| Hotline: 0983.970.780

Tích cốc phòng bão ở 'hòn ngọc vịnh Bắc bộ'

Thứ Hai 07/08/2023 , 06:09 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Cát Bà thu hút đông khách du lịch vào mùa hè, đúng thời điểm mùa mưa bão, do đó, công tác bảo đảm an toàn cho khách du lịch được quan tâm hàng đầu.

Cát Bà thường thu hút đông khách du lịch vào mùa hè, đúng thời điểm nhiều cơn bão đổ bộ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cát Bà thường thu hút đông khách du lịch vào mùa hè, đúng thời điểm nhiều cơn bão đổ bộ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bảo đảm an toàn cho khách du lịch mùa mưa bão

Cát Bà được xem như một kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho Hải Phòng, là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái đa dạng nổi bật toàn cầu. Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới với hàng trăm bãi tắm lớn nhỏ giữa những hẻm núi đá trên các đảo.

Trong những năm qua, huyện Cát Hải luôn chăm lo, bảo vệ, giữ gìn và đầu tư, tôn tạo những “bảo vật” quý giá mà thiên nhiên dành cho mảnh đất nơi đây. Nhờ vậy, du khách đến với Cát Bà ngày càng đông hơn.

Theo thống kê của ngành du lịch, trung bình mỗi năm có hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với Cát Bà và đem lại tổng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2022, Cát Bà đón hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.045 tỷ đồng.

Dù đã có nhiều nỗ lực để phát triển du lịch đồng đều trong cả 4 mùa xuân - hạ - thu - đông nhưng hàng năm, du khách đến với Cát Bà rầm rộ nhất là các tháng mùa hè, đây cũng là thời điểm các cơn bão thường xuyên đổ bộ, nếu không có phương án phòng, chống thì thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn.

Do vậy, ngay từ đầu năm, chính quyền huyện Cát Hải đã có phương án, kế hoạch, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), đồng thời rà soát, bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão cũng như tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều. Từ đó đã đã xây dựng các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các trọng điểm chống bão, chống lũ, tìm kiếm cứu nạn.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác ứng phó bão đổ bộ trên địa bàn huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác ứng phó bão đổ bộ trên địa bàn huyện Cát Hải. Ảnh: Đinh Mười.

Trong các tình huống thiên tai, huyện Cát Hải đã tổ chức chỉ đạo, điều hành kịp thời các hoạt động ứng phó như: Triển khai phương án phòng, chống thiên tai theo từng tình huống và diễn biến thiên tai; chủ động thực hiện phương án sơ tán dân khu vực xung yếu ven sông, ven biển và khu nhà ở cũ; thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.

Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão đổ bộ, các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông tại Hải Phòng đều bị đình chỉ để thuận lợi cho việc di chuyển dân cư, hạn chế thiệt hại.

Bên cạnh đó, huyện Cát Hải cũng đã chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, nắm chắc số lượng, chủng loại tàu thuyền thủy sản, giữ vững thông tin liên lạc với các tàu, chủ tàu và bố trí sắp xếp neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão.

Cụ thể, tại khu vực giáp phía nam đảo Cát Hải thường có triều cường và đê xung yếu, khi bão xảy ra, địa phương sẽ phải di dân tại chỗ về các vị trí cao hoặc trụ sở ủy ban nhân dân xã để tránh trú.

Khách du lịch ra Cát Bà luôn được thông tin kịp thời về thiên tai, bão gió và có hỗ trợ cụ thể trong trường hợp bất khả kháng. Ảnh: Đinh Mười.

Khách du lịch ra Cát Bà luôn được thông tin kịp thời về thiên tai, bão gió và có hỗ trợ cụ thể trong trường hợp bất khả kháng. Ảnh: Đinh Mười.

Trong công tác ứng phó bão số 1 (bão TALIM) vừa qua, khi trên đảo vẫn còn hơn 13.000 khách du lịch, UBND huyện Cát Hải đã kịp thời chỉ đạo tạm dừng các hoạt động thăm quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải tổ chức thông tin cho các doanh nghiệp, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và du khách lưu trú trên địa bàn về diễn biến của bão.

Cùng với việc kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp cho tàu, thuyền, bè dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và sơ tán nhân dân về các vị trí tránh trú an toàn, UBND huyện Cát Hải đã linh động giao cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao phối hợp UBND thị trấn Cát Bà thông tin đến chủ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện thực hiện giảm giá lưu trú tối thiểu 50% cho khách du lịch tránh trú bão.

“Tôi đi du lịch cùng gia đình gồm 9 người, hôm trước khi có bão TALIM đổ bộ chúng tôi vẫn đang trên du thuyền ở vịnh Lan Hạ. Sau khi cấm biển, chúng tôi phải ở lại thị trấn Cát Bà thêm 2 ngày và được chủ khách sạn giảm giá. Sau này đọc báo tôi mới biết nhiều người cũng được hỗ trợ như vậy. Tôi thấy được quan tâm chia sẻ, rất cảm kích”, anh Nguyễn Trọng Trường, một khách du lịch ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Dự trữ nhu yếu phẩm để người dân an tâm tránh trú bão

Tại đảo Cát Bà, toàn bộ khu vực cảng Cát Bà, khu vực Bến Bèo và một số vị trí xung yếu thì phải di chuyển 100% các giàn bè, các nhà hàng dịch vụ trên biển về các vị trí an toàn.

Tàu thuyền vào tránh trú bão tại cảng cá Trân Châu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tàu thuyền vào tránh trú bão tại cảng cá Trân Châu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để thuận lợi cho việc di chuyển dân cư, hạn chế thiệt hại, thông thường những cơn bão lớn thành phố Hải Phòng đều ban hành lệnh cấm biển, dừng hoạt động các hoạt động tàu bè trên biển.

Còn việc di chuyển dân cư tránh trú bão thường được huyện chủ động tổ chức triển khai sớm và hoàn thành trước 1 ngày, toàn bộ người dân và tàu bè đều được di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

“Đầu năm, UBND huyện sẽ giao cho 1 ngành tìm hiểu về thị trường, nhu yếu phẩm để ứng trước kinh phí cho đơn vị cung cấp tích trữ hàng hóa, khi bão xảy, các mặt hàng nhu yếu phẩm luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân. Ngoài ra, các xã đều có phương án dự phòng nên những năm qua, huyện Cát Hải luôn thực hiện tốt, chủ động, người dân yên tâm tránh trú bão”, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Hải chia sẻ.

Được biết, trung bình mỗi cơn bão sẽ phải di chuyển hơn 800 tàu thuyền về các vùng vịnh để tránh trú bão theo quy định. Còn người dân thì cả huyện có khoảng 127 hộ, 270 người trong diện phải di dời tại chỗ khi bão đổ bộ lên đảo.

Đối với khu lồng bè, phải huy động lực lượng biên phòng, các ngành chức năng xuống vận động lên bờ, nếu không đi thì sẽ cưỡng chế. Phần lớn người dân phải chấp hành, nếu thuyền bè không chấp hành thì sẽ bắt kí cam kết nếu xảy ra thiệt hại và tính mạng thì tự chịu trách nhiệm.

Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão đổ bộ, các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long thường bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão đổ bộ, các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long thường bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Đơn cử như cơn bão số 1 vừa qua, UBND huyện Cát Hải đã triển khai phương án “4 tại chỗ” với lực lượng 1.925 người, cùng với vật tư, gồm 60m3 cát đen, 50m3 đá hộc, 3.780 bao tải, 400m dây thừng, 1.130 cọc tre, 243 mai, cuốc, xẻng, dao kéo.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng huy động hơn 1.000 áo phao, hơn 400 phao tròn cứu sinh, 9 bộ nhà bạt, 32 chiếc máy phát điện, 39 loa tay, 89 đèn pin... Phương tiện gồm 30 xe ô tô, 33 tàu xuồng máy, 8 xe cẩu, ủi xúc, 1 xe cứu thương và chuẩn bị gần 900 thùng mỳ ăn liền, 24 tấn lương thực, 310 thùng nước uống... để ứng phó tình huống bão đổ bộ.

Trong bão số 1 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, huyện Cát Hải đã tổ chức vận động chủ 134 cơ sở, 2.051 ô lồng, 336 lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản và bè du lịch dịch vụ sơ tán về vị trí tránh trú an toàn. Các nhà bè dịch vụ nhà hàng trên vịnh được hỗ trợ kéo về nơi tránh trú trước khi bão dự kiến đổ bộ.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.