| Hotline: 0983.970.780

Trăm khúc hát một chữ duyên

Chủ Nhật 30/06/2024 , 06:24 (GMT+7)

'Trăm khúc hát một chữ duyên' chứng minh mối quan hệ gắn bó và thấu hiểu giữa người làm thơ và người viết nhạc trong đời sống nghệ thuật hôm nay.

Nhà thơ Nguyên Hùng.

Nhà thơ Nguyên Hùng.

“Trăm khúc hát một chữ duyên” là tập thơ nhạc chọn lọc, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. “Trăm khúc hát một chữ duyên” có giá trị một cuộc điểm danh nho nhỏ cho những tác phẩm của nhà thơ Nguyên Hùng đã được phổ nhạc. ‘Trăm khúc hát một chữ duyên’ chứng minh mối quan hệ gắn bó và thấu hiểu giữa người làm thơ và người viết nhạc trong đời sống nghệ thuật hôm nay.

Từ khi tân nhạc xuất hiện tại Việt Nam, thì những ca khúc thơ phổ nhạc không xa lạ gì với công chúng. Lịch sử tân nhạc Việt Nam tròm trèm một thế kỷ, thật khó thống kê bao nhiêu bài thơ được phổ nhạc. Thơ phổ nhạc chẳng đếm xuể, nhưng có ai hát hay không, lại là chuyện khác. Nhà thơ Nguyên Hùng có thể xem như một trường hợp may mắn, vì nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, vẫn thường xuyên vang lên trong đời sống cộng đồng.

Chắc chắn nhà thơ Nguyên Hùng không phải là một tác giả đứng đầu với số lượng bài thơ được phổ nhạc. Thỉnh thoảng, người nọ người kia tuyên bố có nghìn bài thơ được phổ nhạc. Thỉnh thoảng, người kia in tuyển tập dày cộm giới thiệu những ca khúc phổ thơ chính mình. Rôm rả lắm và tưng bừng lắm, dù ai cũng hiểu sự thành bại của thơ phổ nhạc rất khó lường. Giữ kỷ lục hiện nay vẫn là nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927-2013) được xác định có cả thảy 147 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những ca khúc tiêu biểu như “Đất nước” do Phạm Minh Tuấn phổ nhạc hoặc “Cảm xúc tháng mười” do Nguyễn Thành phổ nhạc.

Vậy thì, từ “Trăm khúc hát một chữ duyên”, thử nghiêm túc đặt câu hỏi, thơ được phổ nhạc của nhà thơ Nguyên Hùng có vị trí ra sao trong sinh hoạt văn nghệ? Trước hết, phải nói rằng, nhà thơ Nguyên Hùng có duyên nợ với âm nhạc. Từ những bài thơ công bố ngẫu nhiên trên báo hoặc trên sách, thơ Nguyên Hùng đến tay các nhạc sĩ. Và niềm hân hoan tiếp theo là thơ ông được giai điệu cõng đi xa hơn và ông có thêm ân tình tri kỷ với những người viết ca khúc. Lợi đơn lợi kép của nhà thơ Nguyên Hùng rất rõ ràng như thế.

Điều thú vị của “Trăm khúc hát một chữ duyên” là có vài bài thơ lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Có thể kể dăm ví dụ. Thứ nhất, bài thơ “Cánh buồm tình ái” được nhạc sĩ Trung Kim phổ thành ca khúc “Cánh buồm thao thức”, còn nhạc sĩ Lê An Tuyên phổ thành ca khúc “Em và biển”.

Thứ hai, bài thơ “Ngàn năm em và anh” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Tiến phổ thành ca khúc “Tình yêu em và anh”, còn nhạc sĩ Võ Xuân Hùng phổ thành ca khúc “Khúc hát ngàn năm”.

Thứ ba, bài thơ “Gửi dòng sông câu ví” được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ thành ca khúc “Gửi dòng sông”, còn nhạc sĩ Võ Xuân Hùng phổ thành ca khúc lấy đúng tên gốc “Gửi dòng sông câu ví”.

Đặc biệt hơn, phải nhắc đến ca khúc “Trầm tích trong em” được nhạc sĩ Đỗ Tiến Lập phổ từ hai bài thơ “Một thoáng Quy Nhơn” và “Biển quê em” của nhà thơ Nguyên Hùng. Trộn hai bài thơ thành một ca khúc, không phải đơn giản. Bởi lẽ, ít nhất nhạc sĩ phải yêu và phải hiểu nhà thơ.

Tập sách 'Trăm khúc hát một chữ duyên'.

Tập sách "Trăm khúc hát một chữ duyên".

Ca khúc “Trầm tích trong em” khiến những ai am tường thơ phổ nhạc bất chợt liên hệ với ca khúc “Thà như giọt mưa”. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ bài thơ “Khúc tình buồn” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, thành ca khúc “Thà như giọt mưa” có câu “thà như giọt mưa, khô trên mặt Duyên”, mà nguyên tác thơ không hề nhắc đến nhân vật Duyên. Liệu có phải nhạc sĩ Phạm Duy đã bịa ra Duyên không? Không phải, nhạc sĩ Phạm Duy đã đọc tập thơ “Thiên tai” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên và phát hiện sự vương vấn giữa thi sĩ với Duyên qua hai bài thơ “Đi trong mưa nhớ Duyên” và “Bài hối trên tay Duyên”, nên khéo léo cho Duyên bước vào ca khúc “Thà như giọt mưa”. Sở dĩ dông dài vướng víu cũng chỉ để khẳng định, nhà thơ có thơ được phổ nhạc thì đồng nghĩa có thêm độc giả hơi độc đáo là nhạc sĩ.

Với độc giả không hứng thú trầm bổng tiết tấu, liệu thơ Nguyên Hùng có thể chinh phục họ chăng?  Những bài thơ trong “Trăm khúc hát một chữ duyên” cho thấy thơ Nguyên Hùng giàu nhạc tính. Nhiều câu thơ của ông đã tự ngân nga ngay trong văn bản “Ơi dòng sông ngọt lịm điệu đò đưa/ Ơi dòng sông mặn mòi câu ví dặm”. Song, ở chính những bài thơ được phổ nhạc, vẫn thể hiện nhà thơ Nguyên Hùng không chỉ làm thơ bằng nhạc cảm. Ngôn từ của ông, khi đắm đuối “Anh lớn lên trên sóng/ Nên say hoài biển xanh”, khi bâng khuâng “Ngồi đây ai cũng có đôi/ Thương về phương ấy một trời một em”, khi buồn bã “Những niềm vui chẳng còn mong níu kéo/ Tìm đậu bến nào ngày tháng không nhau”.

Nhà thơ Nguyên Hùng không dụng công cấu trúc ý tứ hay đẽo gọt chữ nghĩa. Thơ ông nhẹ nhàng và êm ái. Tuy nhiên, bên cạnh sự xao xuyến “Biển triệu năm cứ xanh/ Tóc nửa đời đã bạc/ Nghìn năm em và anh/ Yêu mãi hoài vẫn khát” thì thơ Nguyên Hùng cũng có sự phẫn nộ “Những kẻ nào đang lấn từng bãi đá/ Biển hãy dồn sóng dữ cuốn chúng đi”.

Nguồn cơn sáng tạo bền bỉ nhất của nhà thơ Nguyên Hùng vẫn là niềm vương vấn xứ Nghệ chôn nhau cắt rốn. Cứ chạm đến vùng trời Nghi Lộc, Nghệ An là ông bồi hồi: “Anh đi tìm em lần theo hương biển/ Theo vị mặn mòi trong những câu ca” để day dứt “Cửa Lò chiều chúng mình trôi đâu?” và để ngổn ngang “Nơi quê hương vẫn nặng nỗi thương nhà”.

Xem thêm
Tình yêu bóng đá bên ngoài sân cỏ

Giải vô địch bóng đá châu Âu đang sôi động ở nước Đức xa xôi, nhưng những tín đồ túc cầu giáo nước ta vẫn hồi hộp dõi theo từng trận đấu.

Tuyển Anh gặp áp lực lớn trước trận đấu với Slovakia

Sau chuỗi trận bạc nhược ở vòng bảng, tuyển Anh nhận phải nhiều chỉ trích từ CĐV, họ sẽ phải đối đầu Slovakia, một chú 'ngựa ô' của giải đấu.

HLV Park Hang-Seo ứng cử làm HLV trưởng đội tuyển Ấn Độ

Cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam – ông Park Hang-Seo đang tham gia ứng cử công việc HLV trưởng đội tuyển Ấn Độ.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.