| Hotline: 0983.970.780

Thực hư tin đồn thu mua đỉa ở Nghệ An

Thứ Sáu 07/07/2017 , 09:25 (GMT+7)

Thời gian gần đây, có thông tin một số cá nhân về Nghệ An thu mua đỉa. Cơ quan chức năng cho biết, không thể cấm việc thu mua đỉa. 

Tuy nhiên không ai hiểu mục đích của việc thu mua đỉa, người dân hoang mang cho rằng, đỉa được thu gom bán sang Trung Quốc…

15-57-00_mot_tui_di_duoc_ong_trung_thu_gom_truoc_khi_bn_cho_du_nu
Một túi đỉa được anh Trung thu gom trước khi bán cho đầu nậu

Trong vai người đi thu mua đỉa, chúng tôi tìm về huyện Quế Phong, nơi xuất hiện việc thu mua đỉa rầm rộ nhất Nghệ An. Đến xã Thông Thụ, cách trung tâm huyện Quế Phong chừng 40 km, hỏi về đầu nậu thu mua đỉa không ai không biết một người đàn ông tên Trung tại bản Hiệp An.

Đó là người đàn ông trạc 35 tuổi. Gặp chúng tôi tại nhà, anh Trung có vẻ dè dặt khi nói về mặt hàng đặc biệt này. Theo Trung, việc thu mua đỉa đã diễn ra từ 3-4 năm nay, anh cũng chỉ là người thu gom trước khi đem nhập cho một đầu nậu khác. Trước đây, việc thu mua đỉa rất dễ nhưng thời gian gần đây, lượng đỉa trên các cánh đồng đã không còn nhiều.

Đưa cho chúng tôi xem một túi đỉa chừng 500g, lúc nhúc trong túi lưới, anh Trung cho biết: “Trước đây, mỗi ngày có thể thu mua được vài kg đỉa nhưng nay thì nhiều lắm chỉ được 1kg/ngày. Vì thế, phải vài ba hôm mới có người đến nhà tôi thu gom. Sau khi mua, tôi phải làm sạch nhớt bám trên mình đỉa; con nào bụng to thì phải ép cho nó nhỏ bụng lại họ mới thu mua. Tôi mua của dân 400-450 nghìn đồng/kg và bán lại 480 nghìn đồng/kg; cũng không biết họ thu mua vì mục đích gì”.

Hỏi ai là đầu nậu ở vùng này, ngập ngừng một lát, anh Trung nói: “Anh cứ ra ngã ba Phúc Phương (thuộc xã Tiền Phong), hỏi anh Hùng, người Hà Tĩnh, chuyên thu mua đỉa thì ai cũng biết”.

Chúng tôi xin số điện thoại và để lại số điện thoại cho anh Trung. Sau đó chừng nửa ngày, một người đàn ông xưng là Hà, em của anh Trung gọi điện cho chúng tôi. Tôi nhận ra, đây chính là đầu nậu thu mua đỉa lớn trên địa bàn huyện Quế Phong mà lâu nay dư luận đồn thổi.

Lúc đầu, nghĩ chúng tôi là lái buôn, người đàn ông kia có vẻ bức xúc vì sợ tranh mất mối hàng. Tuy nhiên, khi hiểu vấn đề và đồng ý với đề nghị gặp mặt để tìm hiểu, anh ta hẹn gặp chúng tôi vào ngày hôm sau. Qua điện thoại, người xưng tên Hà cho biết, không chỉ ở huyện Quế Phong mà việc thu mua đỉa của anh còn diễn ra tại một số huyện miền núi khác như Quỳ Châu, Tân Kỳ. Nhưng gặp chúng tôi lại là một người phụ nữ, tên là Nguyễn Thị Bàn, trạc ngoài 40 tuổi, người gốc Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

Bà Bàn cho hay, bà cùng người em trai tên Hùng làm nghề thu gom đỉa đã 3-4 năm nay. Ngoài đỉa, bà Bàn còn thu mua một số mặt hàng lâm sản khác không nằm trong danh mục hàng quốc cấm. Theo bà Bàn, đúng là toàn bộ số đỉa thu mua được sẽ được chuyển ra Móng Cái (Quảng Ninh) trước khi được đưa sang Trung Quốc, bán với giá 600 nghìn đồng/kg.

“Tôi đã sang tận Trung Quốc và chứng kiến việc sơ chế đỉa. Tại các điểm sơ chế, đỉa được sấy khô. Nghe nói, sau đó, đỉa sẽ được chế biến và trở thành một sản phẩm phục vụ ngành y trong việc nối khớp, gân xương chứ không phải sử dụng để sản xuất mì tôm hay bim bim sau đó xuất sang Việt Nam như dư luận lâu nay đồn thổi (?)”.

Đem câu chuyện này trao đổi với ông Võ Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, được biết, tình trạng thu mua đỉa đã diễn ra từ 3-4 năm trước, năm nay, tình trạng này lại tiếp diễn. Theo ông Toàn, việc thu mua đỉa diễn ra trên địa bàn nhưng hiện chưa có văn bản nào cấm việc thu gom đỉa vì đỉa không phải là loài động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ.

“Chúng tôi kiểm tra hành chính thì không có người nào tên Hùng tạm trú trên địa bàn để thu mua đỉa. Về luật, chưa có văn bản nào cấm việc thu mua đỉa, chính quyền địa phương cũng không biết rõ mục đích của việc thu mua đỉa, tác hại thế nào nhưng đã nhiều lần tuyên truyền để đồng bào không đi bắt đỉa, không nuôi đỉa vì sợ mất cân bằng sinh thái. Chúng tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học để xác định rõ giá trị của con đỉa trong y học. Nếu nước ngoài thu mua phục vụ y học tại sao Việt Nam lại không thu mua? Việc làm này sẽ giúp người dân ý thức rõ hơn việc mình làm và tránh gây hoang mang dư luận” , ông Toàn cho hay.

Theo các tài liệu khoa học, đỉa là sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida) có thân mềm và nhầy. Đỉa sau khi phơi khô có vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh... 

Trong “Nam Dược Thần Hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...

Trong y học hiện đại, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ việc nối các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào chế các dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch. 

 

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm