Xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO. Ảnh: Như Đông. |
Leo lét giữ lửa làng nghề
Triển lãm này nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia: “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO nhằm khôi phục, bảo vệ và phát triển nghề làm tranh trong giai đoạn hiện nay, đồng thời là dịp để tuyên truyền quảng bá nét đẹp văn hóa, giá trị nghệ thuật đặc trưng của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
“UBND tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển làng nghề tranh Đông Hồ, đồng thời cam kết hỗ trợ gia đình các nghệ nhân để tiếp tục khôi phục làng nghề…”, ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ.
Được biết, trước đây làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh có tới 17 dòng họ làm. Tuy nhiên đến nay gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và đầu ra cho làng nghề nên chỉ còn dòng họ Nguyễn Đăng và dòng họ Nguyễn Hữu tiếp tục.
Tranh Đông Hồ gặp khó khăn về đầu ra. Ảnh: Như Đông. |
Hiện nay số lượng tranh của làng nghề bán ra thì trường còn khá ít vì ít được quảng bá. Ngoài việc bán tại nhà cho khách tham quan thì chỉ còn bán qua một số cửa hàng của gia đình các nghệ nhân.
Chia sẻ với phóng viên tại triển lãm, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, nghệ nhân nữ duy nhất hiện nay ở làng nghề tranh Đông Hồ cho biết: “Mặc dù vài năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ tranh có phần “khá khẩm” hơn nhưng các tranh được bán ra vẫn chưa có giá trị cao. Những năm qua, các gia đình làm nghề cũng được sự hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ để giữ và khôi phục nghề…”
Hiện nay, nhiều tác phẩm có niên đại lên đến 100-200 năm vẫn được dòng họ gìn giữ để bảo tồn bởi nếu mất đi những bản gốc, những bức tranh cổ ấy sẽ không thể phục dựng được
Khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề tranh dân gian Đông Hồ gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm là một vấn đề rất quan trọng. Các nghệ nhân cũng mong muốn được tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ quảng bá rộng rãi đến đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế.
Trả lời PV Báo NNVN, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: “Vấn đề quan trọng nhất để khôi phục làng nghề chính là đầu ra sản phẩm. Nếu Nhà nước quan tâm động viên về cả vật chất lẫn tinh thần và quảng bá làng nghề với bạn bè thế giới thì chắc chắn làng nghề sẽ được khôi phục…”
Bảo tồn tranh Đông Hồ cần nhất là hỗ trợ quảng bá của Nhà nước. Ảnh: Như Đông. |
Cùng chung quan điểm với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng bày tỏ: “Để kiếm tiền bằng nghề làm tranh Đông Hồ là không có, vì hiện nay số lượng tranh của làng nghề sản xuất được bán ra thì trường còn ít và chưa đúng với giá trị thật sự”.
Theo các nghệ nhân làm tranh dân gian Đông Hồ chia sẻ, hiện nay, họ chịu khó tìm tòi những sáng tạo mới, sưu tầm gìn giữ bản sắc của các cụ để lại. Đồng thời, các nghệ nhân cũng hướng nghiệp cho con, cháu, mở thêm nhiều lớp dạy nghề để những thế hệ đi sau hiểu hơn từ đó biết trân trọng nghề tranh của ông cha để lại.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả còn chia sẻ thêm, trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề hiện nay, việc cấp thiết nhất đó là sự hỗ trợ của Nhà nước về quảng bá làng nghề, cùng như cả về vật chất lẫn tinh thần để các nghệ nhân của làng nghề tiếp tục cống hiến.