| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại 5 năm phát triển mạnh cây mắc ca ở Việt Nam

Thứ Ba 04/08/2020 , 09:12 (GMT+7)

Khó khăn vẫn còn nhiều song quan trọng là đã tạo được niềm tin với người trồng mắc ca và nhiều đồng chí lãnh đạo đã ủng hộ phát triển mạnh ngành hàng này.

Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Huy chia sẻ với chúng tôi như vậy trên chuyến xe đi từ TP Vinh lên huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Trên xe có ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN – PTNT và chuyên gia Nguyễn Lân Hùng.

Tin sẽ thành công

Chuyến đi lần này theo ông Huy là lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn muốn có buổi làm việc với Hiệp hội nhằm tìm các giải pháp tốt nhất đầu tư phát triển mắc ca trên địa bàn. Trước khi có buổi làm việc này, chúng tôi đã đi xem một vườn mắc cả của một hộ dân trên địa bàn huyện.

Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Huỳnh Ngọc Huy tin tưởng chương trình trồng mắc ca ở Việt Nam sẽ thành công. Ảnh: Văn Hùng.

Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Huỳnh Ngọc Huy tin tưởng chương trình trồng mắc ca ở Việt Nam sẽ thành công. Ảnh: Văn Hùng.

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nhắn nhủ lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn và Hiệp hội Mắc ca là làm thế

nào để người dân tin tưởng, mạnh dạn đầu tư phát triển mắc ca và nhất quán quan điểm không vì cây trồng này mà làm ảnh hưởng các cây trồng khác đang mang lại giá trị thiết thực cho người dân.  

Tôi hỏi ông Huy, sau 5 năm Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập thì những gì được xem là nổi bật nhất? Ông nói, quan trọng là đã tạo lập được niềm tin trong dân và nhiều đồng chí lãnh đạo đã đồng tình ủng hộ phát triển mạnh cây mắc ca.

Đến nay đã có 23 tỉnh trồng mắc ca với diện tích khoảng 16.400 ha. Trong đó 65 ha thuộc các đề tài nghiên cứu, 480 ha thuộc dự án khuyến lâm; 7.500 ha của doanh nghiệp, 8.355 ha của dân tự trồng. Năm 2020 dự ước sản lượng thu hoạch đạt khoảng 5.300 tấn hạt tươi. Trong đó, Đắk Lắk 2.030 tấn, Lâm Đồng 1.850 tấn, Đắk Nông 780 tấn, Sơn La 220 tấn, Lai Châu 164 tấn, các tỉnh còn lại khoảng 260 tấn.

Chi phí bình quân trồng và chăm sóc 1 ha cây mắc ca (chưa tính chi phí đầu tư cho hạ tầng như giao thông nội đồng, điện, nước…) đến khi thu hoạch ổn định (7 năm): Trồng thuần (mật độ 280 cây/ha) 340 triệu đồng, trồng xen (mật độ 150 cây/ha) khoảng 130 triệu đồng. Về sản lượng: Cây mắc ca trồng thuần ở 6-7 năm tuổi là 1,9 - 2,8 tấn/ha, trồng xen là 1,1 - 1,5 tấn/ha. Về giá bán hạt (tươi) trung bình 1 kg khoảng 90.000 đ/kg. Về doanh thu trồng thuần năm thứ 7 khoảng 210 triệu đồng, trồng xen khoảng 117 triệu đồng. Những năm tiếp theo mỗi năm sản lượng và thu nhập tăng lên khoảng 15-20%/năm.

Sản phẩm mắc ca được các cơ sở chế biến thu mua, chế biến và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước. Hiện cả nước có 12 cơ sở chế biến công nghiệp và một số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình, có công suất đủ để chế biến sản lượng sản xuất ra hàng năm.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã ban hành gói tín dụng cho vay đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh mắc ca. Đến năm 2020 ngân hàng đã ký hợp đồng cho vay đối với hơn 50 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh với tổng giá trị dư nợ 420 tỷ đồng. Nhiều mô hình doanh nghiệp, người dân đã đạt được kết quả rất tốt nhờ trồng mắc ca, từ đó khẳng định phát triển mắc ca có thể giảm nghèo đối với các hộ nông dân, đặc biệt là người dân miền núi và làm giàu cho các doanh nghiệp, đây là hoạt động đúng đắn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Sau 5 năm đồng hành cùng với các hộ nông dân và các doanh nghiệp phát triển mắc ca, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã góp phần quan trọng để thúc đẩy chương trình phát triển mắc ca.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết

Theo đánh giá của những người đã trồng mắc ca thì đây là cây trồng duy nhất hiện nay ở Việt Nam có một ngân hàng cung ứng vốn và một Hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm. Chính sự đồng hành trách nhiệm của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, các DN và chuyên gia đã góp phần thúc đẩy phát triển mạnh ngành hàng có giá trị này.

Trồng xen mắc ca với tiêu cho thu nhập cao từ hai loại cây trồng giá trị. Ảnh: Văn Hùng.

Trồng xen mắc ca với tiêu cho thu nhập cao từ hai loại cây trồng giá trị. Ảnh: Văn Hùng.

Năm 2017, lần đầu tiên tôi đi cùng với ông Huy và các chuyên gia, nhà quản lý đến thăm một số vườn

mắc ca đã cho thu hoạch ở Tây Nguyên, tôi nói với ông Huy rằng, các ông đang hướng những đồng vốn vào nông nghiệp, một lĩnh vực làm thì khó, rủi ro thì cao. Ông Huy bảo, cũng có chút liều lĩnh nhưng kinh doanh là vậy. Hơn nữa, chúng tôi đã có những trải nghiệm khá sâu sắc trên thương trường, đặc biệt với mắc ca chúng tôi tin sẽ thành công.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, hiện đã có 11 quốc gia phát triển cây mắc ca. Năm 2019 thế giới đã phát triển được 450 ngàn ha, sản lượng ước đạt 190 ngàn tấn hạt tươi.

Mắc ca là cây có hạt vỏ cứng, ăn có vị thơm bùi, hấp dẫn; có tuổi thọ đến 100 năm, có thời gian khai thác kinh tế 40 – 60 năm. Quả mắc ca có giá trị kinh tế chủ yếu là nhân (với tỷ lệ 30 – 40%), có tỷ lệ dầu béo (đa số là dầu rất quý – dầu béo không no Omega 3, 6, 7, không để lại Cholecterol) chiếm tới 78% của nhân hạt - cao nhất trong các loại cây có dầu (hạnh nhân 51%, điều – 47%, lạc 44,8%), Nhân hạt còn chứa đường 10% đạm (protein) 9,2%, nhiều vitamin, chất khoáng có ích như: Kali 0,37%, Phôt-pho 0,17%, Ma-nhê 0,12%.

Vì thế mắc ca là nguyên liệu đa dạng cho các ngành chế biến bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm cao cấp (kem dưỡng da, chống nắng), là thức ăn phù hợp cho các lứa tuổi từ người già tới trẻ em, tốt cho người ăn kiêng, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu...

Giá trị hạt mắc ca đang có xu hướng tăng trên thế giới. Sự tăng trưởng này đến chủ yếu từ các thị trường mới nơi mà thu nhập của người dân đang được cải thiện và bản thân hạt mắc ca đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe và có hương vị ngon. Giá trong nước cao hơn giá thế giới do cung không đủ cầu.

Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa vào từ những năm 1990. Sau một thời gian khảo nghiệm, đã chứng minh cây mắc ca có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế ở những nơi có điều kiện khí hậu đất đai thích hợp.

Chần chừ là mất đi ngành hàng có triển vọng

Trong một hội nghị tổ chức ở Buôn Ma Thuật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm của Chính phủ về phát triển mắc ca, trong đó nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh phát triển mắc ca ở vùng Tây Nguyên. Và cách đây 3 năm, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Tại đây, Bộ trưởng khẳng định, phát triển mắc ca nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội.

Bộ trưởng cho rằng, chớ nhìn thế giới mà ngại mình. Con tôm, cây cao su chúng ta cũng từng cõng từ thế giới về đấy. Đừng nghĩ đưa của thế giới về mà lại ngại ngần, mình có đủ lực để phát triển. Vấn đề là phải vào cuộc quyết liệt và triển khai thực sự bài bản. Còn nếu làm kiểu vô quản trị thì lại chết dân, chết doanh nghiệp và mất đi một ngành hàng đang có nhiều triển vọng.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN – PTNT cho biết, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tại Điều 12 về hỗ trợ trồng cây Dược liệu có mắc ca.

Đặc biệt, các năm 2011 và 2019 Bộ NN - PTNT ban hành các quyết định công nhận 13 giống mắc ca, trong đó có 3 giống cấp quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật.

Đáng chú ý năm 2014, Bộ ban hành quyết định công bố “Danh mục các loài cây trồng lâm nghiệp chủ lực cho các vùng sinh thái”, trong đó có cây mắc ca. Năm 2016, Bộ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến 2030.

Và mới đây, ngày 16/11/2018, Bộ NN – PTNT ban hành thông tư “Quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính”, trong đó có cây mắc ca để quản lý theo chuỗi hành trình về giống.

Nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, từ các Quyết định của Chính phủ và của Bộ NN – PTNT cho thấy tính pháp lý, tiềm năng, triển vọng của mắc ca đối với điều kiện phát triển ở Việt Nam là rất lớn. 

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và người dân tham quan vườn mắc ca ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Ảnh: Văn Hùng.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và người dân tham quan vườn mắc ca ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Ảnh: Văn Hùng.

Qua thực tiễn phát triển mắc ca ở Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca cho rằng, phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà. Nhà nước tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển, nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất, nhà đầu tư cung cấp vốn đầu tư, công nghệ thu mua, chế biến và kết nối thị trường, nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết các nhà.

Theo Bộ NN – PTNT, đến năm 2030 cả nước sẽ vượt trên 34.500 ha mắc ca, tuy nhiên theo đánh giá của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thì có thể đạt 120.000 ha. Trung bình mỗi năm trồng thêm được 3,6 triệu cây.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.