Ngày 20/10 ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị đang triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt dưạ vào cộng đồng.
Theo đó, với mục đích cải thiện công tác dự báo và cảnh báo ngập lụt, vận hành tốt hơn các hồ chứa để giảm các nguy cơ ngập lụt trong tương lai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ triển khai thu thập số liệu ngập lụt trong thời gian vừa qua trên toàn tỉnh để cùng các chuyên gia xây dựng bản đồ ngập lụt dựa vào cộng đồng.
Qua đó, góp phần giúp chính quyền địa phương có phương án ứng phó hợp lý khi mưa lũ xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và của cho người dân, nhất là đối với các vùng thấp, trũng, có nguy cơ ngập lụt cao.
Người dân có thể tham gia bằng cung cấp thông tin mực nước đỉnh lụt trong đợt lụt ngày 14-17/10 vừa qua. Toàn bộ thông tin được cung cấp từ người dân chỉ nhằm mục đích xây dựng bản đồ thiên tai mà không dùng vào bất cứ mục đích nào khác.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng lưu ý, khi đo mức nước, người dân lấy nền đường ở trước nhà làm mốc đo mức lụt (lụt cao bao nhiêu mét so với nền đường, chẳng hạn 0,5m, 0,7m, 1.2m,...).
Trong đợt mưa lũ từ ngày 14 -17/10 vừa qua, đỉnh điểm toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ước tính có khoảng 19.918 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.
Bên cạnh một số tuyến quốc lộ như Đường HCM, QL1, QL49… bị sạt lở, ngập úng tại vài điểm thì hầu hết các tuyến đường tỉnh đều bị ngập sâu. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập.
Riêng tại thành phố Huế, hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập úng, giao thông đi lại khó khăn. Khu đô thị An Vân Dương, nơi đóng trụ sở của nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng bị ngập úng trong thời gian dài.