Để tránh tình trạng ngập úng, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ những ngày qua, hàng trăm hộ trồng sắn trên địa bàn huyện Phong Điền và các địa phương ở Thừa Thiên- Huế đã ồ ạt xuống đồng thu hoạch sắn để “bán tháo” nhằm tránh thiệt hại.
Xe chở sắn “giăng” kín trước cổng nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế để chờ nhập nguyên liệu |
Ông Trịnh Văn Giả (trú Phong Hiền, huyện Phong Điền) cho biết, gia đình ông trồng 2 ha sắn, từ sau ngày mưa lớn đến nay ông đã thu hoạch được gần 1ha với khoảng 4 tấn củ sắn bán với giá 1.300 đồng/kg.
Theo những người trồng sắn ở huyện Phong Điền, thì tháng 9 sắn mới đến vụ thu hoạch, nhưng do năm nay ảnh hưởng mưa lũ, nhiều hộ dân hối hả thu hoạch sắn chạy lũ; do đó chất lượng sắn cũng ít đảm bảo. Cũng theo những người này, nếu không kịp thời thu hoạch sớm số diện tích bị ngập nước thì sắn thối củ và coi như mất trắng. Do do việc thu hoạch tập trung với số lượng lớn nên tại nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế (Km 802 Quốc lộ 1A, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã xảy ra tình trạng quá tải.
Tình trạng “tắc nghẽn” ở đây đã diễn ra nhiều ngày nay |
Có mặt tại nhà máy, một thương lái tên L. ở huyện Phong Điền cho biết, anh mua được 5 xe sắn tươi khoảng 30 tấn, đã ngồi đợi trước cổng nhà máy gần 2 ngày nhưng mới nhập được 3 xe, anh đang tiếp tục ngồi chờ để được nhập 2 xe sắn còn lại.
Theo ghi nhận, trước cổng nhà máy Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế hàng trăm chiếc xe tải sắn đủ kích cỡ xếp hàng “giăng kín” con đường gần 1km. Cùng đó, nhiều chiếc xe khác cũng đang nằm “vất vưởng” trước các hàng quán, nhà dân gần đó đợi để đợi nhập nguyên liệu. Nhiều người đã tỏ vẻ xót suột khi sắn phải “phơi sương” nhiều ngày, sản lượng bị giảm.
Người dân đứng ngồi không yên vì chưa nhập được sắn. |
Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, vụ sắn năm nay toàn huyện Phong Điền trồng được hơn 1.000 ha, chủ yếu là giống sắn KM94; sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 30 nghìn tấn/năm; cho đến nay đã thu hoạch được 500 ha và chủ yếu là diện tích sắn chạy lũ.
Cũng theo ông Hùng, lãnh đạo huyện Phong Điền đã làm việc với nhà máy tinh bột sắn Fococev trên địa bàn huyện và đã thống nhất thu nhập hết số lượng sắn thu hoạch cho bà con. Cùng đó, cán bộ địa phương cũng đã xuống đồng vận động bà con thu hoạch sắn theo đúng tiến độ nhằm tránh tình trạng ứ đọng, bị tư thương ép giá...
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên- Huế cho biết, để tránh tình trạng ngập úng do ảnh hưởng mưa lớn những ngày vừa qua, cùng với tâm lý lo sợ thua lỗ, nhiều hộ dân trên địa bàn Phong Điền và các địa phương khác đã ồ ạt nhổ sắn, thu hoạch đại trà để bán cho nhà máy dẫn đến tình trạng ùn ứ tại nhà máy.
Xe chất đầy củ sắn phải "phơi sương" nhiều ngày. |
“Để giải quyết tình ứ đọng, nhà máy đã chủ động tăng cường thu mua, tăng 3 ca sản xuất. Trong 4 ngày vừa qua đã thu mua của người dân 2.400 tấn sắn. Công suất nhà máy bình thường chỉ đạt 500 tấn/ngày, hiện tại nhà máy đang nâng công suất thu mua thu mua lên 800 -1.000 tấn/ngày, nên dự kiến trong 3 ngày tới sẽ giải quyết hết số sắn tồn đồng còn lại của người dân trên ruộng cho người dân. Với kho nguyên liệu diện tích 4.000 m2 nên nhà máy đang trong tình trạng quá tải” ông Đăng cho hay.
Cùng với việc phối hợp Nhà máy tinh bột sắn Fococev tăng cường thu mua nguyên liệu cho người nông dân tránh tình trạng ùn ứ lâu ngày. Chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã khuyến cáo người dân bình tĩnh, không khai thác sắn còn non vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bột, dẫn đến giá bán thấp; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động phương án thu hoạch và có phương án, lịch trình thu hoạch cụ thể.