Tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng sinh năm 1954 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ, trước khi chuyển sang theo đuổi đam mê sáng tác.
Từ năm 2007 đến nay, tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng đã xuất bản các tập thơ “Cánh buồm thao thức”, “Sóng không từ biển”, “Bay về phía bão”, “Dấu chân lục bát”, “108 đoản khúc thơ”… Đặc biệt, tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng có gần trăm bài thơ được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, mà ông gom lại chung trong cuốn sách “Trăm khúc hát một chữ duyên”.
Là người quảng giao và trọng tình cảm, tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng có sở thích làm thơ chân dung về những người mình yêu mến, từ các bậc tài danh đã khuất đến những bạn bè thường gặp mỗi ngày. Năm 2017, ông từng có tập “102 mảnh ghép văn nhân”, bây giờ ông lại có thêm “Ký họa thơ”.
Thể loại thơ chân dung thì nhiều người đã thử bút, tiêu biểu như tập “Chân dung” lừng lẫy của nhà thơ Xuân Sách (1932-2008) hoặc tập “Thương nhớ tài hoa” bay bổng của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (1940-2022). Tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng cũng kế thừa tinh thần ấy, và ông viết theo cách của mình. Dĩ nhiên, ông không thể có cái đáo để sâu cay như nhà thơ Xuân Sách và cũng không có cái khéo léo uyển chuyển như nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
Tập “Ký họa thơ” của Nguyên Hùng gồm 81 nhân vật, sử dụng chất liệu tác phẩm và cuộc đời mỗi người để chắp nối vần điệu trân trọng. Tại buổi ra mắt sách vào sáng 2/10 tại TP.HCM, nhiều nhân vật có mặt trong “Ký họa thơ” cũng xuất hiện và bày tỏ sự tri ân với đồng cảm từ phía tác giả Nguyên Hùng.
Mỗi con người mang một số phận bí ẩn. Để nhận diện được họ một cách chân xác hoàn toàn không hề dễ. Khoa học có cách để giúp các nhà quản lý định danh gắn chip, nhận diện khuôn mặt, thậm chí có thể quản lý mọi hành vi của mỗi cá thể, nhưng để biết họ nghĩ gì thì không. Mà nghĩ lại là thuộc tính người cơ bản nhất. Với các nhà văn, các nghệ sỹ lại càng khó. Bởi mỗi người trong số họ đều là những vì sao cô đơn với hành trình riêng biệt không thể định danh.
Cho dù văn là người, đã có không ít những văn nghệ sỹ mà hành động sống, những biểu hiện bên ngoài của họ khác xa với tác phẩm mà họ sáng tạo nên. Bởi tác phẩm chứa đựng lòng mong mỏi, khao khát vươn tới chứ không đơn thuần là biểu hiện hiện tại. Cái bản thể của mỗi văn nghệ sỹ chứa trong nó một con tim luôn cựa quậy, luôn trăn trở với bao nên và không nên. Muốn và không muốn. Cùng đó là mơ ước. Còn phải, phải thế nọ, phải thế kia lại là ý chí, sản phẩm được hình thành từ kinh nghiệm, từ du nhập kiến thức của bộ não. Nhìn ra được, vẽ được cái “hồn Trương Ba” ẩn bên trong lớp “da hàng thịt” của mỗi người văn mới khó nhưng cũng là tuyệt nhất.
Thử xem vài “ký họa thơ” của tiến sĩ thủy lợi Nguyên Hùng. Với nhà thơ Hoàng Cầm “Có Kiều Loan với bao niềm vui sướng / Vẫn lên đường tìm mãi lá diêu bông”. Với nhạc sĩ Văn Cao “Tự lúc nào trong âm thầm gác tối / Buồn tàn thu ám vận suốt một đời?”. Với nhà thơ Hoàng Cát: “Một chân mất bởi chiến tranh/ Một chân còn lại ông Lành bẻ đôi/ Tưởng đâu thanh thản cuối đời/ Mà sao khổ nạn cõi người chưa buông”. Với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: “Có phải vì buông lời ông không phải là bố tôi/ Đành ngậm ngùi dắt yêu thương rời cõi tạm/ Người trong cõi nhớ ơi, ai là thủ phạm/ Để công lý được đòi bất chấp những chiếc ô”. Hoặc với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “Vẫn tỉ tê thơ tuổi hai mươi / đằng sau cánh cửa /Để nhuận vợ mấy lần vẫn cầm tuổi hoàng hôn”.
Theo nhà văn Kao Sơn đánh giá: Chất liệu là tên các tác phẩm tiêu biểu, những câu thơ hay của “người mẫu”. Nhưng “khó” thì tất nhiên là rất khó. Với các nhà văn, nhà thơ lại càng khó. Văn là người. Ai cũng bảo thế. Văn của họ bày ra bằng giấy trắng mực đen, giữa thanh thiên bạch nhật, chả cần kính lúp cũng nhìn rõ từng dấu chấm phảy, chấm than, chấm lửng lơ. Vậy ma, nói là cứ lấy những tiêu đề tác phẩm, câu thơ nổi tiếng của họ rồi ghép, khéo léo chút là được, thì thực không hề dễ. Phải “biết” nhau lắm mới làm nổi. Biết ở đây có nghĩa là đã từng quen thân, đã từng tâm tình chia sẻ. Hay chí ít cũng đã đọc nhau nhiều, thậm chí “phải lòng” những tác phẩm của nhau
Với một chân dung văn học, thì dù cho là một bài thơ ngắn, một ký họa hay một vài mảnh ghép đi nữa thì “chất văn học” vẫn luôn là một yêu cầu không thể xem nhẹ. Mọi cái nhìn, cách đánh giá, và ngay cả cách biểu đạt, có thể kinh viện, nghiêm túc, có thể đùa vui, thậm chí tếu táo chút kiểu thận mật bạn bầu… nhưng cuối cùng vẫn luôn phải đảm bảo tính văn trong đó. Nhân văn, không ác ý, không tầm thường hóa giá trị. Và nói chung phải là một tác phẩm văn học, một sản phẩm văn hóa. Nếu không nó không có chỗ đứng trong nền văn học và sẽ không được chào đón.