Trung Quốc luôn là thị trường lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam |
Hội nghị được tổ chức tại TP Móng Cái ngày 3/11 dưới dự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh.
6 tỷ USD XK nông lâm thủy sản vào Trung Quốc
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2018 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường XK lớn của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, riêng thị trường Trung Quốc lớn nhất, tổng giá trị XK đạt 6 tỷ USD, tăng 5,7%. Trung Quốc nhập nhiều của Việt Nam gồm gạo, sắn, rau quả, cao su, gỗ, thuỷ sản…
Cụ thể, khối lượng XK gạo 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn và 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Dù giảm về cả khối lượng và giá trị song Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 với 23,2% thị phần.
Giá trị XK rau quả 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả trong 8 tháng đầu năm 2018 với 74,1% thị phần. XK rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Tương tự đối với mặt hàng điều và sắn. Khối lượng XK sắn và các sản phẩm từ sắn 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,86 triệu tấn và 708 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường NK chính, chiếm tới 86,3% thị phần. Trung Quốc cũng chiếm 10,6% tổng giá trị XK hạt điều 9 tháng vừa qua.
Đối với mặt hàng cao su, 9 tháng đầu năm 2018 XK ước đạt 1,06 triệu tấn và 1,45 tỷ USD trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất, chiếm thị phần lên đến 62,8%.
Cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc là 1 trong 4 thị trường NK hàng đầu thuỷ sản của Việt Nam. Giá trị XK thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng 4 thị trường này chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, yêu cầu về chất lượng hàng hóa NK vào thị trường Trung Quốc đang ngày càng nâng lên và đây cũng là xu hướng chung trên của thị trường thế giới. “Các nước XK nói chung và Việt Nam nói riêng cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu của các nước NK, giữ vững thị trường”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.
Hàng hóa qua “Một cửa, một lần dừng”
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mục đích của hội nghị là khai thác vai trò cầu nối của Quảng Ninh (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc) trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và thị trường Việt Nam, các nước Asean với vùng Tây Nam của Trung Quốc; tạo cơ hội kết nối các đơn vị đầu mối XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch, đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, bao bì, mẫu mã theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Đồng thời, hội nghị còn cung cấp thông tin, hướng dẫn DN nhận diện các rào cản thương mại; đề xuất các giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường Trung Quốc đối với hàng thủy sản và rau quả của Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh. “Các đơn vị, DN có hoạt động thương mại với phía Trung Quốc sẽ có cơ hội nêu nên những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoạt động XK nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Nam nói.
Hơn 200 DN Việt Nam và Trung Quốc cũng kỳ vọng hội nghị sẽ là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, tăng cường tiêu thụ nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc... |
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để tạo điều kiện tốt nhất cho DN XK hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông lâm thủy sản, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất.
“Những năm qua, Quảng Ninh ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình là “cầu nối”, “cửa ngõ” trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương XNK hàng hóa giữa hai nước và đang hướng tới xây dựng mô hình mẫu về thương mại biên giới, cảng biển, thông quan tại các cửa khẩu theo hướng “hàng hóa qua một cửa, một lần dừng”, tạo thuận lợi tối đa về thời gian cho XK của DN”, ông Hậu khẳng định.
Hơn 200 DN Việt Nam và Trung Quốc cũng kỳ vọng hội nghị sẽ là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá, tăng cường tiêu thụ nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc một cách bền vững. Đây cũng là dịp để DN, các nhà hoạch định chính sách và hiệp hội ngành hàng 2 bên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời đề xuất những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ sự kiện, các biên bản hợp tác hỗ trợ tạọ điều kiện cho DN hoạt động XNK nông lân thủy sản giữa chính quyền TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với Đông Hưng, Quảng Tây của Trung Quốc nói riêng; bản ghi nhớ hợp tác XNK của DN Việt Nam với Trung Quốc nói chung cũng đã được ký kết. Ngoài ra, Tuần OCOP Quảng Ninh và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản một số tỉnh, TP cũng được khai mạc trong tối ngày 2/11/2018, tại sân Cửa khẩu Ka Long, TP Móng Cái.