Nông dân đang bị bòn rút bởi những chiêu trò kinh doanh của công ty, đại lý buôn bán phân bón, thuốc BVTV, trong đó việc tự đặt thêm tên, nhân bản nhãn mác, kê giá kiếm lời là một ví dụ điển hình.
Thực trạng này đã gây nên vấn nạn tên thuốc BVTV, đưa nông dân lạc vào ma trận.
Các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, thanh tra ở đâu khi hàng ngày ngày vẫn có hàng trăm, hàng ngàn con voi chui lọt lỗ kim pháp luật ngay trước mắt? Các nhà ngoại giao nghĩ thế nào khi mà tên các nguyên thủ quốc gia như OBAMA, DONALD TRUMP, PUTIN… bỗng dưng biến thành tên thuốc BVTV vứt ngổn ngang trong xó xỉnh kho hàng.
Lách luật, loạn tên thương phẩm
Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa, chương II, điều 11, ghi rõ: “Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa”.
Theo quy định của Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT về Quản lý thuốc Bảo vệ thực vật tại Điều 71, mục 1 ghi rõ “Tên thương phẩm không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của thuốc…”; tại Điều 5, mục 5d cũng ghi rõ: “Không thay đổi tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc tòa án có kết luận bằng văn bản về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tên thương phẩm trong Danh mục”.
Tên thương phẩm là nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thuốc BVTV (điều 68, mục 1), “việc thay đổi các nội dung ghi trên nhãn phải được Cục Bảo vệ Thực vật chấp thuận” (điều 67, mục 2).
Tuy nhiên thực trạng hiện nay tại Việt Nam một tên thương phẩm đã được đăng ký có thể “nhân bản” lên nhiều tên khác nhau không có trong danh mục đăng ký cũng như không có hoặc rất ít liên quan đến thông tin sản phẩm trong quy định về nhãn thuốc BVTV, việc này là vi phạm qui định trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Nhãn hàng hóa và Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về Quản lý thuốc Bảo vệ thực vật.
Vi phạm như thế nào? Các công ty đăng ký cũng ghi đầy đủ tên thuốc đã được đăng ký, nhưng dùng font chữ nhỏ hơn rất nhiều so với các tên “nhân bản”, hoặc font chữ không đúng qui định, hoặc màu mực in có thể mờ nhạt hơn, không tương phản, vị trí in thường ở góc nào đó và bị lấn át bởi tên “nhân bản kèm theo”… Khi nhìn vào gói thuốc không ai còn để ý đến tên chính nữa.
Ví dụ thuốc Chits 500 WG được đăng ký bởi Cty CP nông dược Agriking, nhưng qua hình ảnh này chúng ta thấy, tên được đăng ký là Chits 50 WG được ghi ở góc trái trên cùng gói thuốc, và kích thước rất nhỏ, kém nổi bật so với tên nhân bản ở đây là “RẦY VÀNG”, ghi chính giữa và nổi bật trên nhãn.
Một cách thường dùng nữa là có thể không quá làm nổi bật các tên “nhân bản” nhưng kèm theo tên nhân bản là một hình ảnh minh họa gần như không liên quan hoặc rất ít liên quan đến sản phẩm.
Điều này đã vi phạm nghị định của Chính phủ và Thông tư 21 nêu trên, ở Điều 65 mục c chỉ rõ rằng “Nếu in các hình ảnh, hình vẽ minh họa sinh vật gây hại hoặc cây trồng trên nhãn thì chỉ in các đối tượng đã được đăng ký”, nhưng các thuốc này in các hình ảnh mang tính kích thích người dùng như in hình chim đại bàng, cá sấu, bò cạp, chim ưng, khủng long, siêu nhân, máy bay, tên lửa…
Với những chiêu trò như trên, chỉ cần một sản phẩm đã được đăng ký có thể hô biến thành nhiều nhãn mác riêng. Mỗi nhãn mác bán độc quyền cho một vài đối tượng, giá bán đến tay nông dân của từng nhãn mác sẽ hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào lòng tham của đại lý.
Hiểu thế nào về tên thuốc bảo vệ thực vật
Tên thuốc bảo vệ thực vật là tên thương mại của một loại thuốc nào đó đã được đăng ký và đăng ký đó còn giá trị lưu hành. Tên thuốc là tên duy nhất in trên nhãn mác, các thông tin in trên nhãn mác phải liên quan đến sản phẩm và nội dung đã đăng ký, theo quy định của Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT.
Tên thương mại của thuốc bảo vệ thực vật gồm 3 phần chính: Phần tên (phần chữ), phần chỉ số hàm lượng (phần số), phần ký hiệu dạng thuốc (chữ viết tắt tiếng Anh của dạng thuốc).
Ví dụ Aliette 800 WG, ở đây phần chữ (phần tên) là “Aliette”. Phần định lượng ở đây là 800, có nghĩa là trong 1 kg thuốc Aliette có 800 gam hoạt chất chính (200 gam còn lại là phụ gia). Phần ký hiệu dạng thuốc ở đây là WG, viết tắt của từ Wettable Granule có nghĩa là bột hòa tan trong nước.
Như vậy chỉ cần nhìn vào tên thuốc nông dân có thể biết được hàm lượng hoạt chất, dạng thuốc gì, từ đó có cách pha, cách phun phù hợp.
Có một số dạng phổ biến gồm EC (Emulsifiable Concentrate – Dạng nhũ đậm đặc), SC (Suspension Concentrate - Huyền phù đậm đặc), WP (Wettable Powder - Bột thấm nước), WG (Wettable Granule - Thuốc hạt phân tán trong nước), SL (Soluble concentrate - Dung dịch có thể hòa tan), SE (Suspo-Emulsion - Nhũ dầu), FS (Flowable Concentrate - Huyền phù), GR (Granule - Thuốc hạt không tan, chỉ có thể rải trực tiếp xuống đất)…
Như vậy, tên thuốc bảo vệ thực vật phải bao gồm 3 phần như đã nói và là nội dung bắt buộc ghi rõ trên nhãn thuốc BVTV và phải được ghi trung thực, chính xác theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV, tuân thủ quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa và Thông tư 21/2015/TTBNNPTNT về Quản lý thuốc BVTV.
Tên thuốc BVTV chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, để người nông dân sử dụng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, cơ quan chuyên môn khuyến cáo chỉ đạo đúng.
Việc loạn tên thuốc không chỉ gây ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên thị trường về giá thuốc cũng như nhầm lẫn cho nông dân trong sử dụng sản phẩm mà còn dẫn đến nguy cơ dịch hại kháng thuốc, mất mùa.
Hơn thế nữa, việc sử dụng lặp lại thuốc do nghĩ rằng nhãn mác khác nhau là thuốc khác nhau còn có thể dẫn đến mức dư lượng của một hoặc một vài hoạt chất trong nông sản vượt mức tối đa cho phép (MRL) gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nông sản cũng như ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản, môi trường sống...
Các cơ quan chức năng có biết những quy định liên quan đến tên thuốc, nhãn thuốc BVTV?
Câu trả lời chắc chắn là có. Vậy các ban ngành chức năng cần sớm vào cuộc “dẹp vấn nạn tên thuốc BVTV” để giúp người nông dân thoát khỏi ma trận này.
Để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu, duy trì sự phát triển bền vững và ổn định của nền nông nghiệp Việt Nam.
Để môi trường sống trong lành và hơn hết để đảm bảo các quy định của Chính phủ và Bộ NN-PTNT không chỉ là tập giấy bỏ quên trong ngăn kéo mà phải được thực thi nghiêm túc ngoài thị trường.