| Hotline: 0983.970.780

Tiết kiệm nước - Giải pháp sống còn ứng phó El Nino: [Bài 2] Hồ tiêu đứng vững trước nắng hạn

Thứ Ba 02/04/2024 , 10:54 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Hồ tiêu là cây trồng sử dụng nhiều nước, tuy nhiên không trông chờ ỷ lại công trình thủy lợi, người trồng tiêu Bình Phước đã chủ động các giải pháp ứng phó El Nino.

Đất khoẻ, ít tưới từ canh tác hữu cơ

Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, từ lâu hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực của bà con nơi đây. Là vùng đất trồng tiêu lâu năm, với bề dày kinh nghiệm sản xuất, canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ được xem là giải pháp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu vừa thu hoạch của ông Nguyễn Văn Luận, thành viên HTX tiêu hữu cơ xã Đắc Ơ, nhìn những trụ tiêu xanh tốt, ai nấy đều tỏ ra ngạc nhiên bởi đây là thời điểm cây tiêu “xuống sức” nhất. Trong khi một số vườn tiêu khác trong vùng trơ trọi, lá vàng rụng đầy gốc thì vườn tiêu của ông vẫn tràn đầy nhựa sống.

Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Luận, thành viên HTX tiêu hữu cơ xã Đắc Ơ, luôn căng đầy nhựa sống. Ảnh: Trần Trung.

Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Luận, thành viên HTX tiêu hữu cơ xã Đắc Ơ, luôn căng đầy nhựa sống. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Luận, nước là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của hồ tiêu. Là xã vùng cao nên nguồn nước tại vùng trồng hồ tiêu nơi đây có thời điểm chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sản xuất càng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, để tồn tại và phát triển, sau nhiều năm vật lộn với thực trạng thiếu nước, bà con đã thay đổi phương thức sản xuất, trong đó, sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ được xem là giải pháp căn cơ.

"Trước đây, vì muốn thu được lợi nhuận lớn, không ít bà con sẵn sàng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kích thích ép tiêu cho năng suất. Điều này, đã vô tình khiến đất đai biến chất, trong khi nguồn nước hạn hẹp, cây tiêu “bạo phát, bạo tàn” nhanh chóng. Nhận thức được điều đó, với phương châm “chậm mà chắc”, chục năm về trước, tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường nông nghiệp sinh thái, canh tác tiêu theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu và giờ là thời điểm hái quả ngọt”, ông Luận nói.

Theo đó, để phát triển vườn bền vững, ngoài tăng cường bón phân chuồng, ông Luận tận dụng các phế phụ phẩm từ nông nghiệp có tại địa phương kết hợp với men vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học giàu dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng khoẻ, không chỉ đủ khả năng chống chịu được sâu bệnh mà cả thực trạng thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, ông Luận còn trồng cỏ và giữ lại tán cây (giá thể sống để tiêu bám) nhằm giữ ẩm và bảo vệ vi sinh vật có lợi trong đất, từ đó, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

"Từ khi chuyển đổi sang chương trình sản xuất tiêu hữu cơ thì năng suất năm sau cao hơn năm trước, trong khi lượng đầu tư giảm dần. Trước tình hình dự báo năm nay El Nino diễn ra khốc liệt, để ứng phó thì gia đình cũng đã tăng cường bón phân hữu cơ để tăng độ mùn, giúp giữ độ ẩm trong đất, ngoài ra, cây tiêu ở đây được trồng chủ yếu trên giá thể sống, chúng tôi vẫn giữ tán cây để che mát, bảo vệ vi sinh vật trong đất, hiện nắng hạn đã bắt đầu diễn ra, nhưng nhờ các giải pháp, dù không hề tưới cả 20 ngày nay nhưng toàn vườn tiêu vẫn không có dấu hiệu mất nước, nếu trồng theo phương pháp trước đây chỉ cần 3 ngày không tưới là cây xuống sức, vàng lá trông thấy rõ”, ông Luận chia sẻ.

Ông Luận tận dụng các phế phụ phẩm từ nông nghiệp có tại địa phương kết hợp với men vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học giàu dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng khoẻ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Luận tận dụng các phế phụ phẩm từ nông nghiệp có tại địa phương kết hợp với men vi sinh để tạo ra các chế phẩm sinh học giàu dinh dưỡng giúp cây sinh trưởng khoẻ. Ảnh: Trần Trung.

