| Hotline: 0983.970.780

Tiếp sức cho đồng bào miền núi giảm nghèo đi lên

Thứ Tư 01/11/2023 , 09:22 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Chương trình vay ưu đãi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp nhiều hộ nghèo ở Quảng Bình có việc làm, thu nhập ổn định, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) - Chi nhánh Quảng Bình đã phối kết hợp có hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi của tỉnh.

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ và chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào dân tộc. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai phân bổ nguồn vốn vay để các địa phương tổ chức thực hiện”, ông Trần Hữu Ninh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình nói.

Ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, hộ ĐBDTTS và miền núi còn được thụ hưởng các chính sách dành riêng, như chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ vùng đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng…

Bà con vùng miền núi huyện Quảng Ninh được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ảnh: T.Phùng

Bà con vùng miền núi huyện Quảng Ninh được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ảnh: T.Phùng

Ông Trần Hữu Ninh nhìn nhận, nguồn vốn vay đã góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững khi tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập…

“Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn, giúp cho người nghèo và hộ dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước làm quen với cơ chế thị trường”, ông Ninh nói thêm.

Qua thực tế cũng chứng minh, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hàng nghìn hộ ĐBDTTS và vùng miền núi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thời gian qua, doanh số cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS, vùng miền núi, đặc biệt khó khăn trên 30 tỷ đồng với gần 4.200 lượt hộ vay. Đồng vốn đã sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Bà con đã có cái ăn, cái mặc, cái để dành dụm làm vốn thêm. Đã có hàng ngàn hộ giảm nghèo bền vững và ổn định cuộc sống.

Chúng tôi về xã miền núi Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch), nơi mà mấy năm trước cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Gia đình ông Phạm Văn Trực (xã Quảng Hợp), thuộc hộ nghèo của địa phương.  Được sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH, ông Trực đã tạo dựng được cơ nghiệp cho mình.

Ở vùng miền núi, đất đồi cằn cỗi, nên gia đình ông đã cần cù khai hoang, phục hóa đất đồi để lập nghiệp. Ông Trực khoanh vùng để trồng cây, lập gia trại nuôi gà, lợn,… để có thu nhập.

“Tôi đã thực hiện lấy ngắn nuôi dài, dần dần tích lũy để mở rộng gia trại. Trong lúc khó khăn, thiếu vốn để đầu tư sản xuất thì gia đình như được tiếp sức từ vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng để mở rộng gia trại” ông Trực kể lại.

Có vốn, gia đình tăng đàn lợn và mua thêm dê giống, gà đồi, trồng cây ăn quả để mở rộng mô hình. Gia đình ông còn đầu tư sản xuất vườn nguyên liệu nhằm tạo ra nguồn thức ăn xanh phục vụ cho đàn vật nuôi, phát triển gia trại, tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương.

 “Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Từ gia trại, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng”- ông Trực bộc bạch thêm.

Tại xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), nhiều hộ đồng bào dân tộc nhờ vốn vay đã giảm nghèo và làm giàu bền vững. Trong đó, gia đình anh Hồ Minh (dân tộc Bru-Vân Kiều), là một trong những điển hình kinh tế giỏi.

Rừng trồng kinh tế của gia đình anh Hồ Minh cho thu nhập tiền tỷ để vươn lên làm giàu. Ảnh: T.Phùng

Rừng trồng kinh tế của gia đình anh Hồ Minh cho thu nhập tiền tỷ để vươn lên làm giàu. Ảnh: T.Phùng

Khi hỏi chuyện, anh Hồ Minh cho hay: “Tôi đã được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và quyết định vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi”, Hồ Minh kể, đã tìm mua 2 con bò cái sinh sản và giống keo để trồng rừng. Sau đó, đàn bò cũng nhân lên được 8 con nhưng do nuôi giống bò cỏ, thả trong rừng sâu nên bò chậm lớn, không bán được giá cao.

Hồ Minh tiếp tục bán hết đàn bò rồi vay mượn thêm tiền, mua 5 con trâu giống về nuôi. Năm 2018, khi bán bớt số trâu giống, anh đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư nuôi dê núi để tăng thu nhập và trồng rừng keo tràm…

Đến nay, gia đình Hồ Minh có 20 con trâu, 30 con dê, 8 ha keo tràm, hàng trăm con gà thả vườn…

Hỏi chuyện về thu nhập, Hồ Minh không giấu diếm gì mà nói luôn: “Mỗi năm, tiền bán từ đàn vật nuôi thu về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng. Rứa là cũng có của ăn của để rồi và nguồn vốn thì cứ tiếp tục phát triển thêm thôi mà. Riêng rừng trồng thì còn để đó, có người mua trả giá đến 800 triệu đồng rồi.”

Nhờ vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS và miền núi ở Quảng Bình đã giảm xuống dưới 69% tổng số hộ. Góp phần đem lại nhiều đổi thay về đời sống và sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Xem thêm
Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.