| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên Huế: 27 người chết, 15 người mất tích

Thứ Hai 19/10/2020 , 18:58 (GMT+7)

Thống kê mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đợt mưa lũ vừa qua đã làm 27 người chết, 15 người mất tích, hơn 85 ngàn ngôi nhà bị ngập.

Chị Trần Thị Dung, xóm mới An Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền ngậm ngùi cho hay, lũ lụt hơn nửa tháng qua, nhà chị liên tục ngập sâu, vợ chồng phải thường xuyên ôm con đi ở nhà người thân.

Nhiều vùng ở Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Thành.

Nhiều vùng ở Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn bị ngập sâu. Ảnh: Tiến Thành.

“Cả tháng nay, gia đình tôi toàn phải chạy lũ, không làm lụng được việc gì kiếm ra tiền. May đợt ni có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ cho mấy bao gạo, mì tôm nên có đỡ hơn”, chị Dung cho biết.

Theo thống kê của ông Hoàng Văn Sáu, Trưởng thôn Triều Sơn Đông, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, toàn thôn có 600 hộ bị mưa lũ nhấn chìm, đến nay nước vẫn còn cao. Nhiều trâu bò, gà vịt của dân đã bị nước lũ cuốn trôi. 

Mưa lũ đã khiến hàng trăm lồng cá nuôi của người dân bị trôi và chết. Ảnh: Tiến Thành.

Mưa lũ đã khiến hàng trăm lồng cá nuôi của người dân bị trôi và chết. Ảnh: Tiến Thành.

Xã Hương Vinh có khoảng 6.000 ngôi nhà thì có đến 95% bị ngập trong nước lũ. Hiện nay nhiều nơi ở địa phương nước vẫn còn ngập sâu, nhiều tuyến đường đang bị chia cắt, đi lại của người dân chủ yếu là bằng ghe, thuyền.

Mưa lũ những ngày qua, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã bị ngập 7.403 ngôi nhà. Địa phương này đã xuất hơn 6 tấn gạo, hơn 1.200 thùng mì tôm để cấp phát cứu trợ cho người dân cùng với nhiều thuốc men, thuốc khử trùng. 

Thống kê từ UBND thị xã Hương Trà, đến nay vẫn còn khoảng 6.500 ngôi nhà ở địa phương này bị ngập gần 0,4m. Gần 120 ha rau màu các loại bị ngập, 22.400 gia cầm bị chết, trôi do lũ lụt. Hơn 1.800 lồng cá đang nuôi trên sông ảnh hưởng và chết do ngọt hóa; nhiều tuyến Quốc lộ 49, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hại nặng.

Thống kê mới nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đợt mưa lũ vừa qua đã làm 27 người chết, 15 người mất tích, hơn 85 ngàn ngôi nhà bị ngập. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, những ngày tới, mưa lũ ở Thừa Thiên Huế vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét được báo động ở mức cao. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục theo dõi và cập nhật diễn biến mới của thời tiết, triển khai hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

  • Tags:
Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Khánh Hòa điều tiết nhiều hồ chứa để đón lũ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phát đi thông báo về việc điều tiết nước 3 hồ chứa và điều chỉnh lưu lượng điều tiết 2 hồ chứa.