Nẵng nhận được công văn của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả khi sử dụng âm nhạc trong kinh doanh. Trong đó, yêu cầu thu cả phí tác quyền âm nhạc đối với phòng ngủ có sử dụng tivi. Mức thu tại phòng ngủ/phòng khách ở các cơ sở lưu trú có sử dụng tivi là 25.000 đồng/phòng/năm.

Bản công văn này không những vấp phải phản ứng dữ dội từ các đối tượng bị ảnh hưởng chính là các đơn vị lưu trú mà còn khiến dư luận xã hội một phen “sốt xình xịch”. Cá nhân người viết bài này không sống ở Đà Nẵng, cũng không hề có mối liên hệ nào với các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhưng sau khi tiếp nhận thông tin không thể không thắc mắc:

Thứ nhất, không rõ quy định này dựa trên căn cứ, cơ sở pháp luật nào và vì sao lại chỉ áp dụng với một số đối tượng ở một khu vực nhất định là Đà Nẵng? Buộc các khách sạn có tivi phải trả phí tác quyền, vậy những đối tượng khác như quán cà phê, hộ gia đình bình thường có tivi và sử dụng ca khúc thì có phải thanh toán phí hay không?

Vì rõ ràng, không cần biết là bài hát đó dùng để làm gì, nhưng nếu nói ai sử dụng ca khúc đó cũng phải trả tác quyền thì không thể phân biệt đâu là khách sạn, đâu là nhà hàng, đâu là quán karaoke… mọi đối tượng đều phải có nghĩa vụ như nhau.

Thứ hai, cơ sở nào, căn cứ vào đâu để đưa ra mức phí 25.000 đồng/phòng/năm? Vì sao không phải là 20.000 đồng hay 30.000 đồng hay một mức nào khác mà lại 25.000 đồng? Vấn đề này cần được làm rõ. Dù vài nghìn đồng, hay vài chục nghìn đồng, nhưng bất cứ việc thu phí nào cũng cần phải dựa trên cơ sở pháp luật và thực tế, phải có căn cứ thu và tính toán cụ thể, chứ không thể cứ thích con số nào rồi đưa ra cũng được!

Thứ ba, trước mùa cao điểm du lịch, nếu nhà chức trách vẫn quyết thu phí bản quyền bài hát qua tivi thì người viết e rằng không tránh khỏi số tiền nói trên sẽ được tính vào chi phí thuê phòng, sử dụng dịch vụ của khách hàng lưu trú. Rốt cuộc, gánh nặng vẫn thuộc về người dân, thuộc về du khách, chứ người kinh doanh không phải chịu.

Thứ tư, người viết tò mò muốn đặt câu hỏi cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, rằng số tiền kia nếu thu được thì sẽ được trả cho các nhạc sĩ như thế nào? Làm sao biết tác phẩm nào được phát và phát tần suất ra sao để thanh toán cho người khai sinh ra tác phẩm? Bởi, nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ không thể ngăn dư luận suy diễn tiền tác quyền không biết về đâu.

Và cuối cùng, khi mua tivi, sử dụng các gói dịch vụ của nhà đài, bản thân người mua (dù là cá nhân, hộ gia đình hay cơ sở kinh doanh) cũng đều đã thanh toán phí hàng tháng cho đài truyền hình. Việc phát chương trình như thế nào, sử dụng bài hát ra sao… không phải là quyết định từ phía người dùng mà từ phía nhà sản xuất. Thế nên, việc thu phí nếu diễn ra phải do nhà đài thanh toán chứ không phải “bổ đầu” người tiêu dùng mà thu được. Như thế là không thỏa đáng vì chẳng có lý do gì người dùng tivi lại phải trả hai lần phí cho một dịch vụ thông thường cả.

Quy định về tác quyền rất đáng hoan nghênh, và cần nhận được ủng hộ. Nó cho thấy sự tôn trọng với những người hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và là ứng xử cần có trong một xã hội văn minh, sòng phẳng, tôn trọng sự sáng tạo. Cũng cần nói thêm rằng, bản quyền đang là một trong những lực cản rất lớn cho sự phát triển không chỉ với âm nhạc mà với nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, quy định thu phí tác quyền phải trên cơ sở pháp luật và phù hợp với thực tế, không nên duy ý chí, chỉ dựa vào cái nhìn chủ quan, áp đặt của người quản lý mà đưa ra những mệnh lệnh hành chính bất hợp lý buộc người dân, doanh nghiệp phải nghe theo.

Nên, việc chỉ “tạm dừng” hay “dừng hẳn”, rất hy vọng các cơ quan hữu quan xem xét lại!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm