Sau chuyến thị sát tại một số dự án hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM tại trụ sở UBND TP.HCM về nhiều nội dung quan trọng nhằm phục hồi phát triển kinh tế TP.HCM sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với TP.HCM trước những khó khăn, mất mát trong 2 năm chống dịch Covid-19. "Ngày này năm ngoái chúng ta buộc phải thực hiện chống dịch bằng hành chính. Đã có nhiều khổ sở vất vả, hy sinh mất mát, TP.HCM là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất cả nước do đại dịch Covid-19. Tôi chia sẻ và đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM, sự chung tay của doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đã vượt qua được đại dịch, kiểm soát được tình hình nhưng phải trả một cái giá rất đắt", Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, sau đại dịch Covid-19, chúng ta đã đúc rút được công thức để chống dịch, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đó là vacxin và ý thức của người dân. "Chúc mừng TPHCM, ngay sau khi kiểm soát được tình hình, TP.HCM đã đạt được những thành tích đáng trân trọng", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Thường trực Chính phủ có kế hoạch làm việc thường xuyên với TP.HCM, ít nhất mỗi quý 1 lần để rà soát lại công việc hàng quý, từ đó xác định nguyên nhân, có cách điều chỉnh, giải quyết kịp thời.
Theo Thủ tướng, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất, khâu đôn đốc kiểm tra rà soát công việc lơ là nên hiệu quả không cao, trong khi chủ trương đường lối chính sách luôn có sẵn. "Thường trực Chính phủ sẽ duy trì lịch làm việc này thường xuyên, bận gấp mấy cũng phải làm việc thường xuyên với TP.HCM”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, TP.HCM có rất nhiều việc phải làm, do đó, các bộ ngành và TP.HCM cần tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành các đầu việc lớn, quan trọng từ nay đến cuối năm. Trong đó, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các dự án lớn tại TP.HCM đang ách tắc... Công tác giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch chung của TPHCM.
Thủ tướng mong muốn các Bộ ngành, cùng TP.HCM tập trung giải quyết một số đầu việc cụ thể của từng dự án, lên lộ trình cụ thể để giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM chủ động thực hiện hóa Nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, kinh tế - xã hội TPHCM đã phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 3,82%, so với trung bình cả nước thì thấp nhưng đây là sự cố gắng phục hồi của TP.
Các Chương trình Bình ổn thị trường triển khai hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ. Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực thị trường. Ngành du lịch có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 40,3%; dịch vụ lữ hành tăng 72,4%. "Nhìn chung, các khu vực đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ Quý 2 cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của TP đã và đang đem lại kết quả tích cực", ông Mãi cho biết.
Ông Mãi cũng nhìn nhận, dù Thành ủy, HĐND, UBND đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại, hạn chế, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 20% so với kế hoạch năm 2022; tỷ lệ giải ngân thấp chưa thực sự tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và phản hồi các phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính, quy định hành chính còn chậm và nhiều hạn chế, nhất là việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với nhóm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - quy hoạch - đất đai - xây dựng - môi trường - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài... "Đây là nguyên nhân chính dẫn đến người dân, doanh nghiệp đánh giá thấp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021 của TP.HCM", Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận.
Việc triển khai lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu; Khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp...