| Hotline: 0983.970.780

Gian nan bảo tồn đàn voọc Cát Bà

Thứ Ba 27/06/2023 , 10:51 (GMT+7)

Voọc Cát Bà là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, tài sản thiên nhiên quý hiếm không chỉ của Cát Bà nhưng nay chỉ còn hơn 70 cá thể.

Voọc Cát Bà là 1 trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Ảnh: Huy Cầm.

Voọc Cát Bà là 1 trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Ảnh: Huy Cầm.

Voọc Cát Bà có tên khoa học là Trachypithecus poliocephalus policephalus, là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, sống trên các khu rừng trên những dẫy núi đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng.

Là loài động vật đặc hữu, từ lâu voọc Cát Bà đã trở thành niềm tự hào của người dân hòn đảo xinh đẹp này. Tuy nhiên, hiện tại, quần thể Voọc Cát Bà chỉ còn số lượng hơn 70 cá thể và đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc suy giảm về quần thể voọc Cát Bà đã diễn ra cả ở quy mô đàn và số cá thể trong đàn.

Voọc Cát Bà trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng từ 47 đến 53cm, đuôi dài khoảng từ 85 đến 90cm và có tác dụng giúp chúng giữ thăng bằng cơ thể trong khi di chuyển trên những dãy núi đá vôi cheo leo, hiểm trở.

Khi mới sinh, voọc Cát Bà non có bộ lông màu vàng cam rực rỡ, từ tháng thứ tư trở đi, màu lông trên cơ thể của chúng bắt đầu chuyển dần sang màu đen, riêng từ vai đến đỉnh đầu vẫn giữ màu vàng tươi.

Voọc non có thời kỳ thơ ấu dài, được các cá thể trưởng thành trong đàn chăm sóc và truyền dạy các kỹ năng sinh tồn. Càng trưởng thành, màu lông trên đầu voọc Cát Bà càng nhạt dần, là đặc điểm để đoán biết độ tuổi của chúng.

Khi mới sinh, voọc Cát Bà non có bộ lông màu vàng cam rực rỡ. Ảnh: Huy Cầm.

Khi mới sinh, voọc Cát Bà non có bộ lông màu vàng cam rực rỡ. Ảnh: Huy Cầm.

Voọc Cát Bà khoảng có thể sống tối đa từ 25 đến 30 tuổi và từ 4 đến 6 tuổi, chúng sẽ sinh con một lần và khoảng cách giữa các lần sinh là khoảng 2 năm. Voọc có tập tính sinh sống theo đàn như những đơn vị gia đình, con đực đầu đàn có vai trò dẫn dắt đàn đi kiếm ăn, cảnh báo về những mối đe dọa với đàn và tìm nơi ngủ. Khi cảm thấy có nguy hiểm, con đầu đàn sẽ đứng trên 1 mỏm núi cao ra tín hiệu cảnh báo cho cả đàn.

Tại Cát Bà, voọc sinh sống tại các khu rừng trên những dãy núi đá vôi cheo leo. Ban ngày, chúng hoạt động trên các tầng cây cao, kiếm ăn và nghỉ ngơi, còn ban đêm chúng ngủ trong các hang hoặc những vách đá, rìa đá trên những dãy núi đá đó để tránh thời tiết khắc nghiệt.

Thức ăn của voọc là lá cây, một số ít khác là hoa, quả cây rừng: các loại quả Đa, Phật dụ núi…, đặc biệt, do cấu tạo của dạ dày và có lá gan lớn, voọc Cát Bà có thể ăn những loài lá quả cây độc như lá ngón, quả mãn tiền.

Voọc Cát Bà sống thành bầy đàn và ở trên những vách núi cheo leo. Ảnh: Huy Cầm.

Voọc Cát Bà sống thành bầy đàn và ở trên những vách núi cheo leo. Ảnh: Huy Cầm.

Trước đây quần thể voọc có đến cả nghìn con nhưng bị suy giảm mạnh từ những năm 1960 và tỷ lệ thuận với sự gia tăng các khu định cư và gia tăng dân số trên đảo Cát Bà những thập niên tiếp theo.

Trong đó, từ những năm 1970 đến 1986, tốc độ suy giảm của voọc Cát Bà ngày càng tăng và bị chia cắt thành những tiểu quần thể nhỏ và không liên hệ được với nhau.

Theo Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, ước tính, trong vòng 40 năm từ 1960 - 1990, voọc Cát Bà đã mất đi khoảng 98% quy mô quần thể nguyên nhân chủ yếu là do săn bắn và một phần do quá trình chọn lọc tự nhiên, tỷ lệ già hóa hết dẫn đến khả năng sinh sản, tình trạng cận huyết làm suy thoái giống nòi.

Bên cạnh đó, những xung đột chiếm đàn, ngoài việc dẫn đến các cá thể bị thương nặng, tử vong, sau tranh đàn, con đực thắng cuộc sẽ cắn chết con non làm giảm lớp kế cận sinh sản tương lai, tỷ lệ già hóa hết dẫn đến khả năng sinh sản, tình trạng cận huyết làm suy thoái giống nòi.

“Cách đây hơn 40 năm, voọc Cát Bà phát triển mạnh, có thời điểm, ước tính toàn bộ quần đảo Cát Bà có tới 2.500 - 3.000 cá thể. Sau này, khi mật voọc được cánh thợ săn để ý và tự xuyên tạc là “thần dược” có thể bán được nhiều tiền thì voọc trở thành mục tiêu số 1 bị săn bắt ở Cát Bà. Do đó, từ số lượng lên đến hàng nghìn con, đến năm 2000, đàn voọc Cát Bà còn chưa tới 40 con”, ông Nguyễn Văn Tăng, người từng là một thợ săn chia sẻ.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt động vật hoang dã. Ảnh: Huy Cầm.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt động vật hoang dã. Ảnh: Huy Cầm.

Theo lãnh đạo VQG Cát Bà, từ năm 2000 đến nay, vườn và chính quyền địa phương có nhiều giải pháp để bảo vệ và phát triển đàn voọc như tuyên truyền, vận động các thợ săn không vào rừng săn bắt trái phép động vật hoang dã và tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nên đàn voọc đã được bảo vệ.

Sự vào cuộc mạnh tay của cơ quan chức năng và lượng thú rừng giảm đã khiến thợ săn ở Cát Bà bỏ nghề chuyển sang khai thác thủy sản, làm dịch vụ du lịch. Thậm chí, một số thợ săn còn được vận động để tham gia chương trình bảo vệ rừng, bảo vệ voọc do VQG Cát Bà và một số tổ chức phi chính phủ khởi xướng.

Mặc dù vậy, bầy voọc Cát Bà vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng do voọc đực thường giết hại con non sau khi cướp đàn. Bên cạnh đó, do bầy đàn thu hẹp nên xảy ra tình trạng giao phối cận huyết khiến con non sinh ra dễ chết yểu vẫn chưa tìm được lời giải, việc bảo tồn đàn voọc gặp không ít khó khăn.

Từ năm 2000 đến nay, tình trạng săn bắt trái phép voọc Cát Bà giảm mạnh, bầy voọc dần được phục hồi. Riêng trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, có khoảng hơn 10 cá thể voọc được sinh ra, qua đó, nâng tổng số cá thể voọc Cát Bà lên hơn 70 con..

“Để cứu đàn voọc Cát Bà, VQG Cát Bà đã phối hợp cơ quan chức năng liên quan thành phố Hải Phòng, các nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ… để tính toán di chuyển con đực chưa có đàn sang các khu vực khác để tránh tình trạng giết con non sau khi cướp đàn, hạn chế tình trạng giao phối cận huyết. Mặt khác, đã tăng cường quảng bá hình ảnh loài voọc Cát Bà ra cộng đồng trong nước, quốc tế, kêu gọi thêm nhiều tổ chức cùng phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, phát triển đàn voọc”, ông Nguyễn Văn Thịu – Giám đốc VQG Cát Bà cho biết.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.