| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/05/2022 , 10:07 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:07 - 12/05/2022

Tiếp tục duy trì môn học Lịch sử như thế nào?

Để môn Lịch sử góp phần bồi dưỡng và vun đắp tâm trí người Việt Nam, không thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho Bộ Giáo dục Đào tạo.

Việc Bộ Giáo dục Đào tào đưa môn Lịch sử ra khỏi những môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông, đã dấy lên nhiều quan ngại trong cộng đồng. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa có văn bản gửi đến những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư để kiến nghị không nên xếp môn Lịch sử là môn tự chọn.

Ở một diễn biến liên quan khác, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện về việc đưa môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn học tự chọn. Như vậy, môn Lịch sử cần được trở lại là môn học chính thức. Thế nhưng, nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử như thế nào, vẫn là một ẩn số nan giải.

Học lịch sử là cách tìm hiểu quá khứ để suy ngẫm cho hiện tại và định hướng cho tương lai. Hầu như không có nền giáo dục tiên tiến nào trên thế giới xem nhẹ môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn Lịch sử không nhằm học thuộc lòng để trả bài lấy điểm như quan niệm phổ biến ở môi trường giáo dục của nước ta. Thay đổi phương pháp truyền thụ và tiếp nhận môn Lịch sử thực sự là một thách thức cho những nhà sư phạm, nhưng không phải là một con đường không thấy hy vọng tốt đẹp hơn.

Trước hết, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, sách giáo khoa môn Lịch sử của nước ta rất khô cứng với các kiểu liệt kê sự kiện và số liệu. Có lẽ, đã đến lúc phải viết lại những bài học cho môn Lịch sử một cách lôi cuốn và thuyết phục hơn. Có tích mới dịch nên tuồng. Giáo viên lịch sử dù giỏi giang và nhiệt huyết đến mấy, cũng không thể diễn giảng cho học sinh say mê, nếu dữ liệu và ngôn ngữ trên những trang sách không có gì hấp dẫn.

Cùng với việc đầu tư thật nghiêm túc biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục Đào tạo cần khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong những giờ học Lịch sử. Những clip ngắn mô tả sinh động về một nhân vật nổi tiếng hoặc một tình tiết quan trọng, sẽ giúp học sinh thêm ghi nhớ và thêm yêu thích môn Lịch sử.

Để môn Lịch sử góp phần bồi dưỡng và vun đắp tâm trí người Việt Nam, không thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho Bộ Giáo dục Đào tạo. Các ngành khác, các giới khác cũng phải chung tay hỗ trợ. Đặc biệt là những bài học về lịch sử Việt Nam, không thể không phát huy vai trò các viện bảo tàng cho các giờ ngoại khóa bổ ích của học sinh.

Mặt khác, có một câu hỏi mà những nhà điện ảnh phải chủ động quan tâm, đó là vì sao học sinh lại rành sử Tàu hơn sử Việt? Vì có rất nhiều bộ phim lịch sử Trung Quốc rất hay. Những nhà làm phim bớt hào hứng với thể loại ngôn tình và hài nhảm, để chăm chút cho những bộ phim lịch sử, thì sẽ góp phần không nhỏ giúp môn Lịch sử có chỗ đứng bền vững trong học đường.