Ngày 29/12, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tới nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nội dung dự kiến của hội nghị sáng 29/12 xoay quanh tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành trong thời gian tới.
Năm 2021, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là: giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn.
Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.
Trong giai đoạn tới, định hướng ngành nông nghiệp có nhiều điều mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị và phát triển xanh.
11h30
Không để 'trụ đỡ' đất nước thụt lùi trong năm 2022
Đồng ý với những báo cáo, đánh giá của các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ cả các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ…
“Những điểm sáng kinh tế đã được thể hiện qua các số liệu. Với mức tăng trưởng dương, vượt 6,6 tỷ USD so với kế hoạch, thu đủ chi, xuất đủ nhập, trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Ngành nông nghiệp chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động.
Ngành nông nghiệp phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Đặc biệt chưa coi trọng phát triển đi kèm khắc phục biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế. Việc chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, xuất khẩu còn mất cân đối.
Từ những tồn tại, hạn chế đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp “mổ xẻ”, đánh giá kĩ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
“Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN-PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, năm 2022 được dự báo vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Năm 2022 được cho rằng có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Do đó ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
“Muốn thực hiện được như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu cao hơn, tăng trưởng cao hơn, xuất khẩu cao hơn. Đã có nền tảng thì cần kế thừa, cần quyết tâm đặt ra xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỷ USD. Trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp bám sát tình tình thực thế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường nhất định.
Thủ tướng cũng cho rằng cần nâng cao năng lực chế biến vì muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, ngành nông nghiệp cần có lộ trình giải quyết những vấn đề này.
“Một mặt sản xuất xuất khẩu nông sản chính ngạch, một mặt cần phải cải thiện quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế. Vấn đề là phải có sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, Thủ tướng nhận định.
Về vấn đề phát triển kinh tế biển, Thủ tướng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển. Thủ tướng cho rằng tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần gắn với dự báo thị trường cũng như tình hình liên quan để phát triển, xây dựng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải metan theo cam kết của COP26, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng Ngành nông nghiệp cần phát triển kinh tế vùng, phát triển chuỗi sản phẩm, liên kết quốc tế; đầu tư công nghệ, thu hút, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho người nông dân là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa, hải đảo và các đối tượng yếu thế. Theo đó, các đơn vị cần triển khai nhanh việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM”.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần phát triển văn hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa vùng miền nông thôn, đồng thời phát triển du lịch nông thôn. Cùng với đó đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập, đảm bảo thị trường lao động khu vực nông thôn.
Thay mặt cán bộ, công nhân, viên chức của ngành Nông nghiệp trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp nhận những chỉ đạo của Thủ tướng, và cam kết đưa vào những chủ trương, hành động trong thời gian tới của ngành nông nghiệp.
Trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm, nâng cao cuộc sống của người dân cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hứa sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021. Trong đó, tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của ngành nông nghiệp.
“Chúng ta có thể khẳng định rằng, ngành nông nghiệp đã phát huy được giá trị, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi những biến cố như dịch bệnh, biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021, đến từ sự đồng hành của toàn xã hội, của sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước.
Dù đạt được một số thành tích như xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ngành 2,8%, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng xác định rằng, ngành Nông nghiệp vẫn gặp nhiều vấn đề. Có những thách thức chung, đến từ thế giới, được Bộ trưởng gói trong 4 từ: Biến động – Bất định - Phức tạp - Mơ hồ. Có những thách riêng của ngành, như thẻ vàng IUU, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…
“Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ được Bộ NN-PTNT tập trung trí tuệ nghiên cứu. Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngành nông nghiệp rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ban, ngành liên quan”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Qua Hội nghị sáng 29/12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn những gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cho biết sẽ tham mưu những chính sách phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của Việt Nam.
10h45
2022 sẽ là năm hành động với ngành Nông nghiệp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông chia vui với ngành Nông nghiệp, khi “mặc dù Covid cả năm liên tục, ngành vẫn có mức tăng trưởng trung bình gần 3%, cao hơn GDP cả nước. Điều rất vui là phần phát biểu của các địa phương đều nhắc đến chuyển đổi số như là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới”.
Ông Hùng nhắc tới các sàn thương mại điện tử, cụ thể là PostMart và Vỏ Sò - 2 sàn thương mại điện tử lớn nhất, phục vụ cho ngành nông nghiệp, giúp các hộ nông dân xây dựng thương hiệu như một doanh nghiệp, cung cấp thông tin đến từng cây, từng con.
Điều lợi thứ 3 là phi vật chất hóa, số hóa đất đai, cây trồng, môi trường... đến cả mô phỏng, phân tích, nhanh, không hao phí vật chất. Sau khi tối ưu trên thế giới ảo sẽ quay lại phục vụ thế giới thực.
Người đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông khẳng định năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành Nông nghiệp. Cụ thể là trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Nền tảng được hiểu là một phần mềm nhưng phục vụ cho toàn quốc, đến từng tỉnh, từng xã.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ NN-PTNT thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là Trưởng ban, nâng cấp Trung tâm Chuyển đổi số thành cấp Cục.
Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT chọn một số doanh nghiệp công nghệ lớn làm đối tác, triển khai sớm trong nửa đầu năm 2022. “Chuyển đổi số góp phần thành lập giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp là thành lập tổ công nghệ cộng đồng đến mức xã, thôn, lấy thanh niên làm nòng cốt”, ông Hùng nói.
10h30
Khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá ngành nông nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, đạt kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
“Nhiều quốc gia để xảy ra lộn xộn trong thời gian dịch bệnh, song ngành nông nghiệp đã làm rất tốt, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của cả nước”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, dù có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, theo Bộ trưởng Diên.
Theo lý giải của ông, nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Theo lãnh đạo ngành Công thương, để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là đưa chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng Diên cũng gợi ý, rằng ngành nông nghiệp cần xác định rõ thị trường xuất khẩu, trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất.
Nhằm hướng tới việc “khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN-PTNT tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số, và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ NN-PTNT trong vấn đề quản lý đất đai. Ngoài ra, ông kiến nghị Thủ tướng trao thêm quyền điều phối cho Bộ NN-PTNT trong những vấn đề liên quan tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
10h20
Quy hoạch ngành tôm 'thuận thiên', bền vững
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chia sẻ rằng trong năm 2021 Minh Phú đã xuất khẩu được hơn 53.000 tấn tôm, kim ngạch đạt trên 657 triệu USD, giảm 1,81% về lượng nhưng tăng 11,3% về giá trị.
Ngành tôm trong 20 năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng vì phát triển nhanh nên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường - xã hội, khiến vùng nước ĐBSCL bị nhiễm bệnh tôm trầm trọng. Điều này làm giá thành gia tăng, giảm tính cạnh tranh. Với tình hình hiện tại, nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu, chỉ trong 5-10 năm nữa ngành tôm sẽ mất lợi thế cạnh tranh và dần đi xuống.
Ông Lê Văn Quang nhận định rằng cần quy hoạch lại chuỗi giá trị ngành tôm theo hướng thuận thiên, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, dựa trên nền tảng số, liên kết chuỗi giá trị để đảm bảo lợi nhuận cho mọi đối tác tham gia cũng như sinh kế của người dân.
Ông Lê Văn Quang đưa ra một số đề xuất: quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn giống tôm nước lợ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của UAE đối với tôm thương phẩm; quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị ngành tôm ĐBSCL; quy hoạch nuôi tôm rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, gắn với bảo vệ môi trường rừng sinh thái, tạo sản phẩm chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân; quy hoạch một số vùng có lợi thế về nguồn nước thành các vùng nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao; quy hoạch các vùng quảng canh và quảng canh cải tiến an toàn sinh học, nuôi hữu cơ; quy hoạch tôm - lúa tạo ra vành đai an toàn sinh học; … đặc biệt ưu tiên quy hoạch và đầu tư công trình cấp nước, thoát nước, tích hợp quy hoạch phát triển kinh tế toàn vùng, kết nối giao thông toàn vùng.
10h10
Thế giới sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Cao Khuê (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), nhận định năm 2021, không chỉ ngành nông nghiệp của Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, biện pháp kịp thời của Chính phủ, công tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu của ngành hàng rau quả vẫn duy trì ổn định và không bị đứt gãy. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 sang các thị trường quan trọng trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… đều tăng trưởng”, ông Đinh Cao Khuê chia sẻ.
Theo đó, để ngành chế biến rau quả có thể thích ứng, linh hoạt với dịch Covid-19 trong thời gian tới, ông Khuê cho rằng các đơn vị, doanh nghiệp chế biến cần tạo sự liên kết chặt chẽ với các HTX nông nghiệp. Các HTX sẽ giữ vai trò sản xuất và cung cấp nguyên liệu số lượng lớn đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hiện nay, nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israeal sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”, ông Đinh Cao Khuê cho biết.
Ngoài ra, đại diện Doveco cho rằng, với điều kiện đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có nhiều vùng có thể trồng nhiều loại cây rau quả ông đới phục vụ cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản như Tây Bắc, Tây Nguyên.
Theo đó, để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị, kết hợp việc xuất khẩu rau quả tươi và sản phẩm chế biến, ông Đinh Cao Khuê đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu nhiều loại, đa dạng sản phẩm chế biến trong thời gian tới.
“Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến khâu logistics của Việt Nam. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cũng như Bộ Công thương cần tổ chức công tác thông tin về thị trường một cách kịp thời, nhanh nhạy, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp”, ông Khuê đề xuất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Doveco cũng kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay từ 8 - 10 năm để các doanh nghiệp có thời gian trồng, chế biến, xuất khẩu nông sản.
10h00
Ngành gỗ nêu 4 kiến nghị để phát huy hơn nữa giá trị gia tăng
Ông Cao Chí Công (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, có những tháng trong Quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, ngành gỗ tăng trưởng mạnh trong Quý IV, đạt kim ngạch 15,87 tỷ USD trong năm 2021.
Theo ông Công, ngành gỗ hiện gặp 3 khó khăn chính. Một, là giá cước vận chuyển tăng cao, đặc biệt là vấn đề thiếu container rỗng. Hai, là chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí phòng chống dịch bệnh, đảm bảo “3 tại chỗ” khiến chi phí sản xuất tăng trung bình 15-20%. Ba, là tình trạng thiếu lao động ở các trung tâm chế biến do công nhân về quê, hoặc chuyển ngành nghề.
Nhằm phát huy hơn nữa giá trị gia tăng của ngành gỗ, ông Công kiến nghị 4 vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện cho ngành gỗ được tiêm vacxin Covid-19, vật tư y tế với chi phí hợp lý và sớm nhất. Thứ hai, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu gỗ vào Việt Nam, tránh tình trạng nhập khẩu trái phép.
Thứ ba, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải có chính sách hỗ trợ việc vận chuyển, hàng hóa. Thứ tư, Bộ Ngoại giao chú trọng vào thị trường Mỹ, EU, Anh để thông tin kịp thời thông tin, chính sách, cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước.
9h20
Đồng Tháp duy trì chuỗi cung ứng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa (ảnh), Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2021, tuy nhiên vẫn tích cực duy trì chuỗi cung ứng lương thực. Các ngành hàng như gạo, trái cây, chăn nuôi, thủy sản tiếp tục duy trì được thế mạnh vùng, được tỉnh chủ trương thay đổi phát triển theo chuỗi, đạt kết quả tốt.
Năm vừa qua, Đồng Tháp duy trì xuất khẩu nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng trưởng đạt hơn 3%. Tỉnh cũng phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng dụng và nhân rộng ra các địa phương, tạo sự lan tỏa giữa các HTX và Hội quán.
Đến nay, Đồng Tháp đạt 97/115 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM), 3 thành phố và 1 huyện hiện đang nhận hồ sơ, 3 huyện phấn đấu năm 2024 hoàn thiện hồ sơ chứng nhận. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực phát triển các sản phẩm OCOP, đạt 300 sản phẩm, trong đó năm nay đã có thêm 104 sản phẩm được công nhận.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân tỉnh Đồng Tháp còn thiếu bền vững. Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu tham mưu cơ chế đầu tư nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; ưu tiên phát triển năng lượng sạch cho tỉnh và địa phương để giảm diện tích đất sản xuất sử dụng hóa chất; có chính sách cụ thể cho ng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, phân bổ chi tiêu phải dựa trên sản lượng lúa hằng năm; sớm ban hành khung pháp lý xử phạt mạo danh mã vùng, đảm bảo quyền lợi cho các bên về truy xuất nguồn gốc.
Với Bộ Quy hoạch Đầu tư, tỉnh kiến nghị Bộ chỉ đạo Tổng cục Thống kê thống nhất tính toán thống kê giữa ngành nông nghiệp và các thống kê địa phương, bổ sung thu nhập doanh nghiệp, làm cơ sở nghiên cứu kinh tế nông nghiệp địa phương; mong Bộ quan tâm hơn về vấn đề tập trung bảo quản và logistics.
9h10
Đồng Nai huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, từ năm 2010, tỉnh Đồng Nai bắt đầu xây dựng NTM, đến năm 2019 đã hoàn thành và tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã sẽ đạt NTM nâng cao.
“Cùng nỗ lực để huy động mọi nguồn lực phát triển, xây dựng NTM, tính đến năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã có 61/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt 61 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,09%”, ông Võ Văn Phi thông tin.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung cây trồng, vật nuôi chủ lực với năng lực cạnh tranh thị trường cao.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Đồng thời kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ TN-MT tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất nông lâm trường.
9h00
Bình Định: Chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc
“Bình Định đang phải đối mặt bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò. Cuối tháng 11, tỉnh hứng chịu mưa lũ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp, Bình Định trong năm 2021 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong 19 chỉ tiêu, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt. Thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đặt ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đạt tăng trưởng 2,9%, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đều tăng trưởng dương. Bình Định tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, Bình Định tập trung vào cây trồng có thế mạnh như lúa, lạc, các loại rau. Đầu tư hạ tầng, nâng cấp hồ chứa, kênh mương thủy lợi. Tỉnh cũng tập trung vào chính sách hỗ trợ từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc.
“Với đặc thù thường xuyên có mưa bão, thiên tai, Bình Định thấy rằng hướng đi chuyển từ 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ ăn chắc là rất đúng đắn, tăng giá trị sản xuất”, ông Long nói.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cho biết hiện địa phương có 266 cánh đồng mẫu lớn về cây lúa. Tỉnh cũng cùng nông dân tổ chức liên kết sản xuất giống lúa, rau đạt chuẩn VietGAP.
Điểm sáng trong lĩnh vực chăn nuôi của Bình Định thời gian qua là phát triển đàn bò có 300.000 con, trong đó 89% bò lai, cung cấp giống cho cả nước. Thương hiệu Bò Việt chất lượng cao của Bình Định được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KHCN công nhận. Ngoài ra, địa phương duyên hải Nam Trung bộ này còn có 13 doanh nghiệp sở hữu lợn giống ông bà cụ kỵ có chất lượng, cung cấp cho cả nước. Xuất khẩu gia cầm đạt 100 triệu con.
Về trồng rừng, chế biến gỗ, Bình Định hiện là trung tâm lớn sau Đồng Nai, Bình Dương. Xuất khẩu gỗ đạt 800 triệu USD, tỉnh đang có đề án phát triển 6.000ha trồng rừng gỗ lớn. Cuối 2025, Bình Định phấn đấu có 10.000ha cây gỗ lớn.
Trong lĩnh vực thủy hải sản, Bình Định có lượng tàu chỉ sau Kiên Giang, Quảng Ngãi với 6.200 tàu, hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Nổi bật về sản lượng có hơn 3.000 tấn cá ngừ đại dương. Ngư dân Bình Định còn kết hợp với doanh nghiệp Nhật Bản về đánh bắt, chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu. Ông Nguyễn Phi Long kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ với các hộ chăn nuôi có trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục.
“Chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có trâu bò chết đã có, song các hộ khác cũng bị thiệt hại. Do đó, tỉnh rất mong Bộ NN-PTNT sớm tham mưu Chính phủ để hỗ trợ cho nông dân. Trong năm 2021, tỉnh có 22.000 con trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 3.000 trâu bò bị chết”.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn kiến nghị có chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng gỗ lớn do đặc thù mưa bão nhiều, nhà đầu tư e ngại.
Đối với thế mạnh đánh bắt thủy sản, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét quy hoạch, nâng cấp cảng cá Tam Quan lên loại 1, giúp truy xuất nguồn gốc, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Liên quan tới bão lũ, tỉnh cũng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét thêm việc nâng cấp các hồ chứa. Bão lũ lớn nên vấn đề cắt lũ cho hạ du rất quan trọng. Theo đó, tỉnh kiến nghị nâng cấp hồ Định Bình lên thêm 40 triệu m3, từ đó đảm bảo nước tưới và cắt lũ, tránh ngập úng cho hạ du.
8h45
Nghệ An vẫn đảm bảo tăng trưởng đặc biệt trong ngành nông nghiệp
UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, thời gian qua dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Nghệ An vẫn đảm bảo tăng trưởng đặc biệt trong ngành nông nghiệp, đạt hơn 5,8% so với năm 2020.
Tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với tiềm năng vùng, tích cực và quyết liệt kìm tỏa sự lây lan dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỉnh chuyển sang tập trung quy mô lớn, chủ động kiểm soát dịch bệnh lây lan trên vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục.
Về thủy sản, Nghệ An đã chỉ đạo chuyển đổi, nâng cao diện tích nuôi, tập trung tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tuân thủ các quy định về IUU, tăng trưởng đạt 7,5% so với năm 2020.
Là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước (964.000 ha, đạt 58,5%), Nghệ An đã thành lập khu lâm nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, đảm bảo đời sống nhân dân.
Về chế biến lương thực thực phẩm, tỉnh đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các đơn vị để tổ chức và tham gia các diễn đàn xúc tiến, đồng thời chú trọng chế biến sâu, được các nhà máy địa bàn tiêu thụ đầy đủ.
Nhân dịp này, tỉnh Nghệ An chia sẻ một số đề xuất, nguyện vọng: Đề nghị Bộ NN-PTNT sớm phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia; phân bố các nguồn kinh phí, có chính sách hỗ trợ sớm ngay từ đầu năm để các địa phương có cơ sở triển khai sớm; nhấn mạnh tầm quan trọng của nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, có hướng thị trường mở rộng.
8h35
Năm khó khăn, nông nghiệp Hải Dương vẫn tăng trưởng 6,9%
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp với các sản phẩm nông sản phong phú. Nhiều sản phẩm nông sản địa phương không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, điển hình như như Hoa Kỳ, châu Âu...
“Hải Dương đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với xây dựng NTM với các trụ cột: nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…”, ông Triệu Thế Hùng cho hay.
Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội của tỉnh là không hề nhỏ, tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, sản xuất nông nghiệp là điểm sáng của địa phương trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao: 6,9%, đặc biệt sản xuất vụ đông năm 2021 đạt mức tăng trưởng 8,7%.
“Với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số, vừa qua, Hải Dương đã đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thu về 1.400 tỷ đồng”, ông Hùng thông tin.
Công tác xây dựng NTM năm 2021 của Hải Dương đã tạo bứt phá cho việc cải thiện môi trường nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Năm 2021, Hải Dương có 178/178 xã đạt chuẩn NTM, 12/12 huyện đạt chuẩn NTM.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị Chính phủ ban hành những cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp trong điều kiện mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Bên cạnh đó, ông Triệu Thế Hùng kiến nghị cần tháo gỡ, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung gắn với cơ giới hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp trong nông nghiệp.
“Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang phải chịu áp lực rất lớn bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hệ thống đê điều của tỉnh đang bị xuống cấp. Thời gian tới, Hải Dương rất mong muốn được hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ hệ thống đê và khắc phục tình trạng ô nhiễm sông”, ông Triệu Thế Hùng kiến nghị.
8h25
Lai Châu đứng tốp đầu cả nước về tốc độ phát triển nông nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều đề án về sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển những mặt hàng nông, lâm, thủy sản đăc thù, đặc hữu, dựa trên nguồn lực của tỉnh. Vừa qua, cùng sự phối hợp với Bộ NN-PTNT, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư.
Hiện tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu đứng tốp đầu của đất nước, vào khoảng 5%. Trong đó, tỉnh có những mặt hàng chủ lực như chè, quế, và đặc biệt là mắc ca. Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm chăn nuôi đại gia súc, và phát triển kinh tế dưới tán rừng như sâm Lai Châu, hoa địa lan. Lai Châu là địa phương có thế mạnh về tỷ lệ che phủ rừng, khoảng hơn 51%, cao hơn mức trung bình chung cả nước (42%).
Về phát triển nông thôn mới, tỉnh định hướng phát triển gắn với du lịch và đã hình thành một số bản văn hóa như Sin Suối Hồ.
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuẩn hóa gắn với chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, tháo gỡ ùn tắc tại cửa khẩu, tỉnh Lai Châu kiến nghị một số nội dung:
Một, là kiến nghị Thủ tướng ban hành Đề án phát triển cây mắc ca, bởi đây là cây lâm nghiệp đa mục đích, rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu.
Hai, là kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Ba, là kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển rừng, đặc biệt là kinh tế dưới tán rừng.
Bốn, là kiến nghị hỗ trợ tỉnh phát triển các trung tâm giống, các công nghệ, kỹ thuật, quy trình canh tác. "Với riêng Lai Châu, là sản phẩm sâm Lai Châu thuộc nhóm IIA, đảm bảo đủ chất lượng sản xuất trên quy mô lớn", ông Trần Tiến Dũng thông tin tại hội nghị.
8h00
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến giới thiệu, tại điểm cầu chính ở trụ sở Bộ NN-PTNT có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Thị Nga.
Tại các điểm cầu trực tuyến, có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải.