| Hotline: 0983.970.780

Một năm đáng tự hào của ngành nông nghiệp

Thứ Tư 29/12/2021 , 06:35 (GMT+7)

Nhìn lại năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ngoạn mục với những con số bất ngờ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, năm 2021, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn của năm 2021 một cách ngoạn mục.

Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: “Kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng”.

Xuất khẩu cán đích không ngờ

Năm 2021, đất nước đối mặt với nhiều gian khó, đặc biệt là đại dịch Covid-19, song ngành NN-PTNT vẫn đạt những kết quả hết sức ấn tượng; xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục với 48,6 tỷ USD. Kết quả này đạt được nhờ đâu? Và điều này khẳng định vai trò gì của ngành nông nghiệp trong lúc đất nước gặp khó khăn, thưa Thứ trưởng.

Năm 2021 là năm đặc biệt, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 xảy ra từ tháng 4 đến nay, tác động vô cùng mạnh mẽ đến nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã gặp phải sức ép rất lớn trong năm qua.

Nông nghiệp là ngành sản xuất rất rộng, liên quan đến tất cả các địa phương, người dân, gồm nhiều công đoạn từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, xuất khẩu...

Ngày 19/5, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Ngày 19/5, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có rất nhiều người trở về quê, mặc dù điều đó giúp bổ sung nguồn lao động dồi dào cho nông nghiệp, nhưng đổi lại ngành nông nghiệp cũng phải có điều kiện để đón họ quay về. Thời tiết, thiên tai trong năm vừa qua dù không cực đoan nhưng cũng không bình yên, hạn mặn vẫn tồn tại, mưa lũ vẫn xuất hiện..

Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể nói rất vui mừng vì giá trị gia tăng toàn ngành đã đạt 2,85 - 2,9%, vượt mục tiêu Chính phủ giao. Trong đó, riêng lương thực sản lượng đạt gần 44 triệu tấn, trong khi diện tích gieo trồng vẫn giảm; chất lượng gạo tiếp tục được nâng cao khi giá bán có lúc đạt hơn 530 USD/tấn.

Về giá trị xuất khẩu, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT mục tiêu 42 tỷ USD nhưng chúng ta đã vượt qua một cách ngoạn mục, cán đích với con số không thể ngờ là 48,6 tỷ USD.

Có thể nói, kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng. Bên cạnh đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ NN-PTNT với các địa phương, các bộ ngành và giữa các đơn vị trong Bộ với nhau.

Đây là kết quả của cả một quá trình chỉ đạo, điều hành với những điều kiện được chuẩn bị từ nhiều năm qua.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, 2021 là năm rất đáng tự hào của ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, 2021 là năm rất đáng tự hào của ngành nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài mức tăng trưởng ấn tượng, ngành nông nghiệp còn hợp tác sâu rộng với cộng đồng quốc tế. Nông sản của chúng ta đang ngày càng khẳng định được vị thế bằng chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, lực lượng các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã kinh nghiệm hơn, thiện chiến hơn với trình độ đàm phán ngày càng chuyên nghiệp.

Cũng phải kể đến việc lựa chọn thị trường của Việt Nam, chúng ta đã có được những bạn hàng lớn, ví dụ như Mỹ, từ năm 2019 đến nay đã 3 lần tôi sang đàm phán trực tiếp vì chúng ta là nước xuất siêu, sức ép rất lớn.

Nhưng đến nay, vị thế và uy tín của chúng ta đã được khẳng định, thậm chí Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) còn gọi cuộc đàm phán về gỗ của Việt Nam là “điển hình mẫu mực về đàm phán” và đánh giá Việt Nam là đối tác trách nhiệm, đáng tin cậy.

Tựu chung lại, 2021 là năm rất đáng tự hào của ngành nông nghiệp dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng chính phủ để vượt qua khó khăn, đạt con số tăng trưởng ngoạn mục. 

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD

Giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đã bứt phá kỷ lục trong bối cảnh muôn vàn khó khăn. Ảnh: NNVN.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đã bứt phá kỷ lục trong bối cảnh muôn vàn khó khăn. Ảnh: NNVN.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản 15,87 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.

Tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu), trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su). Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD.

Năm 2021, cả nước thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 19.100 hợp tác xã. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Đến hết năm 2021, cả nước có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM. Thêm 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2022, ngành NN-PTNT đặt ra một số mục tiêu phấn đấu cơ bản: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Linh hoạt thích ứng, chuyển đổi

Thưa Thứ trưởng, những năm qua, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường. Những điều chỉnh vĩ mô này được phát triển thế nào khi chúng ta đặt sản xuất trồng trọt trong chiến lược phát triển “kinh tế tuần hoàn”?

Ngành nông nghiệp đã và đang có những bước chuyển dịch linh hoạt. Ảnh: LHV.

Ngành nông nghiệp đã và đang có những bước chuyển dịch linh hoạt. Ảnh: LHV.

Về lúa gạo, điểm đáng nói là diện tích giảm dần theo từng năm, nhường đất cho các lĩnh vực khác như cây ngắn ngày, cây dài ngày, nuôi trồng thủy sản, thậm chí sang phi nông nghiệp.

Từ con số hơn 4 triệu ha, chúng ta cần đảm bảo linh hoạt ở 3,5 triệu ha đất lúa, điều đó có nghĩa là có lúc chuyển đổi nhưng khi cần, chúng ta phải đảm bảo ít nhất có 3,5 triệu ha này dành cho lúa.

Dù diện tích giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng, chất lượng cũng cải thiện rõ rệt, đến nay có đến 87% diện tích lúa của Việt Nam đạt chất lượng cao, giá bán tăng.

Để có được kết quả này, cần có nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như thủy lợi được cải thiện, bộ giống tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chủ động chuyển dịch mùa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ví dụ, từ kinh nghiệm của năm 2016, đến năm 2018 Bộ NN-PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tại khu vực ĐBSCL để đẩy sớm mùa vụ cho 8 tỉnh ven biển, ứng phó linh hoạt với hạn mặn, đảm bảo năng suất cho toàn vùng một cách hoàn toàn tự nhiên.

Đây có thể gọi là một bài học từ thực tiễn để vận dụng, thay đổi cho phù hợp. Chúng ta bám chắc từng vụ, từng vùng, mỗi đợt lại có một hội nghị để có những chỉ đạo sát nhất với thực tiễn.

Cùng với đó, phải kể đến sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, điển hình như giữa Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật để có thể đưa ra điều hành chính xác, thích hợp theo từng thời điểm. Ví dụ như việc lên phương án tưới cho khu vực trồng cây ăn quả ở ĐBSCL trong mùa hạn mặn bằng mương nội vườn và ao tích nước.

Với ngành rau quả, chúng ta đang có sự chuyển dịch bài bản. Ví dụ như cây cam, chúng ta sẽ không tăng diện tích vì đây không phải là cây lợi thế cho xuất khẩu, lại khó chăm sóc. Nhưng với bưởi, vẫn có thể xem xét tăng diện tích vì có thể xuất khẩu và dễ trồng, dễ bảo quản hơn. Hay như vải, nhãn cũng không phát triển diện tích, thay vào đó là nâng cao chất lượng.

Có thể thấy, với cây ăn quả chúng ta đang chuyển sang hướng tăng cường chất lượng và sức khỏe vườn cây vì đây là những đối tượng có đầu tư lớn, nếu gặp rủi ro, thiệt hại rất nhiều về cả kinh tế lẫn thời gian.

Với các sản phẩm trồng trọt, cụ thể là cây công nghiệp, có ý kiến cho rằng chúng ta vừa trải qua một chu kỳ giảm giá dài và đang khởi sắc trở lại, vậy quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Về cây cà phê, sản phẩm rất thắng lợi trong năm qua. Điều đáng mừng là sau chu kỳ dài giảm giá, chúng ta vẫn đứng vững và có xấp xỉ 700.000 ha với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong năm 2021.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các mặt hàng khởi sắc về giá xuất khẩu trong năm 2021 cần tiếp tục phải duy trì theo chiều sâu, chất lượng, bền vững, tiết giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các mặt hàng khởi sắc về giá xuất khẩu trong năm 2021 cần tiếp tục phải duy trì theo chiều sâu, chất lượng, bền vững, tiết giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước tiên, chúng ta vẫn duy trì được năng suất cao để trụ được trong những năm giá xuống sâu và đến nay đã tăng mạnh trở lại. Bên cạnh đó, cây cà phê của chúng ta được đánh giá rất cao với năng suất bình quân là 2,8 tấn/ha, gấp 3,5 lần so với năng suất trung bình thế giới.

Đây là thành quả của việc phát triển cây cà phê một cách bài bản của Việt Nam, ban đầu là bộ giống mà cả thế giới đang ngưỡng mộ, hoàn toàn do viện nghiên cứu của chúng ta chọn tạo.

Tiếp theo là chương trình tái canh cây cà phê từ năm 2014, thời điểm ban đầu rất vất vả, tỷ lệ chết cao nhưng các địa phương đã rất sáng tạo để quy hoạch đâu là vùng trồng mới, đâu là vùng ghép cải tạo. Quá trình này là cơ hội vàng để thay đổi giống cà phê nên Bộ NN-PTNT làm rất gắt gao về giống vì nếu sử dụng giống kém chất lượng thì chúng ta nợ nông dân hàng chục năm.

Chúng ta đặt ra mục tiêu tái canh cà phê đến năm 2020 là 120.000 ha và đến nay đã đạt tới 162.000 ha, rất thành công. Tới đây, với cây cà phê, chúng ta sẽ tập trung vào phát triển chế biến sâu vì hiện nay có tăng nhưng chưa được như mong đợi.

Bứt phá ngành gỗ

Xuất khẩu lâm sản là điểm sáng trong năm 2021 khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16 tỷ USD. Những nỗ lực này xuất phát từ đâu? Ngành Lâm nghiệp hành động thế nào để thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp lâm nghiệp bền vững, thưa Thứ trưởng?

Ngành gỗ năm nay đã viết nên một câu chuyện rất ngoạn mục, không ai ngờ được. Đơn giản vì có giai đoạn do dịch Covid-19 nên có đến 70% đơn vị chế biến gỗ nằm ở khu vực Đông Nam Bộ (gồm cả TP. HCM) phải ngừng hoạt động, còn Bình Dương xấp xỉ 50% doanh nghiệp gỗ ngừng hoạt động bởi đây là tâm dịch, nhất là trong giai đoạn tháng 7 – 8/2021 hết sức căng thẳng.

Đối mặt với muôn vàn thử thách, ngành gỗ đã tạo ra sự bất ngờ lớn về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. 

Đối mặt với muôn vàn thử thách, ngành gỗ đã tạo ra sự bất ngờ lớn về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021. 

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có một số lợi thế, thứ nhất là nhu cầu của thị trường rất lớn, các đơn hàng liên tục được bổ sung. Bên cạnh đó là hoạt động rất hiệu quả, trách nhiệm, bài bản của các hiệp hội trong ngành gỗ để gắn kết các doanh nghiệp và Bộ NN-PTNT.

Các hiệp hội trong ngành gỗ đã sớm nhận định được tình hình và đưa ra kịch bản phục hồi sản xuất ngay khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Kết quả là ngành lâm nghiệp đạt con số xuất khẩu lên đến 15,87 tỷ USD. Điều đáng nói nữa là nguyên liệu chế biến đa số là từ rừng trồng của Việt Nam, nhập khẩu rất ít.

Cũng phải nhắc đến sự tiến bộ trong công nghệ chế biến, nếu như trước đây keo chỉ bán dăm, làm bột giấy thì nay đã có thể làm thành đồ nội thất để xuất khẩu.

Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ còn có hiệu ứng của việc khép lại vụ Điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.

Với ngành gỗ, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đầu tiên là vùng nguyên liệu. Sang năm 2022, Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội để phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Mục tiêu là phát triển hệ thống cây gỗ lớn, sử dụng các biện pháp sản xuất phù hợp như tỉa thưa dần để bảo người dân vừa có thu nhập, vừa có thể trồng cây lâu năm.

Khi phát triển vùng nguyên liệu, chúng ta không chỉ có gỗ mà còn có thể thu về từ phí dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon, tạo điều kiện cho người dân trồng và giữ rừng.

Mục tiêu tổng thể chúng ra đưa ra cho ngành lâm nghiệp là đến năm 2025 đạt giá trị 20 tỷ USD và với đà phát triển này thì hoàn toàn khả thi.

Vai trò nền tảng của khoa học - công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng như thế nào? Chiến lược phát triển của ngành ra sao khi người dùng lương thực, thực phẩm ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm sạch, an toàn và trở thành “Người tiêu dùng xanh”?

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, khoa học công nghệ đã tạo ra những nền tảng bền vững cho toàn ngành. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, khoa học công nghệ đã tạo ra những nền tảng bền vững cho toàn ngành. Ảnh: Tùng Đinh.

Khoa học công nghệ luôn là mũi nhọn trong nông nghiệp, tuy nhiên nếu chỉ nhìn trong giới hạn một vài năm thì khó có thể nhận ra vai trò của nó nhưng nếu nhìn theo giai đoạn thì sẽ rõ ràng hơn. Ví dụ, kết quả của ngành lúa gạo, cây ăn quả hay cà phê có được là do thành tựu của khoa học công nghệ, cụ thể là giống, quy trình sản xuất...

Ngoài ra, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng có phần đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ, về sản xuất, về chế biến… 

Khi có được sự đồng bộ về khoa học về cả công nghệ, thiết bị cho đến quản trị, quản lý thì các doanh nghiệp sẽ đạt được kết quả tốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, vai trò của các Viện nhà nước cũng hết sức quan trọng vì đây là nơi nghiên cứu cho từng lĩnh vực để có được công nghệ lõi, phục vụ cho người dân.

Chúng ta cần xác định rằng, phải huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả nghiên cứu. Phải có sự kết hợp chặt chẽ, thực chất hơn nữa giữa các Viện và doanh nghiệp. Các đơn vị sẽ cùng nhau đầu tư, cùng nhau khai thác nguồn lực và cùng nhau chia sẻ lợi ích một cách bình đẳng.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trong giai đoạn tới, sẽ cần có nhiều chính sách, cơ chế đổi mới hơn để tháo gỡ bớt khó khăn cho các Viện. Ngoài ra, các Viện cũng có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế. 

Khẳng định với quốc tế về một nền nông nghiệp trách nhiệm

Năm 2021 cũng đánh dấu nhiều sự kiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp? Đâu là kết quả nổi bật? Những ưu tiên gì trong giai đoạn tới khi chúng ta cam kết với quốc tế xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, minh bạch, bền vững, thưa Thứ trưởng?

Trong giai đoạn tới, định hướng ngành nông nghiệp có nhiều điều mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị và phát triển xanh.

Điều này cho thấy vai trò của hợp tác quốc tế rất quan trọng, đặc biệt là sự phối hợp với các tổ chức lớn như World Bank, ADB… vốn đang có xu hướng tái cấu trúc lại nguồn vốn để hỗ trợ cho nông nghiệp xanh, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.

Năm 2021, chúng ta đã có hàng loạt sự kiện đối ngoại bằng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đặc biệt Bộ trưởng đã tham gia, chủ trì rất nhiều hội thảo, sự kiện để tham vấn xây dựng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp được Thủ tướng giao.

Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình sang một nền nông nghiệp có trách nhiệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình sang một nền nông nghiệp có trách nhiệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh), có rất nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp để hỗ trợ chúng ta hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, giảm phát thải.

Hiện nay, có thể nói ngành nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, trong năm qua, mặc dù Covid-19 nhưng chúng ta vẫn phát triển, vẫn tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các nông sản với nhiều hình thức.

Cùng với Bộ Công thương, chúng ta đang triển khai nhiều phương án để tận dụng các lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại. Cụ thể, năm 2021, chúng ta đã có 2 tham tán nông nghiệp đầu tiên tại các thị trường trọng điểm là Châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng càng hội nhập thì sự cạnh tranh càng lớn, nhất là hệ thống hàng rào kỹ thuật ở các thị trường khó tính. Nhưng với sự thiện chí, rõ ràng của mình thì Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề này, ví dụ như xử lý vấn đề về gỗ với Mỹ.

Qua đó, chúng ta càng khẳng định với thế giới rằng Việt Nam có một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và chất lượng, đáp ứng cho mọi yêu cầu của người tiêu dùng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

  • Tags:
Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.