Ngày 1/10, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Tiền Giang tổ chức buổi họp báo thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại buổi họp báo, bà Châu Thị Mỹ Phương Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Tiền Giang cho biết: Đảng bộ Tiền Giang có 15 đảng bộ trực thuộc, với 49.302 đảng viên. Đến cuối tháng 6 năm 2020, Tiền Giang đã hoàn thành đại hội Đảng cấp cơ sở theo đúng quy định của của Bộ Chính trị.
Từ ngày 12 - 15/10/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được diễn ra tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang. Trong đó, ngày 13/10 Đại hội sẽ được chính thức khai mạc với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao niềm tin trong nhân dân; đổi mới, sáng tạo; bảo đẩm quôc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Điểm lại một số kết quả nổi bật của nhiệm kỳ qua, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,3%, GRDP bình quân đầu người đạt 58,6 triệu đồng, thu ngân sách trên 11,6 nghìn tỷ đồng (vượt chỉ tiêu tên 2.500 tỷ đồng), sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá ổn định. Đến nay, Tiền Giang có trên 80.000 ha cây ăn trái, tăng 10.300ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn.
Nổi bật ở lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến nay Tiền Giang là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao trong khu vực ĐBSCL. Đến cuối năm 2020, Tiền Giang sẽ có 119/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 83,2%. Hiện Tiền Giang đã có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là: huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công.
Bước sang nhiệm kỳ mới, Tiền Giang đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực phía Nam với tốc độ tăng trưởng từ 7%-7,5%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 91,5-93,5 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ đô la Mỹ, Tiền Giang xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, tổng thu ngân sách đạt 77.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 250 nghìn tỷ đồng.
Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã đề ra 3 khâu đột phá: tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Tỉnh cũng xác định nhóm 8 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đáng chú ý là: Tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hương nâng cao sức cạnh tranh.