Chủ động tưới tiết kiệm

Tuy chưa đến mức hạn hán, nhưng để duy trì sinh trưởng ổn định cho cây, cùng với việc canh tác hữu cơ, bà con trồng tiêu tại Bình Phước còn chủ động đầu tư các hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước để đảm bảo các vườn cây luôn đủ nước. Ngoài nguồn nước tự nhiên từ sông, suối, các công trình thủy lợi thì người dân còn đầu tư các ao lớn để tích trữ nguồn nước tưới trong cả mùa khô. 

Trong lúc nhiều gia đình khác đang vất vả tìm nguồn nước tưới cho cây trồng, thì anh Mai Hiền Huy, Giám đốc HTX Tiêu hữu cơ Đắc Ơ chỉ cần sập cầu dao điện, hệ thống tưới tự động lập tức phun sương, tưới đẫm nước cho từng gốc tiêu của gia đình mình.

Anh Mai Hiền Huy đầu tư các ao lớn để tích trữ nguồn nước tưới trong cả mùa khô. Ảnh: Trần Trung.

Anh Mai Hiền Huy đầu tư các ao lớn để tích trữ nguồn nước tưới trong cả mùa khô. Ảnh: Trần Trung.

"Với kinh phí gần 3 triệu đồng/1 sào (1.000m2 đất), việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động chỉ tốn kém ban đầu, nhưng có rất nhiều lợi ích. Điều dễ thấy nhất là giảm công lao động, thời gian làm việc và tiết kiệm nước. Nếu như tưới truyền thống, mỗi đợt tưới gia đình phải tốn ít nhất 2 công lao động và thời gian tưới 1ha từ 6 - 8 giờ. Nhưng đối với hệ thống này, chỉ cần 1 người là có thể vận hành các van khóa để tưới cho rẫy hồ tiêu, với thời gian ngắn hơn rất nhiều. Đặc biệt, tưới tiết kiệm chỉ tốn tầm 1/3 lượng nước so với cách tưới truyền thống trước đây, hiện tất cả thành viên HTX đã áp dụng cho vườn của mình", anh Huy chia sẻ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp, việc tưới khoa học là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp cây trồng nói chung, hồ tiêu nói riêng ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, từ năm 2020 trở lại đây người dân đã dần nhận thức được những nguy hại của việc phát triển sản xuất hồ tiêu trái quy luật tự nhiên. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin, các hình thức sản xuất thuận tự nhiên, sản xuất hữu cơ đã dần được người nông dân đón nhận và bước đầu có những tín hiệu tích cực.

Với hệ thống tưới tự động chỉ cần 1 người là có thể vận hành các van khóa để tưới cho rẫy hồ tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Với hệ thống tưới tự động chỉ cần 1 người là có thể vận hành các van khóa để tưới cho rẫy hồ tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên cây hồ tiêu với giải pháp chủ yếu là kiểm soát đầu vào, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sẽ giảm chi phí sản xuất, phát huy triệt để những lợi thế về điều kiện thiên nhiên nông hóa thổ nhưỡng vốn đã rất phù hợp để cho cây hồ tiêu phát triển. Người dân ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập bền vững.

Các thói quen sản xuất tốt dần được hình thành như sản xuất hồ tiêu tập trung theo vùng, tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ sẵn có, áp dụng triệt để nguyên lý “trả lại cho đất” (chỉ lấy những gì chúng ta thực sự cần, còn lại tất cả phải trả về cho đất), bảo vệ thiên địch, giữ đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Canh tác theo quy trình hữu cơ khá nghiêm ngặt và đòi hỏi tính công khai, minh bạch, trình độ sản xuất cao. Nếu người dân tuân thủ nghiêm các quy định và quy trình sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì phải mất từ 3 - 5 năm mới bắt đầu có sản phẩm để xuất bán nhưng đổi lại vườn hồ tiêu sinh trưởng bền vững, sức khỏe người trồng được đảm bảo, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định với giá trị cao hơn khoảng 25% so với giá thị trường.

Người dân ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Người dân ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại thu nhập bền vững. Ảnh: Trần Trung.

“Vào mùa khô, nắng hạn gay gắt thì việc sử dụng nước tưới tiết kiệm là rất cần thiết, do đó việc triển khai mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất. Mô hình đang tiếp tục được theo dõi để đánh giá hiệu quả”, tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.