| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/07/2023 , 13:38 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 13:38 - 27/07/2023

Tiền tỷ tham nhũng có thể khắc phục hậu quả đại án không?

Tiền tỷ tham nhũng đang được nhiều bị cáo trong đại án 'chuyến bay giải cứu' tranh thủ nộp lại trước khi hội đồng xét xử đưa ra phán quyết vào chiều 28/7.

Tiền tỷ tham nhũng từ đại án "chuyến bay giải cứu" là những con số khiến cộng đồng phải giật mình, như cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42 tỷ đồng, cựu phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Vũ Anh Tuấn nhận hối lộ 27 tỷ đồng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 25 tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ 5 tỷ đồng, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Nguyễn Quang Linh nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng...

Đặc biệt, khi tiền tỷ tham nhũng được bòn rút trong bối cảnh những người liên quan phải đối mặt nguy nan dịch bệnh khó lường, thì hành vi phạm tội còn có tính chất đê hèn. Vậy mà nhiều bị cáo cựu cán bộ vẫn nghĩ rằng họ có thể nộp lại tiền tỷ tham nhũng để nhận hình phạt nhẹ hơn, khi hội đồng xét xử đưa ra phán quyết cho đại án “chuyến bay giải cứu” vào chiều 28/7 tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định, đối tượng nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình, tùy theo mức độ và tính chất phạm tội. Tuy nhiên, Điều 5 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại có nguyên tắc xử lý riêng đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Cụ thể, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Đành rằng, những cựu cán bộ khi đứng trước tòa án đều tỏ ra ngây ngô không phân biệt được “nhận hối lộ” và “quà cám ơn”, nhưng đó là lời bào chữa ngụy biện, chẳng khác gì chiêu trò chọc cười trên sân khấu hài kịch. Con đường tiếp theo mà những cựu cán bộ tìm cách tự cứu mình là nộp tiền khắc phục hậu quả. Liệu nguồn tài chính từ bàn tay bẩn thỉu có thể khắc phục hậu quả cho đại án “chuyến bay giải cứu” không?

Ở đây, cần hiểu đúng khái niệm khắc phục hậu quả. Nếu thi công cẩu thả một công trình thì bỏ tiền túi cá nhân làm lại để khắc phục hậu quả. Còn gây ra một đại án, thì số tiền tham nhũng đương nhiên phải bị thu hồi, chứ không thể ung dung hoàn trả để khắc phục hậu quả.

Lạm dụng chức phận được giao phó để tư lợi khiến “chuyến bay giải cứu” đi ngược lại chủ trương tốt đẹp của Nhà nước dành cho công dân xa xứ, thì hệ lụy về mặt đạo đức xã hội không thể dùng tiền để khắc phục hậu quả. Cách khắc phục hậu quả duy nhất là những cựu cán bộ suy đồi phải gánh chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Tiền tỷ tham nhũng không thể xem như cứu cánh của những cán bộ tha hóa. Nếu kẻ tham nhũng nào cũng tranh thủ vơ vét, rồi dùng tiền tỷ khuất tất để khỏi bị xử lý hình sự hoặc để giảm án, thì cuộc chiến chống tham nhũng không thể nào đạt được mục đích đem lại môi trường công vụ lành mạnh.