| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/06/2024 , 21:08 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 21:08 - 04/06/2024

Thương mại điện tử vẫn thúc thủ trước nguồn hàng trôi nổi

Thương mại điện tử là chủ đề được cử tri quan tâm lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 4/6, nhưng vẫn chưa có đáp án đầy đủ.

Thương mại điện tử đã có bước phát triển nhảy vọt tại Việt Nam sau giai đoạn ứng phó Covid-19. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thương mại điện tử của nước ta đã được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Thế nhưng, dù thống kế được thương mại điện tử năm 2023 tăng 25% so với năm 2022 thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp khống chế nguồn hàng trôi nổi.

Không phải ngẫu nhiên khi đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa và đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cùng đặt chất vấn người đứng đầu ngành Công thương về câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng trước làn sóng bùng nổ thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hồng Diên không thể xác định có hay không những trường hợp livestreams bán hàng đạt doanh thu trăm tỷ đồng mỗi ngày, và cũng bày tỏ sự lúng túng trước mô hình cá nhân kinh doanh online bằng dự tính hơi mơ hồ “hoạt động của các đối tượng này thường biến hóa khôn lường, quy định pháp luật cần kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế”.

Thương mại điện tử tại Việt Nam năm vừa qua ước đoán có quy mô thương mại khoảng 21 tỷ USD. Thế nhưng, con số đáng vui mừng ấy không đồng nghĩa với kết quả hoạt động của lĩnh vực thuế và càng không thể giám sát về tỷ lệ hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, cũng chưa thể quản lý và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội.

Hiện nay có một thực tế là hầu hết các sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến đều có giá rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm bày bán tại chợ hoặc siêu thị. Nếu cho rằng, thương mại điện tử không cần chi phí mặt bằng thì e rằng đang đơn giản hóa vấn đề. Bởi lẽ, người tiêu dùng bắt đầu ngao ngán với hai khái niệm “hàng rao bán” và “hàng nhận được”. Nghĩa là chất lượng hàng hóa thương mại điện tử không được thẩm định, gây tổn hại cho người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.

Có một điều không thể không lưu ý, đó là các nền tảng ứng dụng công nghệ số như Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok… đều đang được trưng dụng để livestream bán hàng cho các đối tác nước ngoài. Sau khi chốt đơn, hàng hóa được vận chuyển vào Việt Nam và phát chuyển nhanh đến tay người mua. Con đường lắt léo ấy tạo điều kiện cho các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc chi phối đời sống kinh tế, và để lại nhiều hệ lụy.

Để bảo đảm môi trường lành mạnh cho thương mại điện tử, không thể chỉ trông cậy vào động thái “tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân”. Bộ Công thương dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản cá nhân kinh doanh online và cung cấp thông tin trên các website chính thống. Đồng thời, đối với những trường hợp vi phạm, sẽ xóa vĩnh viễn địa chỉ bán hàng trên mạng. Đây là giải pháp cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng liên quan, mà việc thường xuyên rà soát và kiểm tra mới có yếu tố quyết định.

Cá nhân livestream bán hàng đang ngày càng nở rộ, mà cơ quan chức năng không thể nào theo dõi từng sự vụ. Vì vậy, trước mắt nên xây dựng cơ chế khuyến khích người tiêu dùng phát hiện và tố cáo hành vi gian lận thương mại.