Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT đánh giá IDH đã có một hành trình phát triển ấn tượng với những dấu mốc quan trọng trong 15 năm hoạt động. Trong đó, IDH hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT như Cục Bảo vệ thực vật, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia… thúc đẩy các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, chè, thủy sản.
Trong chương trình hợp tác với ngành nông nghiệp, IDH là tổ chức tiên phong phối hợp với ngành nông nghiệp để triển khai hợp tác công tư, hình thái đầu tiên của doanh nghiệp xã hội để làm việc cùng doanh nghiệp và thị trường, tạo ra một cuộc sống và môi trường tử tế hơn cho toàn bộ xã hội.
Ông Tuấn cũng cho biết IDH cũng là tổ chức đầu tiên phối hợp với ngành nông nghiệp tập hợp ý kiến các doanh nghiệp trong ngành cà phê xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn canh tác cà phê bền vững cho người nông dân. Từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm cà phê, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, IDH cũng đã tích cực tham gia vào các điểm nóng như ngành hàng hồ tiêu xuất khẩu sang châu Âu, chương trình tái canh cà phê, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp như Nestle, JDE Peet’s…. Đây là hình mẫu tiêu biểu về hợp tác công tư trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Đại diện Bộ NN-PTNT cũng cho rằng IDH đã đưa ra nhiều ý tưởng mới, sáng tạo mà tiêu biểu là chương trình cảnh quan cà phê bền vững, tạo nền tảng xử lý các vấn đề mới về thị trường, đáp ứng quy định mới của EU về chống phá rừng.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Bộ NN-PTNT tiếp tục thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, minh bạch, thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Cùng với phương châm này, Bộ mong muốn IDH tiếp tục đồng hành để không những giúp chuyển đổi thị trường tốt hơn, xanh hơn, thông minh và tử tế hơn.
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, bà Lizet Friesen, đại diện Ban điều hành IDH cho biết, trong những năm tới, nhiệm vụ của IDH là chuyển đổi thị trường để phục vụ người dân, xã hội và hành tinh thông qua hỗ trợ các nhóm cộng đồng người lao động và nông dân cũng như thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) và hướng tới hệ thống nông nghiệp tái tạo.
“Tôi hoan nghênh các đối tác cùng tham gia vào các cuộc trao đổi trong những lĩnh vực ưu tiên của IDH đến năm 2030 về vượt qua những thách thức bền vững trong ngành nông nghiệp, dệt may và giày da tại Việt Nam với phương châm: thử nghiệm những ý tưởng mới, giải pháp mới và những đối tác mới tiềm năng”, bà Friesen cho biết.
Tại lễ kỷ niệm, hơn 200 đại biểu đến từ chính phủ, địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các hiệp hội và doanh nghiệp đã cùng trao đổi về các định hướng ưu tiên chính của IDH đến năm 2030 và chia sẻ về các giải pháp nhằm phát triển và thúc đẩy ngành nông nghiệp, dệt may và da giày theo hướng bền vững tại Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm, Bộ NN-PTNT trao bằng khen và kỷ niệm chương cho IDH Việt Nam nhờ những đóng góp của tổ chức cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
IDH được thành lập năm 2008 tại châu Âu và chính thức đăng ký hoạt động tại Việt Nam năm 2016 với các chương trình hỗ trợ phát triển cho ngành nông nghiệp. Đối với ngành công nghiệp, IDH Việt Nam có các hoạt động hỗ trợ tập trung chính trong ngành dệt may và da giày.
IDH thành lập, đồng chủ trì và là thành viên tích cực của các nhóm Đối tác công tư hỗ trợ phát triển các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, thủy sản, chè, quế, ca cao bền vững, đồng thời tham gia thiết lập Liên minh vùng sản xuất các cấp. Trong đó, tổng mức đầu tư từ IDH và các nhà tài trợ đạt trên 18 triệu USD, huy động hơn 40 triệu USD đồng đầu tư từ khối tư nhân, hơn 30 triệu USD từ khối công và khoảng 5 triệu USD từ các tổ chức phát triển khác.