Trước đây khi những công trình thủy lợi chưa được xây dựng, đồng đất khô hạn quanh năm, nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ hoang, vì thiếu nước sản xuất, nông dân quanh năm vẫn thiếu lương thực để ăn và hộ đói, nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn.
Còn bây giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm, cùng với nguồn vốn lồng ghép của Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ và của địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, cơ bản giải quyết nguồn nước tưới cho cây trồng, đồng thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Gia Lai là địa phương còn có nhiều huyện nghèo, khó khăn so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để hạn chế tái nghèo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có tập trung phát triển thủy lợi, phục vụ bà con nông dân.
Ông Bùi Văn Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Vượng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Nhờ có nguồn nước tưới từ thủy lợi Ayun Hạ, tôi đã canh tác ổn định lúa nước 2 vụ trên 1,2 ha, 3 sào còn lại tôi thả cá. Hiện nay, năng suất lúa đã tăng lên 16-17 tấn/ha cho 2 vụ và thu về 90 triệu đồng/năm từ ao cá. Kinh tế gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều, có của để dành", ông Sáu phấn khởi.
Gia Lai là tỉnh có khoảng 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều, từ nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế khó khăn đến cuộc sống ấm no nhờ cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thu nhập ngày càng phát triển, Nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình trên 5%/năm.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết: Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi kiên cố với tổng năng lực thiết kế tưới là 67.411 ha. Hiện các công trình thủy lợi đảm bảo hiệu quả khai thác trên 70% năng lực thiết kế, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân.