Sáng 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 chủ trì Phiên họp lần thứ 10 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Phong trào thi đua phải tuyệt đối không hình thức, chiếu lệ
Nhấn mạnh phong trào thi đua phải tuyệt đối không hình thức, chiếu lệ, mà phải sống động, thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng cần được thực hiện tốt hơn nữa, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát động đợt thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI...
Theo đó, Thủ tướng gợi ý nghiên cứu, phát động phong trào cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng.
Triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua phạm vi toàn quốc; quyết liệt thực hiện có hiệu quả đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" và "450 ngày đêm cao điểm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025", hoàn thành trước ngày 31/12/2025 để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Đồng thời, tập trung giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt là triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả "cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị" theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với tinh thần thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thứ hai, tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới". Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ.
Thứ ba, hoàn thiện Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, để thực sự là Đại hội biểu dương tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong toàn quốc, là kết tinh thành quả của các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2026-2030, tạo lan tỏa mạnh mẽ, khí thế, dấu ấn nổi bật của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, trọng tâm là tuyên truyền các điển hình trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những tấm gương tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.
Thứ sáu, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng, của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực cán bộ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành, địa phương.
3 kinh nghiệm quan trọng
Phân tích nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế và đồng tình với các bài học mà các báo cáo, các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh 3 kinh nghiệm quan trọng.
Một là, luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, phong trào thi đua phải gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu.
Và thứ ba, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các điển hình tiên tiến, tuyên truyền, nhân rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.