| Hotline: 0983.970.780

Tiết kiệm nước - Giải pháp sống còn ứng phó El Nino: [Bài 3] Nông nghiệp thuận thiên

Thứ Tư 03/04/2024 , 12:38 (GMT+7)

Là tỉnh có hệ thống thủy lợi tương đối khiêm tốn, trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường, Bình Phước đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng.

Chiến lược chuyển đổi hợp lý

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới của vùng Đông Nam bộ. Với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích tự nhiên của tỉnh, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25% cơ cấu kinh tế, Bình Phước có lợi thế phát triển nông nghiệp.

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới của vùng Đông Nam bộ, với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích toàn tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới của vùng Đông Nam bộ, với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích toàn tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Trong những năm qua, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với cả nước và khu vực phía Nam. Tuy nhiên, địa phương này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội của tỉnh; tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài xảy ra ở khắp các địa phương trong tỉnh; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt khiến nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại nặng nề, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Dù mới bước vào mùa khô, nguồn nước ở các đập, ao, hồ, khe suối trên địa bàn tỉnh Bình Phước có dấu hiệu dần cạn kiệt khiến nông dân rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng nông dân đã chủ động nhiều giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán kéo dài. Trọng tâm là công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, biến đổi khí hậu… Đồng thời, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sử dụng ít nước, hiệu quả kinh tế cao.

Từ vùng đất cằn cỗi nơi xã vùng núi, biên giới Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, theo tiếng gọi chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu của địa phương, từ 4 ha hồ tiêu già cỗi, thu không bằng chi, giờ đây gia đình chị Dịu đã sở hữu vườn sầu riêng được sản xuất theo hướng hữu cơ xanh tốt, trĩu bông, hứa hẹn mang lại mùa màng bội thu.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Dịu đã bước vào năm thứ 5, hứa hẹn đem lại mùa màng bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Vườn sầu riêng của gia đình chị Dịu đã bước vào năm thứ 5, hứa hẹn đem lại mùa màng bội thu. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ tay vào những hàng sầu riêng thẳng tắp, chị Dịu cho biết, trước đây toàn bộ khu vực này đều trồng cây hồ tiêu, đất đai sau nhiều năm bón phân hoá học đã bị chai cứng, khô cằn. Để làm trang trại trồng sầu riêng, chị Dịu đã tốn nhiều công sức cải tạo đất, tìm phương pháp tưới phù hợp. Trang trại bắt đầu xuống giống trồng sầu riêng từ giữa năm 2020, khi đó giá sầu riêng chưa "nóng" như bây giờ, đúc kết kinh nghiệm từ canh tác hồ tiêu, chị Dịu quyết định đầu tư bài bản, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Cây sầu riêng có mật độ trồng thưa so với cây tiêu, dù nhu cầu sử dụng nước tương đối nhiều, cùng với việc sản xuất theo hướng hữu cơ, từ khi lắp hệ thống tưới tự động, gia đình tôi sử dụng nguồn nước rất hiệu quả. Đặt ống và vòi đúng nơi cây trồng cần tưới nên giảm thất thoát lượng nước.

Việc tưới cũng đơn giản hơn, chỉ cần bật cầu dao, đi kiểm tra nguồn nước, vòi chảy như thế nào, lại tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ, công lao động. Hiện vườn sầu riêng đang bước vào năm thứ 5, nếu thuận lợi sẽ đem về cho gia đình không dưới 2 tỷ đồng trong vụ mùa năm nay”, chị Dịu phấn khởi nói.

HTX Phước Thiện tại huyện biên giới Bù Đốp là một trong những điển hình thành công của chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

HTX Phước Thiện tại huyện biên giới Bù Đốp là một trong những điển hình thành công của chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trước đây, hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh với tổng diện tích trên 20.000 ha. Trước tình hình cây tiêu đang thoái trào bởi dịch bệnh, giá cả bấp bênh, đặc biệt, do mật độ trồng cao (2x2 m2/cây) tiêu tốn khá nhiều nguồn nước… Bình Phước đã chủ động giảm mạnh các diện tích cây không phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng theo từng năm để thay thế bằng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Hiện cả tỉnh Bình Phước chỉ còn khoảng 13,6 ngàn ha hồ tiêu. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Vốn là “thủ phủ” của cây cao su và điều của cả nước, chỉ sau vài năm, tỉnh Bình Phước đã nổi lên là địa phương có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Bước đột phá mới ấy là nhờ địa phương đẩy mạnh mũi nhọn ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất, từ truyền thống đến nông nghiệp hiện đại, thông minh, qua đó nâng cao chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu.

HTX Phước Thiện tại huyện biên giới Bù Đốp là một trong những điển hình thành công của chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Phước.

Đến tham quan khu sản xuất hơn 800 ha trồng mít ruột đỏ và mít thái lá bàng của HTX này, chúng tôi chứng kiến mô hình chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch. Khắp nơi đều được phủ sóng wifi để vận hành hệ thống tưới nước tự động, bón phân từ xa, camera quan sát, theo dõi thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm... Công nghệ số giúp thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành hoạt động sản xuất.

“Bình Phước có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp đã chủ động làm nông nghiệp số, bắt đầu từ những ứng dụng nhỏ nhất và chia sẻ công nghệ lẫn nhau. Đây mới chỉ là bước chập chững ban đầu, trên thực tế HTX vẫn rất cần sự tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp của cơ quan chuyên môn, nông nghiệp muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, ông Nguyễn Viết Vị chia sẻ.

Trong 10 năm trở lại đây, Bình Phước đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Trong 10 năm trở lại đây, Bình Phước đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ảnh: Trần Trung.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, địa phương có hơn 60% cư dân phát triển kinh tế bằng sản xuất nông nghiệp; trong đó, trồng trọt chiếm hơn 60%. Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh; ứng dụng kỹ thuật công nghệ, quy trình sản xuất sạch trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, chỉ trong hai năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp... Hiện Bình Phước đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, phân bón, vận hành hệ thống VAHIS báo cáo trực tuyến cấp tỉnh về tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis)...

Bình Phước đang tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là về việc tưới tiêu tiết kiệm nước kết hợp bón phân hữu cơ tự động,… Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước đang tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là về việc tưới tiêu tiết kiệm nước kết hợp bón phân hữu cơ tự động,… Ảnh: Trần Trung.

Qua thống kê sơ bộ, đến nay toàn tỉnh có 440 ha diện tích sản xuất nhà lưới, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới tự động; trên 6.088 ha ứng dụng tưới nước tiết kiệm; 9.710 ha diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ; 304 trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín, lạnh, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi…

Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, trước tình hình thiên tai khó lường, trong  xu hướng hiện nay thì Bình Phước đang tiến tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là tưới tiêu tiết kiệm nước kết hợp bón phân hữu cơ tự động,…

“Bình Phước đã định hướng ngay từ đầu là cùng với việc tăng diện tích cây trồng sẽ sử dụng ít nước, hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng đồng bộ công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo hướng đảm bảo về năng suất, về vùng, về chất lượng.

Song song đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay tỉ lệ chăn nuôi công nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh đã đạt trên 70%. Có thể nói rằng với việc ứng dụng công nghệ chuồng lạnh, tuần hoàn tái sử dụng nước đã cơ bản giải quyết được vấn đề tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Phương nói.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.