| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với Tổng Giám đốc IDH tại Thụy Sỹ

Thứ Năm 18/01/2024 , 09:01 (GMT+7)

Ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung có buổi làm việc với Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng điều hành Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Daan Wensing.

Thứ trưởng Hoàng Trung tham gia đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ảnh: ICD.

Thứ trưởng Hoàng Trung tham gia đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ảnh: ICD.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện thời gian Thứ trưởng Hoàng Trung tham gia đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên 2024 tại Davos, Thụy Sỹ.

Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ chức IDH đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và trong việc triển khai thích ứng với quy định mới của EU về chống phá rừng (gọi tắt là EUDR). Thứ trưởng thông báo về các biện pháp khẩn trương và quyết liệt Bộ NN-PTNT đã triển khai liên quan tới EUDR.

Cụ thể, Bộ đang tham khảo ý kiến các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR trong quý I/2024; Bộ đã chỉ đạo các địa phương tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch thích ứng với EUDR.

Cụ thể như giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, giao các cơ quan chuyên môn liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, trong đó có IDH, xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và vùng trồng, rà soát và thống nhất bản đồ thực địa, chia sẻ, cập nhật và số hóa dữ liệu bản đồ địa chính các vườn trồng và điều tra bổ sung đối với các vườn chưa có trên bản đồ địa chính, dựa trên dữ liệu về rừng và vùng trồng, phân định các vùng có nguy cơ phá rừng cao, trung bình và thấp.

Từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững, tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân.

Bộ đã chủ động tổ chức, phối hợp với Liên minh Châu Âu, các đối tác quốc tế như UNDP, các địa phương và các bên liên quan (các ngành hàng, hiệp hội, doanh ngiệp) tổ chức sự kiện để thông tin và tuyên truyền về các quy định của EUDR.

Phối hợp với một số tổ chức quốc tế như UNDP, IDH tổ chức các hoạt động đánh giá và thí điểm các biện pháp kỹ thuật truy xuất các sản phẩm nông lâm sản không gây mất rừng...

Để thích ứng với EUDR, Bộ đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu với các đơn vị kỹ thuật và cơ quan lãnh đạo của Ủy ban Châu Âu, đồng thời tham vấn với các đơn vị, tổ chức quốc tế và các cơ quan chuyên môn để xây dựng Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi phải có sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp người nông dân và sự hỗ trợ của EU và các tổ chức quốc tế. Thứ trưởng đề nghị IDH tiếp tục hỗ trợ Bộ trong công tác xây dựng và triển khai thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu của EUDR.

Thứ trưởng Hoàng Trung tặng món quà nông sản Việt Nam cho ông Daan Wensing. Ảnh: ICD.

Thứ trưởng Hoàng Trung tặng món quà nông sản Việt Nam cho ông Daan Wensing. Ảnh: ICD.

Ông Tổng Giám đốc IDH chân thành cảm ơn Thứ trưởng mặc dù rất bận với việc tham dự các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã dành thời gian tiếp và làm việc.

Tổng Giám đốc cũng cảm ơn Bộ đã dành tặng phần thưởng cao quý là Huy hiệu vì sự phát triển ngành NN-PTNT cho ông và tập thể IDH nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu COP28 vừa qua tại Dubai.

Ông đánh giá rất cao sự hợp tác, giúp đỡ của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là Bộ trưởng và các Thứ trưởng đối với IDH trong 15 năm hoạt động, tập trung chính vào các sản phẩm cà phê và gia vị vừa qua tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác giữa hai bên thể hiện đậm nét qua sự tin tưởng mà Bộ dành cho IDH, cụ thể là việc Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp của IDH trong chuyến thăm của Bộ trưởng tới Bỉ gần đây.

Ông Tổng Giám đốc bày tỏ mong muốn và sẵn sàng là cầu nối tổ chức các cuộc đối thoại kêu gọi sự chung tay, phối hợp của các lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn và công ty lớn thế giới để tiếp tục hỗ trợ Bộ NN-PTNT và Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu của quy định EUDR cũng như trong công cuộc phát triển sắp tới.

Liên quan EUDR, ngày 16/5/2023, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (gọi tắt là EUDR). EUDR cấm nhập khẩu sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020 đối với 7 nhóm hàng nông sản, bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Hàng hóa thuộc 7 nhóm hàng này chỉ được nhập khẩu vào châu Âu nếu đáp ứng được các điều kiện không gây mất rừng, được sản xuất theo pháp luật của nước sản xuất và có báo cáo thẩm định trách nhiệm. Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ là các ngành hàng chủ lực của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi quy định này, đặc biệt là đối với ngành hàng cà phê.

Các quy định của EUDR chính thức được thực thi sau 18 tháng kể từ ngày có hiệu lực cho các nhóm doanh nghiệp lớn và trung bình (từ 1/1/2025) và sau 24 tháng với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (từ 1/7/2025).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Thụy Sỹ Viola Amherd. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Thụy Sỹ; chúc mừng thành công của Hội nghị WEF Davos 2024 với sự tham gia của gần 3.000 lãnh đạo các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu.

Tổng thống Thụy Sỹ đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua; khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế ưu tiên và quan trọng hàng đầu của Thụy Sỹ ở Đông Nam Á. Tổng thống Thụy Sỹ cam kết sẽ tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam, với hơn 40 dự án đang được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, giáo dục, doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ có cách tiếp cận linh hoạt trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư song phương nhằm tạo thuận lợi và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.