| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Xuất khẩu tươi quan trọng, chế biến sâu còn quan trọng hơn

Thứ Sáu 21/02/2020 , 07:57 (GMT+7)

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông sản muốn ra siêu thị lớn phải có vùng nguyên liệu. Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông sản muốn ra siêu thị lớn phải có vùng nguyên liệu. Ảnh: Tùng Đinh.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái nhấn mạnh và đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong những năm qua.

“Đất nước chúng ta, thế hệ của chúng tôi là thế hệ còn đói ăn, nhưng đến nay không chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân mà còn xuất khẩu tới trên 41 tỉ USD nông sản. Nhiều sản phẩm nông thủy sản chúng ta không thể ngờ được đến nay lại mạnh được như hiện nay, như sữa, ngành gỗ, thủy sản… ”, Thủ tướng nói.

Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn. Lãng phí và thất thoát lớn trong nông nghiệp vẫn còn cao do các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Cơ giới hóa còn thấp, thấp hơn cả Thái Lan…

Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các Bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến nhằm đón thời cơ mới của một đất nước nông nghiệp gió mùa có nhiều lợi thế. Bởi vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là HTX có đóng góp rất lớn trong ngành nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp". Ảnh: Tùng Đinh.

Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, cùng các Bộ ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá.

Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới. Xem đây là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có sản phẩm nông thủy sản có chất lượng, đảm bảo sức khỏe của người dân Việt Nam.

Lưu ý tỉ lệ cơ giới hóa chúng ta còn rất thấp so với các nước trong khi vực, xem đây là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp – nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất, do tỉ suất lợi nhuận của nông nghiệp rất thấp. đề nghị ngân hàng nhà nước.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục áp sâu hơn nữa khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị và chất lượng các sản phẩm nông sản. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu nhằm có chính sách giảm giá thành sản xuất nông sản, đặc biệt là chi phí về giao thông cho việc lưu thông nông sản…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định xây dựng thương hiệu là điều rất quan trọng. Bây giờ làm nhỏ lẻ không được, buôn thúng bán mẹt không được, nông sản muốn ra siêu thị lớn phải có vùng nguyên liệu. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc tích tụ đất đai. Đây là vấn đề rất lớn.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, không những là người lao động, mà người quản lý cũng rất quan trọng. Một người lo bằng kho người làm. Vấn đề liên kết 5 nhà cần tiếp tục khuyến khích, kết nối chuỗi trong phát triển.

Thủ tướng nhớ tới Tập đoàn Lộc Trời hiện có 1.200 kỹ sư, đây chính là nguồn nhân lực quan trọng.

Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian qua, vai trò chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương là rất quan trọng, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo đều "miệng nói, tay làm".

Long An: Đã giải quyết được lượng thanh long tồn kho

Theo lời ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thanh long hiện nay đã xuất đi và giải quyết được lượng tồn kho, và có thu hoạch mới. Đến nay giá thanh long đã đạt từ 15.000-30.000/kg. Long An có lợi thế về phát triển nông nghiệp trong đó có lúa 500.000 ha; thanh long 11.700 ha; chanh 10.000ha...

Lãnh đạo tỉnh cho biết, chất lượng vùng nguyên liệu tại tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu, người dân thiếu vốn và thiếu thông tin thị trường nên còn tình trạng lúc sản xuất dư thừa khiến biến động giá cả.

Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu là sản phẩm thô hoặc sơ chế nên giá đưa ra thị trường chưa cao.

Về cơ giới hóa trong sản xuất, tỉnh Long An đã thực hiện tốt trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, khâu gieo sạ, cấy, phun thuốc mới chỉ áp dụng khoảng 30%. Thiết bị phun thuốc hiện đang được ứng dụng bằng công nghệ thiết bị bay không người lái (drone).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tỉnh Long An là một trong những địa phương thời gian qua đã tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu rất tích cực. Đặc biệt vừa rồi chuyển 5 vạn ha các chủng loại cây ăn quả chính rất tốt. Hạn mặn năm nay cũng hạ xuống mức thấp nhất là nhờ chuyển đổi này.

Đây cũng là địa phương có nhiều nhà máy chế biến nông sản. Tới đây cần làm sâu sắc hơn, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Sơn La mong muốn doanh nghiệp đầu tư chế biến, cơ giới hóa được hỗ trợ

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, kiến nghị 1 số vấn đề cụ thể tại địa phương để thu hút các doanh nghiệp và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh Sơn La mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật quản lý, sử dụng tài sản công... theo hướng giao đất cho doanh nghiệp thuê để thực hiện các dự án đầu tư chế biến nông sản.

Đại diện UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Chính phủ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó giảm được chi phí vận tải và thu hút các doanh nghiệp đến với các tỉnh miền núi như Sơn La. Hỗ trợ các tỉnh chưa cân đối được ngân sách như Sơn La để đầu tư khu công nghiệp, phát triển lĩnh vực chế biến nông sản.

Bình Định đề xuất đẩy mạnh thực hiện giải pháp tích tụ, tập trung ruộng đất

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nêu vấn đề còn tồn tại ở tỉnh, đó là đất sản xuất còn manh mún, chưa cơ giới hóa toàn bộ.

Như các doanh nghiệp lớn đã nói, vấn đề về cơ chế cho vay, họ khó có thể vào những khu vực như Bình Định. Tôi đề nghị chính phủ có cơ chế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã mạnh mẽ vào cuộc. Doanh nghiệp lớn vào cuộc trong khâu chế biến, là ước mơ của Bình Định.

Bình Định cũng đề xuất đẩy mạnh thực hiện giải pháp tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện xây dựng cánh đồng lớn nhằm góp phần đưa máy móc nông nghiệp hiện đại vào phục vụ sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho một số loại cây trồng.

Thương hiệu gạo Việt Nam chưa xứng tầm

Có mặt tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời phát biểu, cho dù có đau lòng, chúng ta vẫn phải nói thương hiệu gạo Việt Nam chưa xứng tầm.

Có nhiều nguyên nhân, song tôi cho rằng cái cần phải nói ở đây là có những doanh nghiệp rất muốn liên kết với nông dân, có quy trình khoa học chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc, có gạo ngon, song lại rất khó đưa vào các kênh phân phối truyền thống. Hai kênh đó là hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể. Nhưng đưa vào đây bị đội giá lên đến 5%.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng doanh nghiệp rất khó đưa lúa gạo vào các kênh phân phối truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng doanh nghiệp rất khó đưa lúa gạo vào các kênh phân phối truyền thống. Ảnh: Tùng Đinh.

Bởi hai đối tượng này chưa được đưa vào danh sách kê khai thuế. Tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ, Tổng cục Thuế đưa hai đối tượng này vào Nghị định 91. Làm được điều này, số đông người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với gạo ngon mà nông dân đang sản xuất. Đây chính là con đường ngắn nhất để xây dựng thương hiệu. Xin cam kết với Thủ tướng, làm được điều này, Lộc Trời sẽ đạt mức 1 triệu tấn/năm.

Lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 6.000 tỉ đồng/năm nhờ cơ giới hóa

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Những năm qua, đầu tư, huy động nguồn lực xã hội vào ngành sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta đã có bước tăng trưởng tốt. Tổn thất trong chế biến và sau thu hoạch đối với nhiều mặt hàng nông sản đã giảm rõ rệt.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, đánh giá doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, đánh giá doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Ví dụ trước đây, tổn thất trong chế biến rau quả chiếm tới 20%, thì nay đã giảm xuống một nửa; hiện mỗi năm chúng ta đã giảm được tổn thất sau thu hoạch ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng/năm chỉ tính riêng ngành lúa gạo…

Cơ giới hóa cũng đã góp phần chuyển dịch lực lượng lao động ở nông thôn, thu hút lao động, nhất là lao động trẻ trở về với nông thôn, nông nghiệp.

Mặc dù vậy, ngành cơ khí chế tạo phụ trợ phục vụ cho chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp vẫn còn rất yếu. Các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp gần như không mặn mà với việc đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến của ngành nông nghiệp, do đó hầu hết các trang thiết bị ngành nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu…

Việc tiếp cận với các thiết bị cơ giới hóa, thiết bị và dây chuyền chế biến nông sản của nông dân lẫn doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ có khoảng 11 nghìn tỉ đồng vốn vay giải ngân cho vay phục vụ cho nông dân mua máy nông nghiệp là chưa tương xứng với yêu cầu của nông dân.

Cơ giới hóa giúp lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơ giới hóa giúp lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn vốn là động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp lại chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị. Nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho cơ giới hóa chồng chéo với các chính sách khác, chậm và khó triển khai…

Ông Hòa kiến nghị tới đây, Chính phủ cần có một nghị định riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến có liên kết với nông dân trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ cho cơ giới hóa cũng như thiết bị chế biến, được hưởng lãi suất vốn vay ưu đãi, thậm chí bằng 0%. Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cũng cần được hỗ trợ với nhiều chính sách cả về vốn va, đất đai, đầu tư, đào tạo…

Công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores), tự hào, chúng ta đã cán mốc xuất khẩu 11,2 tỷ USD, con số không chỉ ấn tượng trong nước mà còn với cả quốc tế.

Những năm 70 của thế kỷ trước, gần 40 nước châu Phi đã đặt giấc mơ xuất khẩu gỗ, nhưng cho đến nay, 50 năm trôi qua, họ phải cay đắng chấp nhận sự thật là chưa bằng Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores), khiêm tốn cho rằng công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam (Vifores), khiêm tốn cho rằng công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng. Ảnh: Tùng Đinh.

Năm ngoái, năm kia, chúng ta xuất khẩu gần 3 triệu tấn viên nén sinh khối, tận dụng mùn cưa, cành cây thải loại. Nói vậy để thấy rằng nếu không có công nghệ chế biến, thì giấc mơ xóa nghèo không thể làm được.

Hôm nay, chúng tôi có thể khiêm tốn nói rằng công nghiệp gỗ đã thành con gà đẻ trứng vàng. Từ chỗ làm thuê cho nước ngoài, chế biến thô, chúng ta đã đi đến mức làm hàng công nghệ cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm những lô hàng giá trị hàng chục triệu USD cho khách hàng Mỹ, Trung Đông. Như vậy, chúng ta đã xuất khẩu cả không gian kiến trúc từ gỗ.

Tôi nhớ những năm 90, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ tròn, đóng cửa rừng tự nhiên, chỉ xuất khẩu thành phẩm gỗ. Chúng ta đã hoàn toàn bác bỏ việc tiếp tay cho khai thác lậu gỗ. Chúng tôi sẵn sàng trao thưởng lớn cho ai phát hiện ra doanh nghiệp tiếp tay cho lâm tặc khai thác rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, con đường mà doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thênh thang. Kiến nghị của chúng tôi tập trung vào mục tiêu chinh phục con số xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Làm sao để Việt Nam trở thành trung tâm nội thất đồ gỗ của thế giới vào năm 2025.

Đầu tiên là nguyên liệu đầu vào, bà con nông dân nhiều khi chặt cây khi mới trồng được 4-5 năm, khác gì gặt lúa non. Giải quyết vấn đề này cần có cơ chế về tích tụ đất đai, phải có hội nghị riêng về vấn đề này. Chúng ta cũng cần có khu công nghiệp chế biến tập trung.

Việt Nam đã cán mốc xuất khẩu gỗ 11,2 tỷ USD. Ảnh: Lê Bền.

Việt Nam đã cán mốc xuất khẩu gỗ 11,2 tỷ USD. Ảnh: Lê Bền.

Hiện nay nguyên liệu, nhân công giá rẻ tập trung ở miền Bắc, miền Trung, còn công nghệ chế biến lại ở miền Nam. Nếu mức thuê đất là 40-50 USD/m2 thì doanh nghiệp trong nam sẽ không thể ra bắc. Chúng tôi kiến nghị chính phủ có cơ chế hợp lý, thả con săn sắt bắt con cá rô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Các hội chợ đồ gỗ nay đều dịch chuyển từ Malaysia, Singapore về Việt Nam, hiện chúng ta chỉ còn thua Trung Quốc. Chúng tôi kiến nghị có những trung tâm hội chợ đồ gỗ để tiếp thị với quy mô quốc gia.

Đề nghị chính phủ dành kinh phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển nhân lực, công nghệ. Ngoài ra, chúng ta đang bỏ rất nhiều trứng vào giỏ Mỹ, xuất khẩu sang đó đến 40%.

Chúng ta cũng là nước đứng thứ hai trên thế giới về nhập nguyên liệu từ Mỹ. Tiêu thụ gỗ Mỹ ở Việt Nam đang rất mạnh, hiện là 300 triệu USD/năm, dự kiến sắp tới là 50%.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu gỗ từ Mỹ sang Trung Quốc đang rất khó khăn, đây có thể là cơ hội cho chúng ta.

Ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” trong vấn đề liên kết

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP chia sẻ, 20 năm trước, thủy sản đã đi trước để xâm nhập thị trường EU từ 1995-1999.

Năm 1999, Việt Nam được vào danh sách xuất khẩu vào châu Âu với 19 doanh nghiệp đầu tiên, từ đó kéo theo đầu tư cho công nghệ, thiết bị để đảm bảo yêu cầu của thị trường. Lĩnh vực chế biến là trung tâm để kéo cả chuỗi sản xuất. Đến nay, có 559 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, lớn gấp 30 lần so với cách đây 20 năm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP, ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP, ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nam chỉ ra những nút thắt mà hiện nay ngành thủy sản đang gặp phải và cần được tháo gỡ:

Nguyên liệu phục vụ việc chế biến còn thiếu. Bên cạnh đó, giá thành nguyên liệu của Việt Nam còn cao hơn so với 1 số nước sản xuất cạnh tranh với nước ta như Ấn Độ, Thái Lan từ 10 đến 20%.

Tiếp đó là việc thiếu lao động phổ thông đến lao động lớn. Với việc đầu tư những công nghệ mới thì trong ngành thủy sản đã có doanh nghiệp đầu tư những thiết bị rất hiện đại để giảm giá thành xuống còn 30-40% để nội địa hóa. Nhưng có công nghệ hóa hay cơ giới hóa thì lao động vẫn là yếu tố rất cần thiết.

Quy mô sản xuất lớn còn hạn chế.

Về vấn đề liên kết, ông Nam chỉ ra ngành thủy sản còn thiếu một “nhạc trưởng” để chỉ huy và đây là 1 nút thắt cần quan tâm hơn.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cuối cùng là tín dụng trong ngành nông nghiệp còn hạn chế, và còn đánh giá là có rủi ro cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cần chính sách tích tụ đất đai để tạo ra sản xuất lớn. Bên cạnh đó, ngành cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo ngân hàng nhà nước xem xét và đánh giá lại để có chính sách “cởi mở” hơn với lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội rà soát để tháo gỡ cho ngành thủy sản ở quyết định tạm thời số 190 cho công việc chế biến thủy hải sản nặng nhọc độc hại khiến ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá an sinh, không tận dụng được nguồn lao động hữu ích ở các địa phương hiện nay. Ngoài ra, chính phủ cần xem xét và có những chính sách cứng rắn với những dự án nông nghiệp không có hiệu quả.

Điểm yếu nhất trong nền nông nghiệp chúng ta là về giống

Tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) thẳng thắn đánh giá, điểm yếu nhất trong nông nghiệp chúng ta là về giống. Chúng tôi đề nghị An Giang, Đồng Tháp hỗ trợ về phát triển giống cá tra, công nghệ nuôi, chế biến. Chúng ta còn không gian rất lớn về công nghệ nuôi vì còn tài nguyên đất rất lớn.

Ví dụ như ở Kon Tum, có thể nuôi cá tra 3 giai đoạn.Ngoài ra, chúng ta cũng cần sự đào tạo về nhân lực. Về lâu dài, mong chính phủ quan tâm các chương trình giáo dục để có nhân lực tiếp nhận công nghệ sinh học. Chúng ta không cần quá phụ thuộc vào tự nhiên, mà có thể sửa đổi để con giống tốt hơn.

Cá tra giống chuẩn bị thả nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Cá tra giống chuẩn bị thả nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Bà Khanh phát biểu, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới ngành cá tra, nhưng ngành hàng này chủ yếu là hàng đông lạnh nên không bị ảnh hưởng nhiều như trái cây.

Chúng tôi chỉ đề nghị Chính phủ có cơ chế gia hạn nợ ngân hàng cho doanh nghiệp, để chúng ta có dự trữ trong những thời điểm quan trọng.

Ở thị trường Trung Quốc, sắp tới khi đại dịch Covid-19 qua đi, dự kiến sức tiêu thụ ở siêu thị, chợ online sẽ mạnh trở lại.

Ở Mỹ, hiện lượng hàng tồn cũng đã hết, nên sức mua cũng sẽ quay lại. Nhiều năm qua, Hiệp hội cá tra cũng đã xin Bộ Nông nghiệp cho khôi phục Quỹ phát triển thị trường.

Thời đại này, chúng ta cần hệ thống truy xuất để người tiêu dùng tra cứu thông tin. Quỹ này sẽ giúp chúng ta khôi phục thị trường châu Âu, đây là xương sườn của ngành thực phẩm chế biến. Rất mong Thủ tướng cho cơ chế đặc thù.

Trong vấn đề số hóa, chúng ta có thể ứng dụng trong quản lý môi trường, quản lý nuôi. Số hóa được dữ liệu sản lượng, quy hoạch vùng nào nên làm gì, sản lượng cân đối giữa cung với cầu. Nếu cung tăng lên, thì cần có kế hoạch kích cầu từ vài năm trước. Còn nếu tình trạng năm được mùa, năm mất mùa thì sẽ rất mệt mỏi.

Vùng nào nên nuôi cá tra, vùng nào nên trồng cây, thì cần có quy hoạch để khuếch trương thương hiệu. Số hóa cũng giúp chính phủ quy hoạch cụ thể, bản thân doanh nghiệp cũng nắm được thông tin định hướng.

Số hóa sẽ giúp người nông dân không đối phó, ngày càng văn minh hơn. Các tổ chức quốc tế đến kiểm tra điều kiện chất lượng sản phẩm cũng dựa theo thông tư, quy định của nước sở tại, nên chúng ta cần có lộ trình hợp lý, khả thi. Các quy chuẩn chất lượng, lao động cũng cần gần gũi hơn.

Đồng Tháp là cái nôi của nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long. Vấn đề Logicstic, cần tối ưu. Ví dụ đi từ Đồng Tháp về TP.HCM mất rất nhiều thời gian, mất ít nhất 3 tiếng.

Dù thế nào vẫn cần vùng nguyên liệu

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) góp ý tại hội nghị. 

Theo đó, trong lĩnh vực rau quả, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam mang lại thuận lợi cho rau quả tươi và rau quả chế biến. Rau quả tươi hiện đã thực hiện được 6/8 mặt hàng.

Về rau quả chế biến, chúng ta đang cạnh tranh mạnh với châu Mỹ. Hiện chúng tôi đã đầu tư ở Ninh Bình, Bắc Giang, khánh thành một nhà máy ở Gia Lai. Vừa rồi có ảnh hưởng của Covid-19, song không gây biến động mạnh về giá cả. Chúng ta vẫn xuất khẩu 40% với giá cao sang Mỹ, EU.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vùng nguyên liệu của DOVECO ở Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: chinhphu.vn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vùng nguyên liệu của DOVECO ở Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: chinhphu.vn.

Chúng tôi vẫn xuất chanh leo sang Brazil. Vùng nguyên liệu quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà máy chế biến. Chúng ta có vùng tập trung và phi tập trung. Tập trung là liên kết với hợp tác xã, với nông dân. Doanh nghiệp rất khó có được những mảnh đất hàng chục nghìn ha. Do đó phải liên kết, cụ thể ở Thanh Hóa có hàng chục ha. Còn về vùng nguyên liệu tập trung, chúng tôi liên kết với các lâm trường.

Cần xác định đối thủ, tạo thế cạnh tranh riêng. Ví dụ như chanh leo, ở Lâm Đồng, ở Sơn La, chúng ta có độ cao địa hình, mạnh hơn Trung Quốc, hơn Peru, Ecuador. Xoài thì cần cạnh tranh với Ấn Độ, nhưng chúng ta có xoài Cát Chu rất mạnh. Chúng ta cần đi song song giữa xuất khẩu tươi và chế biến.

Nhà máy sản xuất cần ít từ 400-2.000 tỷ đồng, nhưng dù thế nào vẫn cần vùng nguyên liệu. Tôi lấy ví dụ Bắc Giang, sau 2 tháng thu hoạch vải thì làm gì. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo các tỉnh cho liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Năm nay chúng tôi sẽ khởi công thêm một nhà máy chế biến ở Sơn La, sau đó là Tiền Giang. Doanh nghiệp chúng ta còn non so với thế giới, do đó cần đoàn kết.

Thủ tướng thăm nhà máy chế biến nông sản của DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: Lê Bền.

Thủ tướng thăm nhà máy chế biến nông sản của DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: Lê Bền.

Về cơ giới hóa, đây là thứ gắn liền với sản xuất, chế biến nông sản. Như Thủ tướng đã nói, phải cơ giới từ sản xuất giống, phải hiện đại.

Về làm đất, chúng tôi thấy máy móc đã tương đối, nhất là máy từ Nhật về gặt đập liên hợp. Chuyện nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản, chúng ta nên giao cho các Trường học, các Viện. Còn nghiên cứu ứng dụng, nên giao cho doanh nghiệp như VinFast, như Trường Hải.

Sau đó, chúng tôi đến đặt hàng máy móc từ VinFast, từ Trường Hải. Chúng ta mua máy của Đức, của Mỹ, rồi khi hỏng lại phải gửi sang sửa hoặc mời họ sang, rất lâu, rất tốn kém.

Đồng tình với những kiến nghị của ông Đinh Cao Khuê, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến, nhất là định hướng mục tiêu xây dựng 15 nghìn HTX trên cả nước.

Ông Đinh Cao Khuê cho rằng cơ giới hóa là điều gắn liền với sản xuất, chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đinh Cao Khuê cho rằng cơ giới hóa là điều gắn liền với sản xuất, chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường cũng đề nghị Bộ KH-CN, Bộ Công thương và các doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo của nước ta giai đoạn tới quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các thiết bị cơ giới hóa phụ trợ, phục vụ cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Bởi hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.

Đối với việc đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến rau quả của DOVECO trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị 2 tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang cần quan tâm, sớm ủng hộ và có kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến rau quả trong thời gian tới, đồng thời tỉnh Sơn La sẵn sàng cho việc khởi công, xây dựng mới thêm một nhà máy chế biến rau quả trong năm 2020.

Nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, hoàn toàn đồng tình với bài phát biểu của Bộ trưởng và định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo bà, nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Nói về công nghệ không là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại bò sữa của TH True Milk. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại bò sữa của TH True Milk. Ảnh: Tùng Đinh.

Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả 1 con đường dài và còn nhiều việc phải làm.

Bà Thái Hương mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân. Vừa qua, Thủ tướng và các Bộ ban ngành cũng đang rất coi trọng vấn đề này. Khi chúng tôi định vị sản phẩm thì lợi nhuận vẫn là sau cùng, hài hòa lợi ích.

Bà Thái Hương mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Thái Hương mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân. Ảnh: Tùng Đinh.

Bây giờ khích lệ cụ thể phải vào sản phẩm, khi đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thông lệ quốc tế thì chất lượng sản phẩm sẽ đi theo con đường phát triển bền vững.

Ngành nông nghiệp còn bị vô cơ hóa quá nặng

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải góp ý tại hội nghị. Theo đó, trong thời gian qua, nông nghiệp đã phát triển tốt nhưng đã đến lúc cần xem xét để cơ cấu lại mà chủ yếu là thị trường hội nhập kinh tế thế giới.

Nông nghiệp phải theo 2 hướng: quy mô lớn và ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường chiếm tỷ lệ nhất định.

Thứ 2 là khi tổ chức sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông. Phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao. Quá trình làm hữu cơ phải xuất phát từ giống, theo yêu cầu của thị trường.

Theo ông Trần Bá Dương, khi làm nông nghiệp quy mô lớn thì bắt buộc phải cơ giới hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Trần Bá Dương, khi làm nông nghiệp quy mô lớn thì bắt buộc phải cơ giới hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện, ngành nông nghiệp còn bị vô cơ hóa quá nặng, dẫn tới đời sống sinh học cùa sản phẩm nông nghiệp thấp. Phải làm đồng bộ cả chăn nuôi, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ và biện pháp bảo quản hữu cơ.

Ví dụ: dưa hấu phải chở xe nóng và bảo quản được 10 ngày; thanh long bảo quản được khoảng 24 ngày. Nếu như có biện pháp bảo quản tốt thì thời gian bảo quản của các loại hoa quả sẽ được dài hơn.

Về chuỗi giá trị hữu cơ thì cần phải xuyên suốt từ giống, chăm sóc, bảo quản và chứng nhận với khách hàng để tạo ra chuỗi giá trị.

Trong cơ giới hóa thì mỗi vùng yêu cầu về công năng của thiết bị khác nhau ứng với từng loại cây sẽ đòi hỏi chuyên môn về cơ giới hóa chuyên sâu. Khi làm quy mô lớn thì bắt buộc phải cơ giới hóa, từ đó giá thành sẽ rẻ. Nhưng vấn đề là sẽ tiêu thụ ở thị trường nào?

Trong thời gian qua, 1 số tổ chức “giải cứu” và có những thông tin thái quá khiến người nông dân chạnh lòng. Nếu làm kinh doanh mà cứ chờ giải cứu thì không phải là làm kinh doanh. Người nông dân cần tham gia nền sản xuất kinh tế thị trường để có hướng sản xuất phù hợp hơn.

Tập trung vào thị trường nội địa, thể hiện trách nhiệm với nông dân, người tiêu dùng

Định hướng những nội dung cần tập trung thảo luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, có những địa phương đã bước đầu làm tốt về cơ giới hóa, chế biến được đẩy mạnh; một số Công ty, tập đoàn về nông nghiệp đã có cách làm tốt như Đồng Giao, Lộc Trời, Dabaco, TH True Milk, Nafood Group, Richy, Máy động lực…

Tuy nhiên có những địa phương, doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong việc ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ chế biến còn yếu, lạc hậu. Tình trạng sản xuất thủ công vẫn còn phổ biến trong ngành nông nghiệp Việt Nam, dẫn tới năng suất lao động còn rất thấp trong ngành nông nghiệp nước ta…

Vì vậy, cần tập trung bàn bạc về những chính sách cần tập trung, những khó khăn vướng mắc, kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh công nghiệp chế biến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp, địa phương trong ngành nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu không chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, mà còn phải chú trọng hơn nữa vào thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Bởi đây còn là thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với nông dân, với người tiêu dùng trong nước. Đây là khâu mà thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến chưa thật sự quan tâm chú trọng.

Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HA/ha).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần; 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường.

Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy móc nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.

Theo Bộ Công thương, những điều kiện của Việt Nam như dân số lên tới 95 triệu người và một nền kinh tế tăng trưởng nhanh khiến quy mô thị trường nội địa của Việt Nam trở nên rất đáng kể.

60% dân số ở độ tuổi dưới 30 và thế hệ những người trẻ được kỳ vọng sẽ tạo nên 1 nền tảng tiêu dùng quan trọng trong vòng 10 năm tới.

Cơ giới hóa trong thu hoạch khoai tây. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơ giới hóa trong thu hoạch khoai tây. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân Việt Nam chi trả 1 phần đáng kể thu nhập của họ cho lương thực thực phẩm và đang có xu hướng mua các thực phẩm ăn sẵn và các sản phẩm thực phẩm cao cấp nhiều hơn do sự gia tăng thu nhập của các hộ gia đình sống ở thành phố và chế độ làm việc 5 ngày trong tuần.

Do đó, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, chế biến nông lâm thủy sản cũng như áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp để nâng cao giá trị chế biến là rất lớn.

Cơ giới hóa góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. 

Chỉ có đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp theo hướng chuyên sâu cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế canh tranh cao mới đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn và yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam cần áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam cần áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài ra, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp sẽ đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Công nghiệp chế biến thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung cấp sang xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị, 10 năm trở lại đây, công nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, áp dụng trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Công nghiệp chế biến nông sản làm nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu. Ví dụ như chế biến hạt điều, cafe, tôm, cá tra, sữa... Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua (năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông sản Việt Nam đã xuất sang hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Các nhà máy chế biến đã giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. 

Với hai ngành hàng quan trọng là lúa gạo, cà phê, trình độ công nghệ chế biến của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến trên thế giới.

Còn với điều, công nghệ sơ chế của chúng ta được đánh giá cao trên thế giới.

Cả nước có khoảng 4.500 cơ sở chế biến gỗ, tập trung 80% ở các tỉnh Miền Nam, mỗi năm tiêu thụ trên 40 triệu m3 gỗ. Số doanh nghiệp chế biến có quy mô vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên chiếm gần 30% chủ yếu sản xuất xuất khẩu.

Sản lượng thủy sản (một trong những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam) chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm; tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn. Có 636 cơ cơ sở chế biến công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản của chúng ta không phải là không có yếu kém.

Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng. Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm; tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%).

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản; trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp.

-------------------------------------

Mục đích của hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Đặc biệt, Hội nghị kỳ vọng thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.