Xây dựng hạ tầng nông thôn luôn được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang quan tâm |
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thông tin: “Tính đến hết tháng 9/2018, số xã đạt chuẩn NTM ở Tiền Giang tăng 3,33 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện có 40/144 xã đạt chuẩn NTM. Hiện bộ mặt, nông thôn địa phương ngày càng khởi sắc, các công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”.
Đổi mới SX nông nghiệp
Thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 – 2020”. UBND tỉnh Tiền Giang đã lựa chọn 10 HTX trong lĩnh vực lúa gạo, cây trái để thực hiện thí điểm xây dựng HTX kiểu mới, nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hoạt động SX kinh doanh. Góp phần, hình thành mô hình HTX kiểu mới, gắn SX với tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản.
Ông Lê Văn Cây 66 tuổi, người trồng trái cây, ngụ huyện Cái Bè, cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha đất trồng các loại cây ăn trái được SX theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Nhờ áp dụng mô hình này, những năm gần đây, năng suất và sản lượng tăng cao, cây trái thu hoạch, được thương lái thu mua với giá ổn định, nên đời sống kinh tế gia đình rất ổn định”.
SX trái cây theo hướng liên kết chuỗi giá trị giúp cho nông dân Tiền Giang tăng thu nhập |
“Đã qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Nhất là, ở các xã dự kiến ra mắt xã NTM (giai đoạn 2016 – 2020) và các xã được công nhận đạt chuẩn NTM trước đó”, ông Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức SX đã giúp các hộ cá thể, đơn lẻ liên kết lại với nhau, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong tiêu thụ đầu ra. Giúp nông dân tham gia cánh đồng lớn, SX theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 1 liên hiệp HTX nông nghiệp, 148 HTX, quỹ tính dụng Nhân dân và 323 THT hoạt động trên các lĩnh vực theo đúng Nghị định 151/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện có 73 xã đạt tiêu chí tổ chức SX, chiếm tỷ lệ 50,69%.
Nỗ lực giảm nghèo
Để tạo điều kiện cho người dân có được việc làm, tăng thu nhập, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2018, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 27.787 học viên. Trong đó, có 3.118 học viên được đào tạo hệ cao đẳng, 2.538 học viên hệ trung cấp và 22.131 học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (giai đoạn 2016 – 2018) trên 17 tỷ đồng.
Đường vào xã NTM Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè được xây dựng khang trang |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 140/144 xã đạt chuẩn tiêu chí lao động có việc làm, chiếm 97,22% (tăng 33 xã so với năm 2015). “Đã qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo và vận động nguồn lực trong Nhân dân để tập trung thực hiện công tác này. Tỉnh đã tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn nhất, nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững”, ông Mẫn thông tin.
Được biết, trong 2 năm 2016 – 2017, toàn tỉnh có 8.610 hộ nghèo, giảm 1,59% (từ 5,67% vào cuối năm 2015, xuống còn 4,19% vào cuối năm 2017). Kế hoạch đến cuối năm 2018, sẽ giảm 2.360 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 3,69% so với số hộ toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Cẩm Tú 44 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho bộc bạch: “Nhờ được cấp trên quan tâm, hỗ trợ vay vốn để phát triển SX, đến nay, gia đình tôi đã trả được nợ, có thêm số vốn để chăn nuôi, kinh tế gia đình hiện rất ổn định. Tôi rất mừng vì sự quan tâm, chăm lo đời sống cho người nghèo của chính quyền địa phương”.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội luôn được địa phương quan tâm, coi trọng. Nhất là việc đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Nhờ đó, các chương trình về xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, BHYT từng bước được nâng cao. Ngoài ra, địa phương luôn quan tâm, nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện mức sống. Thường xuyên quan tâm thực hiện phúc lợi xã hội và các đối tượng yếu thế.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 40/144 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 28 xã so với năm 2015). Phấn đấu đến cuối năm 2018, địa phương này có thêm 20 xã về đích, nâng số xã đạt chuẩn NTM lên 60 xã. |