Đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu
Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan và vi sinh vật gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm
Theo quy định của Bộ Y tế, các lô hàng nhập khẩu cần phải kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y như tổng số vi khuẩn hiếu khí, Escherichia coli, Salmonella, định tính dihydro sunphua - H2S, hàm lượng nitơ amoniac - NH3… Kết quả chỉ phát hiện có 1 lô hàng gà rán tẩm bột đông lạnh (có khối lượng 749 kg, nguồn gốc USA bị nhiễm salmonella) và đã xử lý tiêu hủy, các lô hàng thịt nhập khẩu còn lại đều đạt yêu cầu theo quy định.
Kết quả kiểm tra mầm bệnh cúm gia cầm
Cơ quan thú y cửa khẩu đã lấy mẫu từ 128 lô hàng thịt gà nhập khẩu để kiểm tra mầm bệnh cúm gia cầm, trong đó có 122 lô hàng thịt gà có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Kết quả đều không phát hiện dương tính với mầm bệnh cúm gia cầm trong các lô hàng thịt gà nhập khẩu.
Kết quả giám sát chất kháng sinh, chất tạo nạc
Từ tháng 7/2015 đến nay, các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức lấy mẫu 258 lô hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gà nhập khẩu (có nguồn gốc từ 46 nhà máy sản xuất thuộc 10 quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lithuania, Úc, Canada, Brazil, Nhật Bản, Đan Mạch, Ba Lan…) để kiểm tra dư lượng kháng sinh, chất cấm (Chloramphenicol, Furaltadone, Sulfamethazine, Flumequine, Chlotetracycline, Oxytetracycline, Tetracycline, Beta-agonist, Ractopamin, Celenbuterol, Salbutamol…), với hàng nghìn chỉ tiêu được kiểm tra. Đến nay đã có kết quả kiểm tra dư lượng kháng sinh, chất tạo nạc của 222 lô hàng thịt bò, gà, lợn và chỉ phát hiện có 1 lô hàng thịt đùi gà đông lạnh (có nguồn gốc từ Hoa Kỳ) có dư lượng Chlotetracycline ở mức 65,76 phần tỷ (ở dưới ngưỡng cho phép là 200 phần tỷ theo quy định của Bộ Y tế).
Đối với sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu để tiêu thụ trong nước
Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan và vi sinh vật gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm
Cơ quan thú y cửa khẩu đã lấy mẫu các lô hàng sản phẩm thủy sản nhập khẩu để kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan và vi sinh vật theo quy định của Bộ Y tế. Kết quả chỉ phát hiện có 1 lô hàng mực xé sợi 24.000 kg (có nguồn gốc từ Trung Quốc bị nhiễm vi sinh vật, nấm mốc, nấm men vượt mức quy định của Bộ Y tế), các lô hàng còn lại đều đạt yêu cầu theo quy định.
Kết quả giám sát dư lượng kháng sinh, kim loại nặng
Từ tháng 7/2015 đến này, các Cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức lấy mẫu của 37 lô hàng cá hồi, cá ngừ, cá nục, mực đông lạnh (có nguồn gốc từ 36 nhà máy thuộc 10 quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Faroe Island, Na Uy, Úc, Ba Lan, Đan Mạch) để kiểm tra các chỉ tiêu kháng sinh, kim loại nặng (như Chloramphenicol, Nitrofuran, Tylosin, Furaltadone, chì, Cadimi, thủy ngân…). Kết quả chỉ phát hiện có 2 lô mực đông lạnh (được đánh bắt ngoài tự nhiên) có nguồn gốc từ Đài Loan có dư lượng kim loại nặng Cadimi vượt giới hạn cho phép và đã xử lý theo quy định, còn các chỉ tiêu khác đều đạt yêu cầu theo quy định.
Đối với tôm nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu để gia công xuất khẩu
Kết quả kiểm tra, giám sát mầm bệnh
Từ tháng 7/2015 đến nay, các Cơ quan thú y cửa khẩu đã lấy mẫu từ 53 lô hàng tôm sú, tôm thẻ đông lạnh nhập khẩu để làm nguyên liệu gia công xuất khẩu. Kết quả đã phát hiện 12/45 lô hàng có mầm bệnh đốm trắng (chiếm tỷ lệ 26,67%) và chủ yếu là các lô hàng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ bị nhiễm mầm bệnh.
Kết quả giám sát chất tồn dư
Các cơ quan thú y cửa khẩu đã thực hiện lấy mẫu giám sát chất tồn dư kháng sinh, kim loại nặng trên tôm nhập khẩu dùng để gia công xuất khẩu từ tháng 7/2015 đến nay là 56 lô hàng (gồm có: 40 lô hàng tôm thẻ và 16 lô hàng tôm sú mẫu) để kiểm tra các chỉ tiêu như Chloramphenicol, Furaltadone (AMOZ), Tylosin, Fluoroquinolone, Oxytetracycline, chì, thủy ngân, Cadimi... Kết quả đã phát hiện có 5/43 lô hàng tôm nguyên liệu có thủy ngân, nhưng đều ở dưới ngưỡng cho phép theo quy của Bộ Y tế.
Về xử lý đối với các lô hàng thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thủy sản nhập khẩu vi phạm
Đối với các lô hàng phát hiện có vi phạm nêu trên, Cục Thú y đã thông báo cho Trưởng Cơ quan thú y (CVO) các nước xuất để điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục đối với các trường hợp vi phạm và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan của Việt Nam biết về nguồn hàng nhập khẩu; đồng thời xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành.