ĐBSCL mất khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng/năm do tổn thất sau thu hoạch. Bình Định đặt mục tiêu có 20.000ha rừng gỗ lớn vào 2025. Việt Nam cung cấp chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc. IDH - 15 năm hành động, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
ĐBSCL mất khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng/năm do tổn thất sau thu hoạch
Hoài Thơ khai thác
Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đặc biệt là điểm nghẽn trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể như mặt hàng lúa gạo. Mỗi năm, nơi đây sản xuất khoảng 20 – 22 triệu tấn lúa gạo nhưng tổn thất sau thu hoạch đang ở mức khoảng 10-12%, tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa gạo, điều này đồng nghĩa với việc khoảng 3.000 - 3.500 tỉ đồng đang bị mất đi hàng năm. Riêng đối với trái cây, rau quả, tình trạng còn nghiêm trọng hơn, với mức độ tổn thất có thể lên tới 45% tùy vào phương thức chế biến.
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho thấy, công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL, thậm chí “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm. Thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Điều này dẫn đến nông sản của ĐBSCL vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng còn tương đối thấp, lợi nhuận mang lại không cao.
Bình Định đặt mục tiêu có 20.000ha rừng gỗ lớn vào 2025
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Hiện nay, tỉnh Bình Định chủ trương khuyến khích người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trồng rừng kinh tế theo mô hình kinh doanh cây gỗ lớn. Năm 2023, địa phương này đã triển khai thực hiện tốt các dự án trồng rừng, diện tích rừng trồng tập trung là 8.780 ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, chuyển hóa rừng trồng cây gỗ lớn là 3.020 ha. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 9.882 ha. Điều này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của địa phương, ước đạt 60%. Địa phương đặc mục tiêu trồng 20.000 ha rừng gỗ lớn vào năm 2025. Đây là hướng đi bền vững, góp phần gia tăng giá trị rừng trồng, hướng tới bán tín chỉ các bon sau này.
Việt Nam cung cấp chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc
Hoài Thơ khai thác
Thị phần chuối Việt Nam đã gia tăng đáng kể và là thị trường cung cấp lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 28,2% tổng lượng chuối Trung Quốc nhập khẩu 10 tháng năm 2023. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, trị giá nhập khẩu chủng loại quả chuối (mã HS 0803) của Trung Quốc đạt 1,46 triệu tấn, trị giá 912 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chuối nhập khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2023 đạt 623,2 USD/tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công Thương cho biết, tiềm năng xuất khẩu của chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu chuối từ thị trường Việt Nam bởi thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả.
IDH - 15 năm hành động, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Phạm Huy sx
Chiều 7/12, Tổ chức IDH kỷ niệm 15 năm hoạt động với chủ đề Hành động và Tác động thông qua Hợp tác.
IDH được thành lập năm 2008 tại Châu Âu và chính thức đăng ký hoạt động tại Việt Nam năm 2016 với các chương trình hỗ trợ phát triển cho ngành nông nghiệp gồm: Cà phê, cây gia vị, nuôi trồng thủy sản, Chè, Cacao, Chương trình Cảnh quan Bền vững tại Tây Nguyên;…
Bà Lizet Friesen, thành viên hội đồng quản trị IDH cho biết, tổ chức sẽ tiếp tục làm việc cùng các đối tác để nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình nhỏ, tạo sinh kế cho người dân và có trách nhiệm với môi trường, lồng ghép bình đẳng giới vào những chương trình. Trong đó sẽ đưa các chương trình vào các thoả thuận với doanh nghiệp và chính phủ.