| Hotline: 0983.970.780

Tiết kiệm nước - Giải pháp sống còn ứng phó El Nino: [Bài 1] Căng mình cả hệ thống

Thứ Hai 01/04/2024 , 06:15 (GMT+7)

Năm 2024, El Nino được dự báo diễn biến khốc liệt. Ngành thủy lợi Tây Ninh đã chủ động các giải pháp ứng phó, trong đó tiết kiệm nước được ưu tiên hàng đầu.

Chủ động tích trữ nước

Tây Ninh là tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp lớn nằm ở phía tây nam của vùng Đông Nam bộ, có số giờ nắng cao nhất cả nước và được ví von là “nơi phơi quần áo khô nhanh nhất Việt Nam”. Trước bối cảnh khí hậu diễn biến thất thường, trái quy luật, đặc biệt năm 2024, El Nino được dự báo diễn biến khốc liệt, ngay từ thời điểm này ngành thủy lợi tỉnh Tây Ninh đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai.

Hồ Tha La là một trong những hồ chứa quy mô lớn do tỉnh Tây Ninh quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Tha La là một trong những hồ chứa quy mô lớn do tỉnh Tây Ninh quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Tha La, một trong những hồ chứa quy mô lớn do tỉnh Tây Ninh quản lý tọa lạc tại huyện biên giới Tân Châu, là nguồn cung cấp nước tưới đảm bảo cho những ruộng sắn (mì), lúa, ngô, những khu vực trồng cây ăn quả tràn đầy sức sống.

Theo ban quản lý hồ Tha La, hồ được hình thành từ việc xây dựng đập dâng nước trên suối Tha La, điều tiết bằng đập cao su, là một nhánh tương đối lớn của sông Sài Gòn, bắt nguồn từ vùng đồi biên giới Việt Nam - Campuchia. Chiều dài suối chính là 34km, có dung tích 27,43 triệu m3 nước, được đưa vào sử dụng và khai thác từ năm 2005 đến nay.

Hồ chứa nước Tha La có nhiệm vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.700 ha/vụ của huyện Tân Châu, đạt tỷ lệ trên 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện; cấp nước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi - Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Tân Châu với lưu lượng 1.500 m3/ngày đêm.

Qua thời gian vận hành, khai thác, công trình hồ chứa nước Tha La đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp tại các hạng mục như đập cao su, tràn xả lũ, đập chính, thiết bị đóng mở cống xả đáy,… gây nguy cơ mất an toàn cho đập khi lũ về và ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành, khai thác trong cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cũng như an toàn của người dân.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, tỉnh Tây Ninh đang triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp với mức đầu tư 280 tỷ đồng. Mặc dù đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, tỉnh Tây Ninh vẫn chủ động tích trữ nước theo công năng, đảm bảo đáp ứng phục vụ sản xuất trong năm 2024, năm được dự báo El Nino diễn biến khốc liệt và kéo dài.

Mặc dù đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, hiện mực nước dâng tại hồ Tha La vẫn đạt cao trình trên 24m, đảm bảo phục vụ nước sản xuất cho toàn bộ vùng tưới. Ảnh: Trần Trung.

Mặc dù đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, hiện mực nước dâng tại hồ Tha La vẫn đạt cao trình trên 24m, đảm bảo phục vụ nước sản xuất cho toàn bộ vùng tưới. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đoàn Quốc Trung - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi huyện Tân Châu, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý vận hành hồ chứa cho biết, trước đây khu vực huyện Tân Châu được xem là điểm nóng khô hạn. Từ khi hồ chứa nước Tha La đưa vào vận hành khai thác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cùng các ngành kinh tế khác và chưa từng xảy ra thực trạng thiếu nước vào mùa khô.

“Xác định hồ chứa thủy lợi có vai trò quan trọng trong ứng phó thiên tai, ngay trong cuối mùa mưa 2023, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả. Trong đó, tích trữ và điều tiết nước hợp lý đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 nói riêng và cả năm 2024 nói chung.

Mặc dù đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, hiện mực nước dâng tại hồ vẫn đạt cao trình trên 24m, tuy có thấp hơn cùng kỳ 0,18m nhưng vẫn đảm bảo phục vụ nước sản xuất cho toàn bộ vùng tưới. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, bố trí lực lượng giám sát, điều tiết nước và đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ chống hạn trước mắt và lâu dài”, ông Đoàn Quốc Trung nhấn mạnh.

Phát huy vai trò “tổ thủy nông”

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh, so sánh trên phạm vi toàn quốc, hệ thống thủy lợi của Tây Ninh được xem là tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ; có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, đủ cho nhu cầu của người dân quanh năm. Theo đó, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm 4 hồ chứa nước (hồ chứa nước Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.742 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.000 ha/3 vụ (đạt 73,96% diện tích thiết kế).

Ông Trần Quang Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác đi kiểm tra hệ thống kênh mương thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác đi kiểm tra hệ thống kênh mương thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, qua thời gian dài đưa vào vận hành, khai thác, hiện có khá nhiều tuyến kênh đã lâu năm, một số tuyến kênh xuất hiện thực trạng bị thấm, lòng kênh bị thu hẹp; các loại rong, rêu, rác khá nhiều… gây thất thoát nguồn nước. Để đảm bảo các tuyến kênh thủy lợi hoạt động trơn tru, bên cạnh vai trò của các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác, các tổ thủy nông địa phương được xem là cánh tay nối dài của ngành thủy lợi trong việc điều tiết nguồn nước hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh được giao, nhất là trong bối cảnh khí hậu diễn biến thất thường, trái quy luật, đặc biệt năm 2024 El Nino được dự báo diễn biến khốc liệt.

“Hiện Tây Ninh có trên 240 tổ thủy nông, trong đó, 120 tổ chính thức, mỗi tổ có nhiệm vụ quản lý khoảng 200ha khu tưới. Mặc dù hoạt động trên tinh thần tự nguyện, nhưng các tổ này đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nổi bật là công tác giám sát hoạt động sản xuất, phân chia mùa vụ, điều tiết nước hợp lý đảm bảo cung cấp đúng, đủ lượng nước và tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”, ông Trần Quang Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

Được giao quản lý vận hành tuyến kênh 11-6 (Kênh TN 17) thuộc hệ thống tưới tiêu Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ gần 100 hộ với diện tích tưới trên 120ha, những ngày này, tổ thủy nông xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành đang túc trực 24/24 để điều hành nước vào từng chân ruộng.

Ông Võ Văn Bét - tổ trưởng tổ thủy nông vận hành tuyến kênh do tổ quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Ông Võ Văn Bét - tổ trưởng tổ thủy nông vận hành tuyến kênh do tổ quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Ông Võ Văn Bét - tổ trưởng tổ thủy nông chia sẻ, gia đình ông có hơn 3ha ngô (bắp) cạnh kênh thủy lợi. Trước đây, ông từng gặp cảnh thiếu nước sản xuất vào mùa khô khiến việc sản xuất không đem lại hiệu quả, thậm chí mất trắng. Được giao nhiệm vụ quản lý tuyến kênh, hơn ai hết ông hiểu được tầm quan trọng của nguồn nước, từ đó đã có những giải pháp điều tiết nước hiệu quả.

“Bên cạnh nhiệm vụ chính là mở các cống cấp nước và vớt rác trên các tuyến kênh do tổ quản lý, để cấp nước hiệu quả, tôi đã tập hợp tất các hộ dân được hưởng lợi từ kênh thủy lợi vào nhóm Zalo để thông báo về lịch nông vụ giúp bà con xuống giống đồng loạt, đồng thời thông báo kế hoạch cấp nước để bà con chủ động lấy nước. Ngoài ra, nguồn nước là hữu hạn, để sử dụng nguồn nước hiệu quả tôi cũng vận động bà con không tranh giành và sử dụng nước tiết kiệm tránh lãng phí…”, ông Võ Văn Bét chia sẻ.

Ông Lê Đạt Thắng Lợi - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi huyện Châu Thành cho biết thêm, trong năm 2024, xí nghiệp dự kiến sẽ phục vụ trên 27.400ha. Để ứng phó El Nino, xí nghiệp đang tập trung tuyên truyền và vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời, chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp và sử dụng nhiều nước sang các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao, sử dụng ít nước, đồng thời sử dụng một số biện pháp tiết kiệm nước.

Người dân chủ động dọn dẹp kênh mương thủy lợi và sử dụng nước tiết kiệm. Ảnh: Trần Trung.

Người dân chủ động dọn dẹp kênh mương thủy lợi và sử dụng nước tiết kiệm. Ảnh: Trần Trung.

“Xí nghiệp đang quản lý 500 tuyến kênh, hiện tại, trong vùng tưới huyện Châu Thành có 10 hợp tác xã và 7 tổ thủy nông quản lý hơn 400 tuyến.

Năm nay, hồ Dầu Tiếng tích đủ lượng nước phục vụ tưới nên không có việc cắt giảm luân phiên như mọi năm. Các tổ thủy nông và công nhân quản lý kênh cũng thường xuyên kiểm tra và điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, phục vụ đầy đủ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân”, ông Lợi nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…