| Hotline: 0983.970.780

Tiêm vacxin đàn vật nuôi ở Quảng Bình không đạt kế hoạch

Thứ Sáu 03/11/2023 , 08:41 (GMT+7)

Thời gian đã bước sang những tháng cuối năm, nhưng công tác tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi ở Quảng Bình đạt rất thấp và khó đạt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Công tác tiêm phòng có vai trò rất quan trong trong chăn nuôi, góp phần hạn chế thiệt hại số lượng gia súc, gia cầm mắc bệnh, ổn định sinh kế của người dân. Đồng thời, đây là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí nhất trong việc đảm bảo sức khoẻ vật nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện tổng đàn trâu, bò của tỉnh có trên 133.000 con, đàn lợn gần 300.000 con và đàn gia cầm hơn 5 triệu con. Đây là tài sản lớn của các cơ sở chăn nuôi và bà con nôgn dân.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh trong mùa mưa lũ, các địa phương trong tỉnh cần phải thực hiện bằng các biện pháp quyết liệt.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm không đạt theo yêu cầu của kế hoạch đã đề ra. Đáng chú ý hơn, trong 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng tại các địa phương đạt tỷ lệ rất thấp.

Một số địa phương đã triển khai tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi, nhưng cao nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ chưa đến 30% kế hoạch. Một số địa phương khác thì chỉ đạt 1-3%, thậm chí còn bỏ ngỏ...

Đơn cử, một vài số liệu để thấy nhiệm vụ tiêm vacxin cho đàn vật nuôi ở Quảng Bình bị buông lỏng. Tiêm vacxin viêm da nổi cục được 105.000 liều, đạt 9%; Vacxin lở mồm long móng: 105.000 liều, đạt 36% kế hoạch; Vacxin tụ huyết trùng trâu, bò được trên 44.000 liều, đạt 42%; Vacxin dịch tả lợn: 55.400 liều, đạt 39%; Vacxin cúm gia cầm: 426.500 liều, đạt 17%...

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân chủ yếu ở địa phương vẫn chưa chủ động được kinh phí trong công tác tiêm phòng. Người chăn nuôi có tâm lý trông chờ được hỗ trợ của Nhà nước.

Thêm nguyên nhân về công tác tổ chức, ông Trần Công Tám cho hay, tại một số địa phương lực lượng cán bộ thú y không có hoặc quá mỏng nên hạn chế trong nhiệm vụ tham mưu, thực hiện tiêm phòng. “Một số địa phương gần như giao nhiệm vụ tiêm vacxin đàn vật nuôi cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nên không thể phát huy được vai trò của công tác thú y”, ông Trần Công Tám nói thêm.

Là một gia đình vào diện cận nghèo, được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò, ông Nguyễn Thiên (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), đã có được đàn bò 4 con. Khi hỏi về tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò, ông Thiên cho hay: “Khi nào mà được hỗ trợ vacxin và cán bộ thú y trực tiếp tiêm tôi mới lùa bò về, chứ bên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp họ thu tiền cũng cao nên cứ để vậy đã. Bị bệnh cả làng chớ chắc chi nhà tôi đâu. Mình tiêm mà họ không tiêm cũng khó đó”.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng với chính quyền các địa phương vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Ngoài 2 đợt tiêm chính trong năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc phát sinh sau các đợt tiêm chính để bảo đảm tỷ lệ đạt tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.

Tại huyện Tuyên Hoá, việc tiêm phòng vacxin đang được đẩy mạnh. Ảnh: Võ Dũng.

Tại huyện Tuyên Hoá, việc tiêm phòng vacxin đang được đẩy mạnh. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện nay, một số địa phương đang triển khai tiêm phòng vacxin các loại cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2023.

Tại huyện Tuyên Hoá, địa phương này đã có chính sách hỗ trợ vacxin cho người chăn nuôi. Các loại vacxin Lumpyvac và lở mồm long móng huyện hỗ trợ 50%, xã, thị trấn và dân đối ứng 50%. Riêng vacxin dại được hỗ trợ 100%. Đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa được hỗ trợ toàn bộ các loại vacxin.

Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, UBND một số xã, thị trấn hỗ trợ thêm kinh phí cho người dân và tổ tiêm phục vụ cho công tác tiêm phòng.

Ông Trần Xuân Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho hay, nhiệm vụ tiêm vacxin đợt 1 đã xong đầu tháng 6. Đợt 2 năm 2023, tổng các loại vacxin tiêm phòng cho đàn vật nuôi là trên 20.000 liều và 4.200 liều vacxin cúm gia cầm.

"Hiện, chúng tôi đã chuyển vacxin, thiết bị về cho các địa phương và đang ráo riết tổ chức tiêm trên diện rộng. Các địa phương đã tiêm được 30% số vacxin đã mua về. Huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng đợt 2 để hoàn thành trước 30/11/2023", ông Cần cho hay.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.