| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chủ trì hội nghị bàn chiến lược phát triển mới cho cây mắc ca

Thứ Ba 29/09/2020 , 09:09 (GMT+7)

Theo Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đến 2030 đưa cây mắc ca đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 'Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới'. Ảnh: Văn Hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới". Ảnh: Văn Hùng.

Diện tích trồng cây mắc ca cả nước đạt trên 16,5 nghìn ha

Sáng 29/9, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức Hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta có mặt đông đủ tại đây để bàn cho một chiến lược phát triển mới cho cây mắc ca. Đó là những vấn đề về quy hoạch, giống, thị trường. Quy hoạch Tây Bắc trồng tập trung, Tây Nguyên trồng xen canh như thế nào để phù hợp với khí hậu và kỹ thuật canh tác. Tối qua xem ti vi, có một người nói họ đã trồng nhưng cây ít quả, vậy thì phải kiểm tra để có trả lời và giải pháp.

Một vấn đề nữa là vốn liếng đầu tư. Cái này ngân hàng đồng hành với người dân và doanh nghiệp. Lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh gọn.

Thủ tướng cho rằng, rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm. Có cây nào mà giúp người dân vùng sâu vùng xa xoá đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia tốt như mắc ca. Đấy chính là tiền đề để chúng ta có trách nhiệm làm thế nào để những cây trồng có giá trị được quan tâm, đầu tư phát triển.

Muốn làm tốt cái này phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất mà doanh nghiệp nòng cốt. Hiệp hội chủ lực và người dân là quan trọng. Từ đó có cái nhìn tổng thể để có tầm nhìn trong quy hoạch, dự báo, đầu tư, chế biến, xuất khẩu...

"Chính phủ biểu dương Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng như các tổ chức, đơn vị địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Tôi đánh giá cao sự say mê và trách nhiệm của ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các nhà khoa học", Thủ tướng nói.

Các đại biểu tham dự Hội nghị 'Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới' ngày 29/9. Ảnh: Văn Hùng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới" ngày 29/9. Ảnh: Văn Hùng.

Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá, đề xuất các giải pháp về khoa học kỹ thuật và quản lý phát triển mắc ca. Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống được quan tâm, nhiều giống mắc ca đã được công nhận cho từng vùng sinh thái để đưa vào sản xuất.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng đã phối hợp với với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về lợi ích trong việc phát triển cây Mắc ca, các mô hình tiêu biểu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời triển khai chính sách cho vay vốn phát triển cây mắc ca; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca cho người dân thông qua hàng trăm cuộc tập huấn đầu bờ để người dân hiểu và nắm bắt được kỹ thuật canh tác từ đó mở rộng vùng trồng mắc ca.

Bước đầu đã hình thành các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giữa người dân trồng mắc ca và doanh nghiệp chế biến sản phẩm tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên,...

Sau 5 năm triển khai quy hoạch cây mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/ năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

Là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, cây mắc ca vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trưởng sinh thái, đặc biệt là ở các vùng vùng biên giới, vùng sâu góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch cây mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Ảnh: Văn Hùng.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch cây mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Ảnh: Văn Hùng.

Đánh giá về việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Chúng ta có tiềm năng quỹ đất lớn, đặc biệt là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca.

Có thể thấy rằng, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành NN-PTNT.

Bên cạnh đó, việc phát triển cây mắc ca cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại và thách thức; công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém. Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn; việc tiếp cận, nắm bắt nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất.

Theo dự báo, thời gian tới cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đề tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Mục tiêu đặt ra là phát triển bền vững cây mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nâng cao năng suất, chất lượng cây mắc ca thông qua nghiên cứu, chọn tạo giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hình thành vùng gây trồng tập trung đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm.

Qua đó, hình thành hệ thống cơ sở chế biến từng bước hiện đại, gắn với phát triển nguồn nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Làm thế nào để đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030?

Để đạt được doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ là sợi dây liên kết giữa bốn nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà đầu tư (Doanh nghiệp) - Nhà khoa học” trong việc tổ chức sản xuấttheo chuỗi, triển khai các chương trình chính sách để thúc đẩy phát triển thành ngành hàng mắc ca.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy phát triển bền vững mắc ca tại Việt Nam.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.